Hướng dẫn trồng đu đủ siêu lùn

I.  Đặc tính giống đu đủ siêu lùn

  • Cây thấp, sinh trưởng khỏe, sai trái, trọng lượng trái 1,7 - 2,5 kg, thịt trái đỏ đẹp, 11 - 12o Brix, chịu được vận chuyển xa, cây cao khoảng 60cm là bắt đầu cho quả.

  • Sau trồng 6,5 - 7 tháng cho thu hoạch trái chín.

  • Lưu ý quan trọng: phải trồng ở nơi có nắng cả ngày + châu to 80x80cmx80cm, bón ít đạm, đủ liều lượng và có thể trồng cây nghiêng thì mới đủ điều kiện để cây lùn như thông tin giống.

II.  Kỹ thuật trồng

  1. Mật độ, khoảng cách

  • Khoảng cách giữa mỗi cây nếu trồng luống: 2,0 - 2,5 m x 2,0 m. 

  • Nếu trồng chậu thì chậu kích thước tối thiểu 80x80x80cm (1 thùng xốp size to nhất hoặc 2 thùng xốp chồng lên nhau)

2. Ươm cây con

  • Ngâm hạt trong nước ấm (2 sôi 3 lạnh) trong 11 - 12 tiếng đồng hồ và dùng tay xoa nhẹ hạt để hạt thấm nước tốt, sau đó vớt ra rửa sạch nhớt và gieo vào bầu ươm, không ủ.

  • Bầu ươm cây con: trộn xơ dừa (đã xả hết chát) với tro trấu (đã xả hết mặn) và phân chuồng hoai mục hoàn toàn với tỉ lệ thể tích: 1 xơ dừa + 1 tro trấu + 1 phân chuồng hoai mục.

  • Đặt bầu ươm vào chỗ tối, tránh ánh sáng và ánh nắng chiều vào, giữ ẩm vừa phải (không khô quá, không ẩm quá). Sau khoảng 7-10 ngày hạt bắt đầu nảy mầm. 

  • Lưu ý: Hạt đu đủ mọc mầm lai rai chứ không mọc đều cùng 1 lúc.

  • Khi cây con cao khoảng 15 - 20 cm, có 5 - 6 lá (40 - 45 ngày sau gieo) thì đem ra trồng.

 

3. Chuẩn bị đất trồng

Đu đủ có thể trồng được trên nhiều loại đất, pH thích hợp từ 5,5 - 6,5. Đất trồng trộn theo tỷ lệ 40-50% đất thịt; 25% xơ dừa tro trấu mục + 25% phân chuồng hoai (phân bò hoai hoặc phân trùn quế).

4. Bón phân và chăm sóc

Lượng phân bón tham khảo bón cho mỗi gốc:

  • Bón lót: Là lượng phân chuồng đã trộn cùng với đất khi trồng cây con xuống.

  • Bón thúc:

* Bón thúc lần 1: Sau khi trồng 4 - 6 tuần, bón phân NPK tổng hợp, 1 cây 1 thìa ăn cơm (đào 1 cái lỗ cách xa gốc rồi chôn phân xuống và tưới nước)

* Bón thúc lần 2: Khi cây ra hoa (khoảng 3,5 - 4 tháng sau trồng), bón phân chuồng hoai mục (phân gà, dơi, trùn quế, dê) + 1 thìa phân NPK tổng hợp (thành phần kali nhiều hơn)

* Bón thúc lần 3: Sau khi thu hoạch lứa quả đầu tiên, bón phân chuồng hoai mục (phân gà, dơi, trùn quế, dê) + 1 thìa phân NPK tổng hợp (thành phần kali nhiều hơn)

  • Làm cỏ, bón phân kết hợp vun gốc. Nên dùng rơm rạ tủ gốc để giữ ẩm, hạn chế xói mòn, cân bằng hệ vi sinh vật quanh gốc. Khơi rãnh chống ngập úng khi có mưa. Lúc cây mang trái, cắm cây cọc để chống đổ ngã.

5. Phòng trừ sâu bệnh

Để phòng trừ sâu bệnh hại cần chú ý bón phân đầy đủ và cân đối, trồng với mật độ như khuyến cáo, làm đất tơi xốp, thoát nước tốt, kịp thời cắt bỏ và tiêu hủy phần cây bị bệnh để tránh lây lan.

Viết bình luận