Đẳng sâm hiện đang được thu mua mạnh, mỗi ký sâm tươi loại củ lớn có giá 100.000 đồng, loại trung bình là 70.000 đồng, còn sâm khô có giá từ 400.000 – 500.000 đồng/kg.
Không phải nhọc công mang gùi vác cuốc vào rừng sâu lùng sục, giờ đây các hộ dân ở xã Măng Ri (huyện Tu Mơ Rông, tỉnh Kon Tum) ai cũng có thể vào những vùng rẫy kề bên nhà mình để đào củ đảng sâm về bán quanh năm.
Giữa lúc loại cây dược liệu này bị cạn kiệt ở rừng, cư dân Xơ Đăng ở đây đã tự nhân trồng, thuần dưỡng, biến loại sâm hoang dã thành cây trồng kinh tế, mở ra thị trường đảng sâm nhộn nhịp ở vùng Trường Sơn hiểm trở...
Măng Ri nằm ở phía nam của Ngọc Linh – dãy núi có độ cao gần 2.600m, là một thung lũng được chắn dừng bởi dãy núi cao ngút mắt. Cũng như nhiều xã nằm quanh dãy Ngọc Linh, Măng Ri là xứ sở của cây sâm Ngọc Linh được phát hiện hồi năm 1974.
Vùng núi cao này cũng là chiếc nôi của nhiều loại cây dược liệu khác, trong đó có đẳng sâm. Và cũng chung số phận với sâm Ngọc Linh, chỉ sau thời gian bị khai thác quá mức, dăm bảy năm nay đảng sâm trên rừng đã bị cạn kiệt.
Tự nhân trồng đẳng sâm
Chưa đến bảy giờ, chị Y H’Lạng đã thoăn thoắt tay rựa, tay cuốc ở rẫy sâm rộng hơn ngàn mét vuông nằm ở lưng đồi sát sau ngôi làng Pu Tá của chị. “Nhờ cái rẫy ở gần nhà, mình tranh thủ đi làm sớm được. Nay đang là mùa phát chồi, làm cỏ cũng như đào củ sâm bán, ai cũng phải lo cho rẫy sâm của mình”, chị H’Lạng, người phụ nữ đi đầu trong việc trồng đảng sâm ở Măng Ri, nói.
Theo chị H’Lạng, đẳng sâm được cư dân Xơ Đăng gọi là cây tu lú, nay người dân ở đây quen gọi là cây sâm dây, cây hồng đẳng sâm, bởi lẽ, khi đem củ sâm ngâm hay sắc sẽ cho ra nước màu hồng.
Từ đầu tháng chạp, cây đẳng sâm bắt đầu khô rụi dây, nên dân làng gọi là sâm “ngủ”, sau đó, chúng sẽ nẩy chồi ra lá vào khoảng tháng tư âm lịch, cũng là lúc mùa mưa ở Tây Nguyên bắt đầu.
Chị H’Lạng cho biết: “Để lần theo cái dấu dây sâm khô mà đào lấy củ, nên mình chưa đốt. Khi nào đào củ xong, mình sẽ đốt rẫy. Cái giống hồng đẳng sâm nó kỳ lạ lắm, đốt trụi đi, nó lại lên mạnh. Cũng nhờ mình để ý thấy cách phát triển của nó ở ngoài rừng, ngoài núi, nên mới dám làm vậy”.
Bên cạnh khu rẫy dành riêng cho đẳng sâm, chị H’Lạng còn có khu rẫy trồng đẳng sâm xen với khoai mì vì cây khoai mì vừa cho bóng che, vừa là cây cho đảng sâm leo bám. Kế bên rẫy sâm của chị H’Lạng là rẫy lúa đã thu hoạch của một số hộ ở làng Pu Tá, rải rác trong đám rạ lúa đã bẹp xuống là những gốc đẳng sâm xanh tốt.
Chị H’Lạng giải thích: “Có cây hồng đẳng sâm ở mấy cái rẫy lúa này là nhờ các hạt sâm ở mấy cái rẫy sâm kề bên bay tới. Đất ở mấy rẫy lúa ẩm ướt hơn, lại có rạ lúa che ủ, làm mát mặt đất, nên dây sâm ở đây chưa khô rụi. Hạt hồng đẳng sâm rớt ở đâu mọc lên cây sâm ở đó, dân mình thấy vậy, nên mới nghĩ đến chuyện trồng sâm”.
Bên cạnh việc nhân trồng đẳng sâm bằng hạt, người dân ở Măng Ri còn nhân trồng đẳng sâm bằng củ, và chị H’Lạng là người đầu tiên ở Măng Ri biết cách trồng đẳng sâm bằng củ nhân một dịp tình cờ khi đi đào đẳng sâm ngoài rừng, chị để ý thấy những củ sâm mà người đào bỏ sót lại dưới đất đã nảy mầm lại khi mùa mưa đến.
