Hoa Sứ - Đặc điểm, phân loại, ý nghĩa, cách trồng và chăm sóc tốt nhất

Hoa Sứ - Đặc điểm, phân loại, ý nghĩa, cách trồng và chăm sóc tốt nhất

Hoa Sứ là một trong những loài hoa rất phổ biến và được người dân trồng nhiều ở nước ta. Thế nhưng ít người lại biết đến những đặc điểm, ý nghĩa cũng như cách trồng hoa sứ thế nào cho đúng, hãy cùng tìm hiểu nhé

Đặc điểm, nguồn gốc hoa Sứ

 

Cây hoa Sứ có tên khoa học là Adenium, thuộc họ Apocynaceae. Đây là loài hoa có nguồn gốc từ Mexico, Trung Mỹ và các nước có khí hậu nhiệt đới. Sau này, hoa Sứ được nhiều người từ nước ngoài mang đi khắp nơi, do đó mà nó có cơ hội xuất hiện trên toàn thế giới, trong đó có cả Việt Nam. Ở nước ta, hoa Sứ là một trong những loài hoa vô cùng phổ biến và được trồng một cách rộng rãi.

Hoa Sứ có phần thân cây vô cùng mập mạp và phình to ở dưới gốc với bộ rễ khá lớn. Lá cây có dạng hình trứng thuôn dài và có màu xanh lục nhạt, chủ yếu mọc nhiều ở gần đầu cành. Cứ vào dịp mùa Đông thì lá cây sẽ rụng hết. Hoa Sứ có 5 cánh hoa chụm lại với nhau tạo thành hình dạng cái phễu. Hoa Sứ có màu chủ đạo là màu hồng, trắng, ngoài ra còn có cả màu đỏ, cam nhưng khá hiếm gặp. Hiện nay hoa Sứ được người dân lai tạo khá nhiều cho nên đã tạo ra nhiều giống hoa mới với đầy đủ màu sắc sặc sỡ khác nhau.

Hình ảnh hoa Sứ

Hoa Sứ rất ưa khí hậu nóng ẩm, khô hanh chứ không hợp với khí hậu lạnh, do đó mà loài hoa này chủ yếu xuất hiện nhiều ở khu vực miền Nam nước ta. Cây hoa Sứ cũng được đánh giá là một loại cây cảnh đẹp, do phần gốc rễ phình to tạo thành các hình dạng vô cùng độc đáo. Chính vì vậy loài cây này có thể xem như một dạng cây bonsai, tiểu cảnh và chúng có giá trị rất cao.

Phân loại cây hoa Sứ hiện nay

Cây hoa Sứ vốn có nguồn gốc từ các nước nhiệt đới như Mexico và vùng Trung Mỹ. Do được nhập về nước ta thông qua nhiều con đường cho nên cây hoa Sứ đã được lai tạo nhiều để có thể phù hợp với khí hậu nóng ẩm ở nước ta. Các loại cây hoa Sứ đời đầu trước khi được lai tạo bạn có thể tìm thấy tại Thái Lan, Indonesia hoặc Trung Quốc.

Về màu sắc, cây hoa Sứ chủ yếu được phân làm hai loại chính, đó là hoa Sứ màu trắng và hoa Sứ màu hồng đỏ:

- Cây hoa Sứ hồng đỏ: Hay còn được biết đến là cây hoa Sứ Thái, chúng có đặc điểm tương tự như với các loại hoa Sứ hiện nay. Tuy nhiên tán lá thì lại nhỏ hẹp hơn, chiều cao trung bình của chúng rơi vào từ 1 mét đến 1,3 mét tùy từng loại.

- Cây hoa Sứ trắng: Hay còn được biết đến là cây hoa Đại, cây bông Sứ,... Chúng có phần thân cây và bộ rễ khá to, có chiều cao trung bình lớn từ 2 mét trở lên, cho nên chúng rất được ưa chuộng để làm cây cảnh trong nhà.

Ý nghĩa hoa Sứ

1. Ý nghĩa hoa Sứ trong văn hóa

Tại Mexico, quê hương của loài hoa Sứ, chúng được xem là loài hoa gắn liền với văn hóa tâm linh tại đây. Ngoài ra, vẻ đẹp tươi thắm của hoa Sứ mang lại ý nghĩa tượng trưng cho nét đẹp thanh xuân của người phụ nữ.

