Ba kích tím là một loại dược liệu quý có tác dụng ôn thận trợ dương, mạnh gân cốt, khử phong thấp, gân cốt yếu mềm, lưng gối mỏi đau, hỗ trợ thần kinh….
I.Giới thiệu về cây ba kích tím
1. Tên
Ba kích (Mã kích, Dây ruột gà) có tên khoa học là Morinda officinalis How, thuộc họ Cà phê – Rubiaceae.
2. Giá trị sử dụng
Ba kích tím là một loại dược liệu quý có tác dụng ôn thận trợ dương, mạnh gân cốt, khử phong thấp, gân cốt yếu mềm, lưng gối mỏi đau, hỗ trợ thần kinh….
3. Đặc điểm hình thái
Ba kích có dạng dây leo thường xanh, thân cỏ sống nhiều năm, cuốn lên cây khác. Thân hình trụ tròn, phân nhánh nhiều. Cành non có lông thô màu nâu, cành già nhẵn không lông. Lá đơn nguyên, mọc đối chéo chữ thập, có cuống. Phiến lá hình elip thuôn dài, lá non màu tím có lông, lá già màu xanh không lông. Hoa nhỏ màu trắng ngà. Quả khi chín màu hồng. Rễ có thịt dầy, hình trụ tròn, cong và thắt thành từng đoạn như ruột gà, giữa có lõi dai. Rễ được sử dụng làm thuốc như một loài dược liệu quý. Mùa hoa quả: Tháng 4 đến tháng 12.
4. Đặc điểm sinh thái:
Ba kích mọc hoang nhiều dưới tán rừng thứ sinh nghèo kiệt, rừng khoanh nuôi phục hồi, có độ tàn che từ 0,3 – 0,5, ở hầu hết các tỉnh miền núi phía Bắc như: Quảng Ninh, Lạng Sơn, Cao Bằng, Hà Giang, Tuyên Quang, Thái Nguyên, Bắc Cạn... Đây là loài cây ưa bóng khi cây non và ưa sáng khi trưởng thành, thích hợp với khí hậu nhiệt đới mưa mùa, phát triển tốt trên vùng đất ẩm mát và thoát nước tốt, thành phần cơ giới trung bình, tầng đất dày trên 1m, nhiều mùn, tơi xốp (đất feralit đỏ vàng và đất feralit giầu mùn trên núi). Tuyệt đối không trồng ở những nơi đất úng, bí chặt và không thoát được nước, trường hợp trồng trong vườn và ruộng nơi đất thấp cần lên luống cao trước khi trồng. Cây sinh trưởng sau 5 đến 7 năm mới cho thu hoạch, năng suất bình quân 8- 12kg củ tươi/gốc, càng để lâu năm sản lượng càng cao chất lượng dược liệu càng tốt.
II. Kỹ thuật trồng Ba kích tím
1. Chọn giống
Việc chọn thời điểm nào để trồng còn phụ thuộc vào tuổi của cây giống:
+ Đối với vụ Xuân (tháng 3 -4): Thời tiết mát mẻ, độ ẩm lớn. Cây giống ít nhất phải đảm bảo trên 6 tháng tuổi. Cây cần được luyện trong thời gian khoảng 1 tháng (Đảo cây và điều chỉnh độ chiếu sáng lớn và độ ẩm đất thấp).
+ Đối với vụ Thu (tháng 8 -9): Thời tiết nắng nóng, mưa nhiều. Cây giống phải đảm bảo từ 10 đến 12 tháng tuổi. Cây phải được luyện trong điều kiện ánh sáng, độ ẩm gần với điều kiện trồng ngoài thực tiễn.
Cây giống không đủ tuổi, không được luyện cây trước khi trồng và trồng trong điều kiện thời tiết nắng nóng, độ ẩm thấp tỷ lệ sống thấp (dưới 60%)
Cây hom thân: chồi thứ cấp cao 20-25 cm, rễ dài 5-6 cm, có 5-6 cặp lá trở lên sau 2-3 tháng tuổi. Cây con từ hạt: 3-4 tháng tuổi, cây cao 20-25 cm, có 5-6 cặp lá, cây sinh trưởng tốt
2. Kỹ thuật trồng
* Thời vụ: Trồng vụ xuân hoặc thu, chọn những ngày râm mát hoặc mưa nhỏ.
