KHAI THÁC TIỀM NĂNG CÂY DƯỢC LIỆU Ở SÓC SƠN

KHAI THÁC TIỀM NĂNG CÂY DƯỢC LIỆU Ở SÓC SƠN

 

 


Chị Nguyễn Thanh Tuyền hướng dẫn công nhân thu hái tại vườn dược liệu xã Bắc Sơn, huyện Sóc Sơn (Hà Nội).

Là huyện ngoại thành nằm ở phía bắc TP Hà Nội, huyện Sóc Sơn có nhiều điều kiện tự nhiên phù hợp cho việc phát triển các loại cây trồng thế mạnh, trong đó có cây dược liệu. Những năm gần đây, cây dược liệu trồng theo hướng hữu cơ được coi là hướng đi mới trong phát triển kinh tế của ngành trồng trọt trên địa bàn huyện, nhiều mô hình cho thu nhập cao, khẳng định hiệu quả kinh tế.

Vườn dược liệu theo hướng hữu cơ

Đó là vườn dược liệu của chị Nguyễn Thanh Tuyền và các thành viên của Hội Nghiên cứu trồng bảo tồn và phát triển cây dược liệu Việt Nam tại các xã Bắc Sơn, Xuân Giang và Trung Giã (huyện Sóc Sơn) với quy mô lên tới gần 20 ha. Chị Tuyền chia sẻ: Với niềm đam mê và thấy được tiềm năng phát triển cây dược liệu tại Sóc Sơn, năm 2014 tôi quyết định về vùng núi cao của xã Bắc Sơn cải tạo đất đồi trồng các loại cây dược liệu. Ngày đầu lên đây chúng tôi phải mất rất nhiều thời gian thuyết phục từng hộ dân để thuê đất trồng cây. Cây dược liệu không giống cây lương thực, nếu không bán được thì không thể để dành ăn dần. Lo ngại việc trồng cây sẽ thất bại, hầu hết người dân không mấy mặn mà khi chúng tôi đặt vấn đề thuê đất. Tuy nhiên, sau nhiều ngày thuyết phục, đến cuối năm 2014, chúng tôi đã thuê được diện tích đất đồi khá lớn và bắt đầu trồng năm héc-ta cây dược liệu đầu tiên, chủ yếu là cây trà hoa vàng, khôi tía. Lấy ngắn nuôi dài, chúng tôi còn trồng một số loại cây thảo dược thương mại để chế biến thành các loại trà hoa, trà thảo mộc bán trực tiếp đến người tiêu dùng.

Nhờ sự quyết tâm và linh hoạt trong sản xuất, kinh doanh, đến nay, diện tích cây dược liệu của chị Tuyền đã lên tới gần 20 ha với 80 loại thảo dược. Trong đó, có nhiều loại thảo dược quý hiếm như: thất diệp nhất chi hoa, ngải rắn, lan kim tuyến vân đỏ, xáo tam phân… Xác định muốn phát triển nông nghiệp bền vững thì phải sản xuất theo hướng hữu cơ, ngay từ đầu chị Tuyền và các thành viên trong Hội Nghiên cứu trồng bảo tồn và Phát triển cây dược liệu Việt Nam đã canh tác vườn dược liệu hoàn toàn không sử dụng phân bón hóa học và thuốc bảo vệ thực vật, thay vào đó, dùng phân bón hữu cơ và các loại thuốc thảo mộc để phòng ngừa, trị sâu, nấm bệnh cho cây. Chị Tuyền cho biết, nhờ sản xuất cây dược liệu theo hướng hữu cơ, sản phẩm của chúng tôi luôn bảo đảm chất lượng, cung không đủ cầu, nhiều khách hàng ở Nhật Bản còn đến tận vườn tham quan và đặt hàng trực tiếp các sản phẩm của chúng tôi. Hiện nay, phần lớn sản phẩm sau thu hoạch được các doanh nghiệp, cơ sở bào chế dược phẩm thu mua để làm thuốc. Bên cạnh đó, chúng tôi còn chế biến 25 sản phẩm từ thảo dược như: trà ướp hoa, trà hoa…; các loại thảo dược túi lọc dùng tiện dụng, các loại tinh dầu; gối chườm, mỹ phẩm thảo dược bán trực tiếp đến người tiêu dùng.