Tại Hawaii, hoa Sứ luôn xuất hiện như là loài hoa trang trí trong các lễ hội nơi đây. Nếu như người phụ nữ đeo hoa Sứ bên tai trái tức là họ đã kết hôn, còn đeo bên tai phải tức là họ vẫn đang độc thân.

Theo như Phật giáo, hoa Sứ là loài hoa mang đến nhiều điều tốt lành, tượng trưng cho sự sống mãnh liệt, cuộc sống mới tốt hơn. Do vậy mà chúng thường xuất hiện trong nhiều ngôi chùa, thiền viện trên cả nước.

Hoa Sứ là loài hoa có nhiều giá trị ý nghĩa tốt lành

2. Ý nghĩa hoa Sứ trong đời sống

Hoa Sứ có nhiều giá trị ý nghĩa phong thủy mà ít người biết đến. Thân cây mập mạp, hoa nở um tùm tượng trưng cho sự sung túc, sinh sôi nảy nở, con đàn cháu đống. Ngoài ra, cây hoa Sứ với bộ rễ chắc khỏe, rậm rạp và ăn sâu xuống lòng đất mang đến sự trường tồn, phú quý và giàu sang cho gia chủ nếu trồng.

3. Ý nghĩa hoa Sứ theo màu sắc

Tùy theo các màu sắc khác nhau mà cây hoa Sứ lại mang một giá trị ý nghĩa khác nhau.

- Cây hoa Sứ trắng: Tượng trưng cho sự thanh khiết, mộc mạc, giản dị. Nếu được trồng trong nhà, cây hoa Sứ trắng mang lại may mắn, thành công và thuận lợi cho gia chủ.

- Cây hoa Sứ đỏ: Tượng trưng cho sự phát đạt, thành công, giàu sang, phú quý của gia chủ. Nếu hoa Sứ đỏ nở càng nhiều thì sẽ mang lại càng nhiều may mắn và tài lộc hơn.

Công dụng của hoa Sứ trong đời sống

1. Công dụng làm đẹp cho cảnh quan

Cây hoa Sứ có hình dạng vô cùng độc đáo và bắt mắt, cho nên chúng rất được ưa chuộng để trồng trong vườn nhà hoặc làm cây cảnh trang trí, tạo điểm nhấn cho không gian xung quanh. Nhiều người rất thích tạo hình hoa Sứ thành cây bonsai đẹp mắt, do đó mà loài cây này có giá trị kinh tế rất cao bởi rất được ưa chuộng để trồng làm cây cảnh trong nhà.

2. Công dụng trong y học

Cây hoa Sứ có chứa độc tố trong nhựa cây, tuy vậy nếu biết cách tận dụng thì nhựa cây hoa Sứ vẫn có thể bào chế được thành dược liệu có công dụng điều trị một số chứng bệnh liên quan đến huyết áp và tim mạch. Phần rễ cây hoa Sứ có thể được phơi khô để sắc thuốc nhằm điều trị các chứng bệnh về da liễu, dị ứng, viêm xoang, viêm mũi,... Phần vỏ cây có thể nghiền nhỏ thành bột nhằm tiêu diệt côn trùng, xua đuổi chúng không đến gần con người hoặc gia súc gia cầm.

Cách trồng và chăm sóc hoa Sứ để hoa nở đẹp

1. Phương pháp trồng

Hoa Sứ hiện nay được trồng dựa trên hai phương pháp cơ bản đó là gieo hạt hoặc giâm cành từ cây mẹ khỏe mạnh. Tuy nhiên phương pháp giâm cành lại phổ biến hơn vì tiết kiệm thời gian, cũng như công chăm sóc bởi kể từ khi gieo hạt giống đến khi hình thành cây non sẽ mất đến vài ba năm. Ngoài ra, phương pháp giâm cành sẽ cho ra được hoa Sứ với nhiều màu sắc khác nhau.

2. Chuẩn bị đất trồng

Hoa Sứ thích những loại đất trồng giàu dinh dưỡng và tơi xốp, có độ pH từ 6-7 để cây có thể sinh trưởng tốt, đâm rễ xuống sâu và thoát nước dễ dàng. Bạn không nên chọn những loại đất khô cứng và nghèo nàn, có thể ảnh hưởng đến sự phát triển của cây hoa.