+ Vụ Xuân: Chuẩn bị hố trồng khoảng tháng 1 – 2, nên chuẩn bị hố trồng trước khoảng 1 tháng. Thời gian trồng khoảng tháng 3 – 4.
+ Vụ Thu: Chuẩn bị hố trồng khoảng tháng 6 – 7, nên chuẩn bị hố trồng trước khoảng 1 tháng. Thời gian trồng khoảng tháng 8 – 9.
* Mật độ trồng thâm canh:
Mật độ trồng tuỳ thuộc vào phương thức trồng (trồng thuần hay trồng xen dưới tán), độ dốc của đất, độ dầy của tầng đất, độ phì của đất, khả năng chăm sóc.
+ Đối với trồng dưới tán cây (cây ăn quả trong vườn hộ, cây rừng tự nhiên, cây rừng trồng). Mật độ trồng khoảng 1000 – 4500 cây/ha.
+ Đối với trồng thuần trong điều kiện đất dốc trên 10 độ đến dưới 250, có đủ điều kiện tưới và thoát nước tốt. Mật độ khoảng 2500 - 5000 cây/ha.
+ Đối với đất có độ dốc dưới 10 độ, đất tốt, tầng đất dầy, thoát nước với điều kiện chăm sóc tốt: Mật độ trồng khoảng 5500 – 8.000 cây/ha.
* Kỹ thuật trồng
- Trồng dưới tán cây (trồng xen)
+ Xử lý thực bì: Phát dọn theo rạch hoặc quanh hố với đường kính 1m, chú ý chừa cây để làm giá đỡ cho cây leo.
+ Làm đất: Hố đào kích cỡ 60 x 60 x 60 cm, bón lót 8-10 kg phân chuồng hoai + 0,3 kg supe lân cho mỗi hố.
+ Cách trồng: Dùng dao sắc rạch bỏ túi bầu (tránh để vỡ bầu), đặt cây giống vào giữa hố, lấp đất đến qua cổ rễ và nén chặt (mỗi hố 1 cây). Trồng xong tưới nước đẫm để tránh mất nước và rễ tiếp xúc với đất được tốt. Dùng các vật liệu như rơm, rạ, che phủ cho cây, tưới nước hàng ngày trong15 ngày sau đó giảm dần. Cắm cọc tre hoặc gỗ dài 1,0-1,5m làm giá đỡ cho cây leo trước khi cây có thể bám vào các cây thân gỗ tầng cao. Sau khi cây bén rễ, cần định kỳ tưới thúc bằng nước phân chuồng hoặc phân đạm.
- Trồng thuần Ba kích (trồng thâm canh):
- Làm đất: Cày xới đất toàn diện để đảm bảo tơi xốp đất và diệt cỏ dại. Có thể đào rạch hoặc hố:
+ Trong điều kiện đất xấu và giữ ẩm kém nên đào rạch theo đường đồng mức với độ rộng 50 cm, sâu 50 cm. Khoảng cách giữa các rạch 1,6 – 1,8 m, khoảng cách giữa các cây 1,2 m
+ Trồng theo hố: Chia theo hàng với khoảng cách 1,5 – 2 m. Hố đào kích cỡ 60x60x60 cm, bón lót 8-10kg phân chuồng hoai + 0,3kg supe lân cho mỗi hố.
+ Trong điều kiện đất bằng, cần lên luống cao 20 – 30cm, rộng1,2 -1,5 m (trồng hàng đôi), có rãnh 50-60 cm để thoát nước, cây cách cây 0,8 – 1,2 m.
