Không chỉ tiên phong đưa cây thanh long ruột tím về trồng tại địa phương, ông Trịnh Tiến Mạnh ở thôn Hóa Tài, xã Thụy Duyên (Thái Thụy) còn là một trong những nông dân mạnh dạn áp dụng mô hình trồng thanh long bằng giàn theo hướng công nghệ cao.
Thanh long trồng bằng giàn giúp tiết kiệm diện tích, giảm công chăm sóc, thu hoạch thuận tiện, tránh được bão, gió.
Năm 2005, ông Mạnh xin chuyển đổi 2,5 mẫu vùng úng trũng, cấy lúa kém hiệu quả sang phát triển kinh tế theo mô hình VAC tổng hợp. Tìm tòi qua sách báo và bạn bè, ông Mạnh quyết định chọn cây thanh long là cây trồng chủ lực để phát triển kinh tế. Năm 2010, ông sang tận Malaysia tìm mua giống thanh long ruột tím về trồng thay thế thanh long ruột trắng, ruột đỏ mà ông từng canh tác, đến năm 2013 thì ổn định giống và duy trì đến bây giờ.
Ông Mạnh cho biết: Qua quá trình trồng và chăm sóc, tôi thấy cây thanh long ruột tím rất phù hợp với khí hậu và đất đai ở đây. Cây phát triển nhanh, chịu được úng lụt, ra quả sớm, thời gian cho thu hoạch kéo dài, quả to, mẫu mã đẹp. Năm nay, thanh long cho thu hoạch được một đợt, khách hàng đặt mua hết nên gia đình tôi không lo vấn đề tiêu thụ.
Qua tham khảo, năm 2014 ông mạnh dạn bỏ cột trụ, trồng thành giàn theo công nghệ của Israel, thay vì 1ha thanh long thu lãi trên 100 triệu đồng thì ông Mạnh thu tới 300 triệu đồng bằng việc trồng theo công nghệ mới này.
Ông Mạnh cho biết: Được tham quan, học hỏi kinh nghiệm trồng thanh long ở Đài Loan cùng Viện Nghiên cứu cây ăn quả miền Nam, tận mắt thấy họ áp dụng công nghệ cao của Israel trong làm giàn, hệ thống tưới cũng như cách chăm sóc của họ, cây thanh long ít bệnh, cho quả nhiều, khối lượng quả lớn, mẫu mã đẹp nên tôi mạnh dạn áp dụng vào vườn thanh long của gia đình mình. Theo đó, khoảng cách giữa hai hàng là 4m, khoảng cách giữa các trụ bê tông hình chữ V là 2m, ở giữa các trụ có thêm các trụ phụ giúp cây thanh long phát triển, leo theo giàn. So với mô hình trồng trụ riêng lẻ, thanh long giàn vừa tiết kiệm được diện tích đất, giảm được một nửa công chăm sóc, thu hoạch thuận tiện và tránh được bão, gió. Thay vì trồng mỗi trụ cách nhau 3m, trồng thanh long theo giàn mỗi gốc chỉ cách nhau 0,5m, thường 1ha đất chỉ trồng được 1.000 trụ, tương đương với 4.000 hom (4 hom/trụ) nhưng nhờ trồng giàn, 1ha có thể trồng được 4.000 trụ, tương đương với 8.000 hom (2 hom/trụ). Năng suất trồng theo trụ chỉ từ 23 - 40 tấn/ha thì trồng theo giàn tăng lên trên hai lần, từ 80 - 100 tấn/ha.
Theo ông Mạnh, trồng theo trụ, người trồng thanh long thường có tâm lý giữ lại nhiều cành, càng nhiều lớp càng tạo điều kiện ủ bệnh và sâu bệnh phát triển mạnh, tuy nhiên, trồng theo giàn cần tỉa cành kỹ, chỉ để một tầng cành, giàn thanh long thoáng nên hạn chế tối đa sâu bệnh, hơn nữa quả ra từ cành gốc thường to, chất lượng ngon hơn.
Bên cạnh đó, ông Mạnh cũng bón thêm phân hữu cơ gồm bột cá nhạt, khô điều và cám gạo giúp thanh long cứng cành, cho quả to và ngọt hơn. Nhờ chất lượng tốt, thanh long của ông Mạnh hiện cung cấp cho các siêu thị Fivimart, Co-opmart tại Hà Nội và xuất cho thương lái ở Quảng Ninh với giá dao động từ 20.000 - 25.000 đồng/kg.
Chia sẻ với chúng tôi, ông Mạnh cho biết, để thực sự là công nghệ cao, thời gian tới ông sẽ đầu tư hệ thống tưới nước tự động, không chỉ tiết kiệm nước mà còn giúp cây phát triển tốt, nâng cao năng suất.
Viết bình luận