3. Chuẩn bị chậu cây

Bạn cần lựa chọn loại chậu phù hợp đối với từng giai đoạn phát triển của hoa Sứ. Hãy chọn các loại chậu sứ hoặc chậu đất chứ không chọn chậu nhựa, sau 1-2 năm thì thay chậu một lần để đáp ứng với sự phát triển của bộ rễ cây, giúp cây có thể khỏe mạnh và lớn hơn sau này. Khi nhấc cây thay sang chậu mới, cần tỉa bỏ rễ yếu và thối nát, dùng thuốc diệt nấm và côn trùng để bảo vệ cây.

Hoa Sứ cần loại chậu cây phù hợp cho sự phát triển theo năm tháng

4. Điều kiện ánh sáng

Cây hoa Sứ rất ưa ánh sáng Mặt Trời, do vậy bạn hãy đặt chậu cây tại những nơi có nhiều ánh sáng chiếu đến nhé. Ngoài ra cây có khả năng chịu khô hạn tốt cho nên bạn cứ yên tâm trồng cây ở trong vườn nhà mà không cần phải lo che chắn. Nếu nơi bạn sinh sống có khí hậu lạnh vào mùa Đông, cần che chắn cây cẩn thận để không bị lạnh xâm nhập, bởi hoa Sứ không chịu được khí hậu lạnh giá, dễ bị chết cây.

5. Nước tưới

Cây hoa Sứ ưa ẩm ở mức thấp, vậy nên bạn chỉ cần duy trì tưới cây từ 1-2 lần/tuần là đủ. Chỉ cần không để cho đất trồng bị khô hạn là được, luôn đảm bảo đất trồng có đủ độ ẩm tối thiểu cho sự phát triển của hoa Sứ.

6. Cắt tỉa

Để tạo hình cho chậu cây hoa Sứ, bạn có thể tiến hành cắt tỉa định kỳ hàng năm cho cây. Thời điểm nên cắt tỉa cho hoa Sứ nên là vào mùa khô, từ tháng 10 cho đến tháng 12 âm lịch là thích hợp nhất. Khi cắt tỉa cần cẩn thận không bị nhựa cây dính vào da tay hay da mặt, bởi nhựa có độc có thể gây kích ứng cho da.

Có nên trồng hoa Sứ trong nhà hoặc trước hiên nhà?

Cây hoa Sứ là loài hoa mang lại nhiều giá trị ý nghĩa trong phong thủy rất tốt đẹp, do đó chúng nên được trồng trong nhà hoặc trước hiên nhà nhằm thu hút tài lộc, thịnh vượng và may mắn cho gia chủ. Tuy nhiên bạn không nên được chậu cây ở chính giữa lối đi lại, bởi đó là nơi vượng khí lưu thông từ trong ra ngoài ngôi nhà. Hãy đặt chậu cây hoa Sứ ở bên cạnh lối đi, hoặc đặt ở hướng Tây - Tây Nam nhằm tránh điềm dữ, xui xẻo.

Hoa Sứ hợp mệnh gì?

Do có màu chủ đạo là đỏ hồng và trắng, thế nên cây hoa Sứ rất hợp đối với những người mang mệnh Hỏa hoặc mệnh Thổ. Những người thuộc hai mệnh này nếu trồng cây hoa Sứ trong nhà sẽ giúp mang lại vượng khí, thu về tài lộc, may mắn, công danh thuận lợi, gia đình ấm no, hạnh phúc.

Hoa Sứ có độc không?

Cây hoa Sứ mặc dù có hình dạng vô cùng đẹp mắt, thế nhưng bên trong chúng lại ẩn chứa độc tố có hại cho sức khỏe con người và vật nuôi nếu như lỡ ăn phải hoa lá của cây. Phần nhựa cây là phần độc hại nhất của hoa Sứ, khi dính vào làn da con người sẽ khiến gây ngứa rát, nổi mẩn đỏ vô cùng khó chịu. Vậy nên bạn cần hết sức cẩn thận khi tiếp xúc với cây hoa Sứ.

Viết bình luận