- Cách trồng (như đối với trồng xen) Có thể trồng xen với cây nông nghiệp và dược liệu ngắn ngày như lạc, đậu đỗ, Kim tiền thảo, địa liền,… trong năm đầu để hạn chế cỏ dại và che phủ đất giữ ẩm và hạn chế xói mòn rửa trôi đất. Trong điều kiện có thể, làm giàn leo bằng trụ cột bê tông và thép 6ly (bố trí giữa 2 hàng cây, khoảng cách giữa các trụ khoảng 10m).
5. Chăm sóc
* Chăm sóc sau trồng: Trong 2 năm đầu, cần làm cỏ xới đất quanh khóm cây, nhặt cỏ dại và diệt bỏ những cây chèn ép 3 - 4 lần/năm sau đó mỗi năm 2 – 3 lần. Năm thứ 2 trở đi bón bổ sung 3kg phân chuồng hoai + 0,3kg NPK che tủ gốc cẩn thận. Chú ý điều chỉnh độ che tán 30-50% tuỳ theo giai đoạn.
* Phòng trừ sâu bệnh: Ba kích ít khi bị bệnh. Nhưng có thể bị vàng lá khi thâm canh cao. Cần sử dụng Boocđô nồng độ 0,5% hoặc kết hợp với Benlat 0,1% để phun vào gốc và lá để phòng và trị. Ba kích thường bị Dế mèn và Chuột phá hại cần rắc vôi và có những biện pháp thích hợp để phòng chống hai đối tượng này.
III.Kỹ thuật sơ chế,bảo quản cây ba kích
1. Thu hoạch
Cây trồng sau 3-5 năm có thể thu hoạch được. Thời vụ thu hoạch vào giai đoạn sau khi quả chín (tháng 10- 11). Đào rộng cần tránh làm sây sát, đứt đoạn rễ ở nhiều chỗ. Khi thu hoạch cần kết hợp lấy dây thân làm hom giống. Dùng cuốc lấp kín đất vào gốc cây vừa khai thác để mọc thành bụi mới.
Củ thu hoạch về được phân làm 3 loại:
+ Loại A: đường kính củ từ 1,2 cm trở lên;
+ Loại B: đường kính củ từ 0,8 - 1,1 cm trở lên;
+ Loại C: đường kính củ nhỏ hơn 0,8 cm.
2. Chế biến
Củ đào về rửa sạch, loại bỏ rễ con, ủ 18- 24 giờ, phơi nắng nhẹ đến khi phần thịt rễ dẻo lại (2 ngày nắng nhẹ) độ ẩm còn khoảng 50 %, đập nhẹ hoặc nén nhẹ cho dẹp phần thịt rễ. Không làm nát hoặc bong phần thịt rễ ra khỏi lõi gỗ, sau đó tiếp tục phơi cho khô hẳn (độ ẩm không quá 13 %) cắt thành đoạn 10-13 cm. Củ hình cong queo, có dạng chuỗi hạt, vỏ có màu nâu nhạt, xù xì, có vân cứng. Mặt cắt rễ có màu tím xám hoặc nâu hồng. Ba kích khô có vị hơi ngọt. Dược liệu đựng trong bao 2 lớp: trong bao nilôn g buộc kín ngoài bao gai có ghi nhẫn đầy đủ: mã lô sản xuất, nơi và ngày đóng gói.
* Củ Ba kích
Bảo quản: Tránh mốc, mọt bằng cách xông hơi lưu huỳnh cả dược liệu và bao đựng. Kiểm tra thường xuyên diệt mọt bằng hơi lưu huỳnh.
3. Phương pháp bào chế
- Chế thường: Rửa sạch Ba kích sau khi thu hoạch, bỏ lõi. Có thể đồ cho mềm để bỏ lõi (khi còn nóng). Thái đoạn dài 3- 4 cm. Phơi khô độ ẩm không quá 13%.
- Ba kích tẩm rượu: Ba kích đã chuẩn bị ở trên, tẩm rượu, ủ 30 phút cho ngấm đều. Sao nhỏ lửa tới khô.
