‘KHÓ TIN’ VỚI MÔ HÌNH TRỒNG 12.000 GỐC CHUỐI, THU TIỀN TỶ/NĂM

Anh Đào Quang Hùng ở xã Vĩnh Lại, huyện Lâm Thao, Phú Thọ là chủ hộ nông dân đã trồng 20ha chuối tiêu hồng từ năm 2009, nhưng phải tới năm 2017 anh mới thực sự có được nguồn nhuận trên 1 tỷ đồng.

 

11-23-11_cc_nh_kho_hoc_vien_nc_ru_qu_thm_vuon_chuoi_gi_dinh_nh_dng_vn_hung
Tham quan vườn chuối của gia đình anh Đặng Văn Hùng

Chuối là cây trồng hàng năm, lại trồng với diện tích lớn, nhưng phải tới gần chục năm sau gia đình anh mới có được nguồn thu cao như vậy? Giải đáp cho những băn khoăn của chúng tôi, anh Hùng ngậm ngùi chia sẻ: “Vợ chồng tôi vốn là những nông dân năng động, luôn có khát vọng vươn lên làm giàu. Sau nhiều năm căn cơ canh tác lúa ngô và chăn nuôi nhỏ lẻ, vợ chồng tôi đã quyết định vay thêm vốn của người thân, thuê nhượng được gần 20ha đất bãi ven sông Hồng trên địa bàn xã, rồi chuyển đổi sang chuyên canh chuối tiêu hồng và cây dược liệu đinh lăng…”.

Kết quả chỉ sau 2 năm trồng chuối, vợ chồng Hùng đã trả được hết vốn vay trước đó, và đầu tư xây dựng được một số hạ tầng thiết yếu cho trồng chuối như, cứng hóa mạng lưới giao thông trong vườn, khoan thêm nhiều giếng nước tưới cây, xen canh được gần 4 vạn gốc đinh lăng trong vườn chuối… Kỳ vọng năm sau sẽ có hàng tỷ đồng lợi nhuận từ các cây đã trồng!

Nào ngờ! Chỉ một mùa mưa lũ năm 2013, nước sông Hồng đã gây xói lở cuốn theo gần hết khu đất bãi ven sông của vợ chồng anh đang thuê nhượng, bao gồm tất cả cơ sở hạ tầng và cây trái sắp đến kỳ thu hoạch, khiến gia đình trắng tay, bao công sức bấy lâu đều đổ xuống sông trôi ra biển cả.

Không nản lòng trước thất bại, vợ chồng Hùng lại tiếp tục vay mượn vốn, tích tụ đất đầu tư trồng chuối. Nhưng lần này anh chỉ trồng chuối trên đất canh tác trong đê để tránh rủi ro. Và trời đã không phụ lòng người.

Năm 2014 gia đình Hùng mới tích tụ trồng được trên 1ha chuối tây. Sản phẩm thu hoạch đến đâu được thương lái đến bao tiêu hết ngay đến đó. Lợi nhuận có được hàng năm, gia đình anh đều dành chủ yếu cho thuê nhượng thêm ruộng canh tác, mở rộng diện thâm canh chuối.

Và tới cuối năm 2017 gia đình Hùng đã tích tụ được trên 6ha ruộng, trồng được gần 12.000 gốc chuối tây. Doanh thu trong vụ mới rồi đạt gần 2,3 tỷ đồng. Trừ mọi chi phí đầu tư và thuê mướn công lao động, vợ chồng anh vẫn để ra được trên 1 tỷ đồng. Dự kiến trong năm 2018 vợ chồng Hùng tiếp tục thuê ruộng để mở rộng diện tích chuối lên 10ha.

Theo kinh nghiệm của anh Hùng, để thâm canh chuối đạt hiệu quả: Với các chân ruộng trồng chuối lần đầu, nên trồng giống chuối tây nuôi cấy mô, vì giống cho năng suất cao, sản phẩm dễ bán và bán được giá cao. Tuy nhiên, để tránh bị rủi ro dịch bệnh, thì sau 2 vụ trồng chuối tây (30 tháng) phải chuyển đổi sang trồng chuối tiêu hồng.

Trong chăm sóc cây chuối nói chung cần hạn chế xới xáo, tránh gây tổn thương bộ rễ. Không sử dụng hóa chất trừ cỏ cho vườn chuối, vì thuốc trừ cỏ rất mẫm cảm với bệnh vàng lá Panama gây hại chuối (bệnh nguy hiểm).

Để cây chuối cho quả to, buồng dài, nhiểu nải thì từ khi cây trỗ buồng đến trước thu hoạch phải duy trì được 8 – 10 lá/cây. Đảm bảo cho bộ lá luôn khỏe, nguyên lành, không tước rách, không nấm bệnh. Hạn chế bón phân đạm. Ưu tiên sử dụng tro bếp và phân chuồng. Nhưng tuyệt đối không sử dụng phân gia cầm chăm bón cho cây chuối. Phân chuồng cần trộn ủ với chế phẩm Trichoderma trước khi bón lót. Nên bón cân đối bằng NPK 13-13-13+TE. Trồng xen chuối với cây họ hành tỏi có tác dụng giảm thiểu sâu bệnh hại chuối.

Bằng cách làm này, gia đình anh Hùng chẳng những làm giàu được cho chính mình mà còn giúp cho 8 – 10 lao động tại chỗ có việc làm ổn định với thù lao 4 – 4,5 triệu đồng/người/tháng.

Viết bình luận