Mở rộng các vùng chuyên canh

Vườn cây dược liệu của chị Nguyễn Thanh Tuyền là mô hình tiêu biểu của huyện Sóc Sơn. Hiện nay, trên địa bàn huyện cũng bắt đầu xuất hiện nhiều mô hình trồng cây dược liệu. Nói về tình hình phát triển cây dược liệu hiện nay của địa phương, Phó Chủ tịch UBND huyện Sóc Sơn Vi Thị Bình Anh cho biết: Trước năm 2015, huyện Sóc Sơn có khoảng 15 ha trồng cây dược liệu, chủ yếu là các loại cây nhân trần, thanh hao hoa vàng. Tuy nhiên, diện tích trồng còn nhỏ lẻ, manh mún, đầu ra chưa ổn định, cho nên giá trị không cao. Từ năm 2015 đến nay, thấy được tiềm năng và giá trị của cây dược liệu, huyện Sóc Sơn đã có nhiều hỗ trợ để phát triển sản xuất cây dược liệu trên địa bàn huyện, tạo động lực mới cho người dân. Cụ thể, ngoài việc tạo điều kiện thuận lợi trong cơ chế, chính sách về đất đai, huyện còn hỗ trợ cây giống, vật tư phân bón; nhà lưới và tủ sấy chuyên dụng chế biến dược liệu cho người dân. Nhờ vậy, diện tích cây dược liệu phát triển mạnh mẽ, hình thành nhiều vùng sản xuất tập trung tại các xã Bắc Sơn, Trung Giã, Xuân Giang, Minh Trí, Tiên Dược, Hiền Ninh… bình quân mỗi héc-ta cho thu nhập từ 280 đến 420 triệu đồng, bảo đảm đời sống cho người nông dân.

Hiện nay, huyện Sóc Sơn được các chuyên gia sản xuất các loại trà thảo mộc Nhật Bản lựa chọn là vùng cung cấp nguyên liệu sạch cho nhà máy chế biến các loại trà thảo mộc chất lượng cao xuất khẩu sang thị trường Nhật Bản và các thị trường khác…, điều này mở ra một hướng làm ăn mới cho người dân. Từ hiệu quả của những mô hình trồng cây dược liệu theo hướng hữu cơ đem lại giá trị kinh tế cao, Trưởng Phòng Kinh tế huyện Sóc Sơn Hoàng Chí Dũng cho rằng: Thời gian tới, huyện sẽ tiếp tục mở rộng các vùng chuyên canh trồng cây dược liệu hữu cơ chất lượng cao với mục tiêu đến năm 2020 sẽ đạt 25 đến 30 ha. Để làm được điều đó, huyện tiếp tục xây dựng cơ chế, chính sách thu hút nguồn lực của các tổ chức, cá nhân đầu tư vào phát triển vùng cây dược liệu và công nghệ chế biến dược liệu. Đồng thời, tăng cường công tác đào tạo quản lý, kỹ thuật chuyên ngành để nâng cao trình độ nghiệp vụ cho cán bộ, nông dân trong sản xuất và thâm canh cây dược liệu theo hướng hữu cơ, khuyến khích phát triển các loại cây dược liệu có nguồn gốc bản địa Việt Nam. Bên cạnh đó, chúng tôi cũng mong muốn ngành chức năng có sự hỗ trợ để huyện Sóc Sơn có điều kiện ứng dụng tiến bộ khoa học – kỹ thuật trong sản xuất, cũng như xây dựng và xúc tiến thương mại nhãn hiệu sở hữu tập thể “Cây dược liệu hữu cơ Sóc Sơn” trở thành một thương hiệu mạnh của huyện Sóc Sơn và TP Hà Nội.

Viết bình luận