- Ba kích tẩm muối: Ba kích sau khi bỏ lõi, thái lát. Tẩm với nước muối 5% (đủ ẩm và đều), ủ 30 phút đến 1 giờ. Sao nhỏ lửa đến khi dược liệu có màu vàng. Cũng có khi người ta đun trực tiếp Ba kích với nước muối (tỷ lệ: 1kg muối cho 10 kg Ba kích), đun trong 2 giờ. Ba kích chuyển màu đen là được, phơi khô.
Vận chuyển bằng xe chuyên dụng.
Ba kích được đóng gói trong loại bao bì tốt, hai lớp. Dược liệu được để trong kho đạt tiêu chuẩn, trên kệ kê cao khỏi mặt sàn, nơi khô ráo, thoáng mát, luôn được kiểm tra tránh mốc mọt. Nếu phát hiện chớm bị mốc cần phơi khô lại ngay, lấy bàn chải chải cho sạch, không được rửa bằng nước.
4. Bảo quản, vận chuyển
IV.Quy trình nhân giống Ba kích tím
1. Vườn ươm
- Chế độ ánh sáng: Cây Ba kích tím là cây ưa ẩm và chịu bóng, thích hợp với độ che tán từ 30 - 60%. Vì vậy, vườn ươm giống cây Ba kích tím phải thiết kế hệ thống lưới cắt nắng. Trên thị trường có nhiều loại có khả năng cắt nắng 10%, 30%, 50% và 70%. Tốt nhất ta nên dùng loại 30-50%.
- Chế độ nước và ẩm độ: Cây Ba kích tím thích hợp với ẩm độ từ 82 - 89%. Vì vậy, đất trong vườn ươm phải có độ tơi xốp và thoát nước để chủ động tưới tiêu.
- Nhiệt độ và độ thông thoáng: cây Ba kích tím thích hợp nhất với nhiệt độ từ 22,5 – 23,10C (nhiệt độ tuyệt đối có thể từ 2,8 - 41,4o ). Vì vây, vườn ươm cây Ba kích tím nên để thoáng và chỉ che chắn động vật phá hoại.
2. Nhân giống Ba kích tím bằng hạt
a. Nguồn giống
Hạt giống phải được thu hoạch từ vườn giống cây mẹ khỏe mạnh đạt 3 năm tuổi trở lên, đã qua tuyển chọn nhằm đảm bảo kế thừa các yếu tố di truyền.
b. Xử lý hạt giống
Ba kích ra hoa vào cuối tháng 5 đầu tháng 6 và quả chín rộ vào tháng 12. Chọn từng quả chắc mẩy chín đỏ, quả không dập thối. Sau khi thu hái về, cho quả vào bao tải ủ vài ba ngày để vỏ quả chín nhũn ra sau đó đem chà xát lớp vỏ quả, rửa sạch lớp vỏ quả, Trước khi xử lý hạt, thả hạt vào nước (có thể pha thêm muối) để loại bỏ những hạt nổi.
- Xử lý hạt: ngâm hạt trong nước 2 ngày sau đó vớt ra, rửa sạch và ngày thứ 3 ngâm với nước có pha Basudin 0,5% + Benlate C 0,5% để hạn chế nấm bệnh và kiến, Sau đó vớt ra đem gieo:
- Gieo vào thùng cát: cát được làm sạch, rang hoặc sấy nóng khử trùng để nguội, rải 1 lớp cát dưới đáy, tưới nước đủ ẩm. Hạt được trộn đều với cát theo tỷ lệ 1/5, vẩy nước cho đủ ẩm rồi rải đều trên mặt cát sau đó rải một lớp cát mỏng lên trên, phun nhẹ nước cho đủ ẩm, đậy kín, để ở điều kiện có mái che. thường xuyên theo dõi và phun nước tạo độ ẩm.