Do vậy, khi bắt đầu trồng đẳng sâm hồi năm 2007, chị H’Lạng đã mua củ sâm để trồng cho có củ sâm bán, năng suất lại cao hơn. “Hồi đó tui chọn mua củ sâm nhỏ có giá rẻ hơn, còn khi gặp củ sâm lớn, thì tui cắt bán bớt một đoạn, còn một đoạn để trồng. Bây giờ, khi đào củ sâm để bán, mình đào củ lớn, còn những củ nhỏ thì mình chừa lại để cho nó lớn, năm sau mình sẽ đào”, chị H’Lạng cho biết.
Theo chị H’Lạng, vụ sâm năm 2012, chị thu được một tạ rưỡi sâm tươi, còn năm nay, ít nhất chị cũng thu được gần gấp đôi năm ngoái.
Mỗi nhà một rẫy sâm
Hiện nay, trên thị trường, củ đẳng sâm đang được giá. Chị Cao Thị Gấm, một người Kinh mở quán ở Măng Ri, cho biết đẳng sâm hiện đang được thu mua mạnh, mỗi ký sâm tươi loại củ lớn có giá 100.000 đồng, loại trung bình là 70.000 đồng, còn sâm khô có giá từ 400.000 – 500.000 đồng/kg.
“Đẳng sâm ở Tu Mơ Rông mấy năm nay được nhiều người ưa chuộng, có người mua làm quà biếu, đưa đến tận TP.HCM, Hà Nội. Tuy người dân ở Măng Ri đã trồng được đẳng sâm vài năm nay, nhưng vẫn chưa cung cấp đủ cho thị trường”, anh Sáu, một chủ quán người Kinh chuyên thu mua các loại cây dược liệu ở xã Tu Mơ Rông cho biết.
Từ khi đẳng sâm được thị trường ưa chuộng, người dân ở Măng Ri phấn khởi với những rẫy sâm có được của mình. Anh A Phú, trưởng thôn Long Lái hồ hởi: “Dân Măng Ri bắt đầu trồng sâm từ năm 2009. Ở thôn Long Lái có 34 hộ, nhưng hộ nào cũng có rẫy sâm, có hộ có đến hai, ba rẫy. Từ đầu năm 2012, các hộ dân đã bắt đầu thu hoạch đẳng sâm, tuy thu nhập từ việc bán sâm chưa được nhiều lắm, nhưng cũng có tiền để chi tiêu, người dân khỏi phải bán con bò, con trâu”.
Theo anh A Xin, ở thôn Pu Tá, khi trồng đẳng sâm, có thể khai thác dần mỗi năm một ít, rẫy sâm càng lâu năm, càng dày gốc vì dây sâm bò trên mặt đất thường châm rễ xuống đất rồi lớn thành củ. Sau đó, củ lại nảy mầm thành dây, qua đôi ba năm, rẫy sâm thưa (gốc) sẽ biến thành rẫy sâm dày (gốc), và trồng một lần có thể thu hoạch suốt nhiều năm. Với những rẫy sâm dày gốc (từ bốn, năm năm trở lên), mỗi sào (1.000m2) đảng sâm có thể cho đến ba tạ sâm tươi/năm.
Để khắc phục việc thiếu đất trồng sâm, cư dân ở Măng Ri đã cho cây sâm xen canh với cây khoai mì, hoặc trồng xen canh vào rẫy cà phê. “Nhưng chỉ có trồng xen cây sâm vào rẫy khoai mì là tốt nhất. Khi thu hoạch khoai mì, mình vun đất cho gốc sâm, lấp đất chỗ dây sâm châm rễ, nên dây sâm tốt, củ sâm to. Còn chỗ nào thấy thưa gốc thì mình trồng dặm cây sâm con vô”, anh A Nghịch ở thôn Ngọc La, giải thích.
“Ngay sau khi cây đẳng sâm ngoài rừng không còn, một số người dân ở đây đã tính đến việc trồng sâm ở rẫy, từ năm 2007. Do thấy bà con làm được, thấy cây sâm có thể giúp bà con xoá đói giảm nghèo, năm 2011, xã đã đề ra chỉ tiêu của năm 2012, mỗi hộ phải có một rẫy sâm với diện tích một sào.
Qua đợt kiểm tra vừa rồi, có nhiều hộ đã trồng vượt chỉ tiêu. Năm 2013, xã vận động bà con phải tăng diện tích rẫy sâm của mỗi hộ lên trên một sào. Mức này có thể đạt được vì cây sâm có thể trồng xen canh với cây khoai mì, cây bời lời”, phó chủ tịch UBND xã Măng Ri, Lâm Quang Huy cho biết.
Còn ông Hoàng Dũng, trưởng phòng Nông nghiệp và phát triển nông thôn huyện Tu Mơ Rông, cho biết: “Măng Ri là mô hình trồng đẳng sâm nổi bật nhất của huyện Tu Mơ Rông. Điều đáng nói là người dân ở đây đã sớm mở ra việc trồng sâm, họ tự mày mò tìm ra kỹ thuật nhân trồng phù hợp, đến nay, họ đã đưa diện tích trồng đảng sâm ở xã lên khá cao, nhà nào cũng có rẫy sâm.
Đây chính là điển hình để các xã trong huyện học hỏi, nhân trồng cây đẳng sâm nhằm góp phần xoá đói giảm nghèo cho người dân ở Tu Mơ Rông”.
Viết bình luận