Những ngày qua, thời tiết có mưa nắng xen kẽ ảnh hưởng đến chất lượng quả, tạo điều kiện cho một số bệnh như: Sương mai, thán thư… xâm nhập làm cho vỏ quả ở một số cây vải có hiện tượng bị nứt và thối. Ngoài ra, do người dân chăm sóc chưa đúng quy trình về thời điểm, liều lượng phân bón cho cây nên dẫn đến tình trạng cây bị thừa chất dinh dưỡng thúc đẩy sự phát triển của cùi quả nhanh hơn so với sự phát triển của vỏ quả dẫn đến hiện tượng quả bị nứt vỏ. Bởi vậy, các chủ vườn cần có biện pháp phòng chống kịp thời.
Theo khuyến cáo của Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật (Sở Nông nghiệp và PTNT), để hạn chế sự phát triển, gây hại của các bệnh trên, người dân cần thường xuyên thăm vườn, khi thấy vải chín phải thu hoạch kịp thời. Đối với những vườn vải ở vùng trũng, các chủ vườn cần tạo rãnh thoát nước, bảo đảm cho nước thoát nhanh. Nếu vườn quả bị đọng nước vỏ quả sẽ bị nứt nhiều. Chủ hộ cần tỉa cành để tạo thông thoáng trong tán cây, làm các cây chống hay sử dụng dây buộc để nâng các chùm vải sát đất lên, không để quả vải chạm đất, rất dễ gây thối quả.
Riêng trà vải thiều đang thu hoạch, người dân không sử dụng thuốc bảo vệ thực vật để phòng trừ bệnh hại nhằm bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm. Đối với trà vải còn xanh (cách thời gian thu hoạch từ 10 ngày trở lên), khi thấy bệnh xuất hiện cần phun thuốc phòng trừ hóa học như: Carbendazim, Difenocanazole, Tebuconazo, Carmanthai 80wp hỗn hợp… theo hướng dẫn trên bao bì. Với trà vải quả còn xanh, bà con nên phun thêm một đợt thuốc phòng trừ sâu đục cuống quả.
Lưu ý, vào cuối thời kì phát triển của quả người dân cần bảo đảm thời gian cách ly thuốc khi thu hoạch. Riêng ở giai đoạn này, nhằm tránh hiện tượng nứt và thối quả các hộ sản xuất tuyệt đối không được bón phân, thường xuyên điều hòa nước tưới, bảo đảm độ ẩm cho cây. Không thu hoạch quả lúc trời quá nắng vì vải sẽ bị khô, héo, màu thâm ảnh hưởng đến mẫu mã, chất lượng sản phẩm.
Viết bình luận