Hợp tác trồng cây dược liệu có hiệu quả kinh tế cao

Chuyển đổi từ đất trồng lúa, trồng màu kém hiệu quả sang trồng cây dược liệu có hiệu quả kinh tế cao, có liên kết tiêu thụ sản phẩm với doanh nghiệp... là mô hình thành công cần được nhân rộng tại xã Cẩm Vịnh, huyện Cẩm Xuyên, Hà Tĩnh.

Nắm bắt được xu hướng cũng như chiến lược phát triển dược liệu trong nước, Cty CP Dược Hà Tĩnh đã phối hợp với Ban Điều phối dự án SRDP - IWMC triển khai hướng dẫn nông dân tham gia dự án trồng cây dược liệu cung cấp cho nhà máy sản xuất thuốc đông dược của Hadiphar.

09-03-43_thu_hoch_cy_kim_tien_tho
Thu hoạch cây kim tiền thảo

Dự án bắt đầu triển khai thực hiện từ năm 2015 tại một số xã trong huyện Cẩm Xuyên và huyện Thạch Hà. Trong đó, phải kể đến mô hình trồng cây kim tiền thảo và mã đề tại xã Cẩm Vịnh, huyện Cẩm Xuyên. Ngay từ vụ thu hoạch đầu tiên, nông dân đã có thu nhập tốt. Sau khi trừ chi phí, các hộ còn thu hơn 3 triệu đồng/sào/năm, cao gấp 2 - 3 lần so với trồng màu.

Sau 2 năm thực hiện dự án, chúng tôi về xã Cẩm Vịnh thăm lại vùng trồng cây dược liệu. Trước mặt chúng tôi là màu xanh mướt trải dài của những luống cây kim tiền thảo, mã đề, diệp hạ châu, rải quạt… trên diện tích 5ha của HTX Sản xuất cây dược liệu thôn Yên Khánh.

Mặc dù tiết trời mùa hè nắng nóng, oi bức nhưng khi được chúng tôi hỏi thăm về hiệu quả kinh tế mang lại của HTX, ai cũng hào hứng, phấn khởi. Ông Trần Văn Toàn, Giám đốc HTX Sản xuất cây dược liệu thôn Yên Khánh cho biết: “Trồng cây dược liệu ít sâu bệnh, dễ canh tác quản lý, khi thu hoạch có xe của Cty đến thu mua, được giá, xã viên không phải lo khâu tiêu thụ nữa”.

Trên diện tích 5ha của HTX có đến 4ha trồng cây kim tiền thảo. Sau 6 tháng trồng là có thể thu hoạch, cắt toàn bộ phần cành lá, trừ lại phần thân sát gốc dài 4 - 5cm để cây tái sinh chồi. Nếu chăm sóc tốt thì sau 1,5 - 2 tháng có thể thu cắt lại. Trung bình mỗi năm có thể thu hoạch được 3 lần, thường thu hoạch được 2 - 3 năm hoặc có thể lâu ở nơi đất tốt, có điều kiện chăm sóc đầy đủ, cẩn thận. Giá thu mua của Cty là 18.000 đ/kg cành lá khô, với năng suất đạt 1,3 tạ khô/sào/lần thu hoạch, sau khi trừ chi phí về giống, phân bón, công cày bừa, công làm cỏ... người dân thu lãi từ 3 - 3,5 triệu đ/sào/năm.

09-03-43_chm_soc_cy_m_de
Chăm sóc cây mã đề

Còn cây mã đề khi thu hoạch được thu mua ở mức giá khác nhau: Hạt khô 85.000 đ/kg, bông khô 25.000 đ/kg, cây tươi 4.000 đ/kg. Với năng suất bình quân/sào/vụ là 25kg hạt khô, 50kg bông khô và 450kg cây tươi, sau khi trừ các chi phí người dân thu lãi từ 3 - 4 triệu đồng, hiệu quả kinh tế tăng vượt so với trồng màu.

Ông Toàn còn chia sẻ: “Năm nay HTX  trồng thử nghiệm thêm cây diệp hạ châu, trạch tả, rẻ quạt… Nếu thành công sẽ mở rộng thêm diện tích. Trồng dược liệu là hướng đi mới nên ngoài sự chăm sóc tốt của bà con, HTX nhận được sự giúp đỡ từ dự án SRDP thông qua tập huấn kỹ thuật, đầu tư hạ tầng tưới tiêu, hỗ trợ giống…”.

“Chúng tôi rất quan tâm đến việc phát triển trồng cây dược liệu trong tỉnh vì nhà máy có nhu cầu sử dụng dược liệu rất lớn. Ngoài Cẩm Xuyên, Thạch Hà, sắp tới chúng tôi sẽ mở rộng vùng nguyên liệu ở Kỳ Anh, Hương Khê… với đa dạng các loại giống như gừng, nghệ, mộc hoa trắng, rẻ quạt… tạo thêm nhiều công ăn việc làm cho bà con”, ông Lê Hồng Phúc - TGĐ Cty CP Dược Hà Tĩnh.

Viết bình luận