- Gieo thẳng vào bầu: Trước khi tra hạt vào bầu phải tưới phun sương trên mặt luống bầu để tạo độ ẩm cho đất bầu, dùng que tạo lỗ chính giữa bầu rồi thả 3 – 4 hạt vào mỗi bầu, lấp kín đất. Cắm rào che mặt bầu và tưới nước đủ ẩm
* Tạo bầu và cấy cây
- Tạo bầu: Sử dụng bầu PE kích thước 8 x 15 cm. ruột bầu được đóng bằng 90% đất thịt vườn ươm (tốt nhất là đất đồi feralis vàng đỏ) làm nhỏ, loại bỏ rễ cỏ và tạp chất + 9% phân chuồng hoai + 1% supe lân tính theo trọng lượng bầu. Bầu đóng đầy, chặt, xếp thành luống rộng 0,8 – 1m, dài 5m, rãnh rộng 50 – 60cm. mặt bầu bằng phẳng, lấp đất quanh luống cao 2/3 bầu, cho đất bột vào các khe hở giữa các bầu.
- Cấy cây: Khi hạt ủ trong thùng cát bắt đầu mọc mầm, đổ cát và hạt ra, chọn hạt đã mọc mầm cho vào bầu. hạt chưa mọc mầm cho vào thùng ủ tiếp. Đối với hạt đã được gieo thẳng vào bầu thì tiến hành nhổ tỉa, chỉ để 1 cây/bầu. sau khi cấy và tỉa cần cắm ràng hoặc che mặt luống và tưới nước đủ ẩm.
* Chăm sóc cây con
- Che bóng cho cây: Trong 20 ngày đầu cây phải được che bóng 100%, sau đó giảm xuống 50%. Khi cây ra 1 – 2 lá thật (khoảng 40 ngày) giảm che bóng xuống 25% và bỏ hoàn toàn từ trước khi trồng 1 – 2 tháng vào ngày râm mát để tránh cây con bị nắng đột ngột.
- Tưới nước: Trong 15 ngày đầu cần tưới nước 1lần/ngày sau đó giảm xuống 2 ngày/lần cho đến trước khi xuất vườn một tháng, lượng nước tưới phụ thuộc vào thời tiết, nhưng phải đảm bảo cho cây đủ ẩm.
- Làm cỏ: Định kì 20 ngày nhổ cỏ phá váng kết hợp với điều chỉnh cho cây con đứng thẳng 1 lần. Vào mùa Đông cần đề phòng sương muối bằng cách che cho cây và tưới rửa vào sáng sớm. Chống úng sau cơn mưa và phòng trừ sâu bệnh, chuột cắn cây con.
- Bón phân: Sau khi cây con đã ra lá kép, chiều cao đạt 10cm thì tiến hành bón thúc phân NPK (tỉ lệ 2:3:1) với liều lượng 0,2kg hoà tan vào 10 lít nước, tưới 3lít/m2 phải tưới trước khi cây xuất vườn từ 1,5 – 2 tháng.
- Phòng trừ sâu bệnh: Phải thường xuyên kiểm tra để phát hiện kịp thời và phòng trừ các loại bệnh cho cây con, cây Ba kích con thường dễ bị mắc các loại bệnh sau:
+ Kiến cắn cây con: Khi phát hiện kiến cắn cây con phải tưới dầu hoả xung quanh luống.
+ Bệnh thối cổ rễ: Thường gặp vào mùa mưa khi cây trong bầu không thoát nước kịp. Có thể sử dụng Bordeaux 1:4:15 (1 CuSO4: 4 CaO: 15 H2O) và các loại thuốc có gốc Cu phun vào gốc.
+ Bệnh nấm rỉ sắt: Bệnh thường gặp khi cây bị suy yếu do thiếu phân. cây có hiện tượng lá màu vàng có nhiều đốm đen như sắt bị rỉ. Dùng Sameton 25wp Pha 6-8g/8l nước phun đẫm lên lá, ngoài ra có thể dùng Bumper 25EC, Benzen 70WP.
- Đảo bầu: Sau khi gieo hạt vào bầu được 2 tháng thì tiến hành đảo bầu lần đầu và tiến hành đảo lần thứ 2 trước khi xuất vườn 1-1,5 tháng, đảo bầu vào ngày râm mát, che nắng và tưới nước sau khi đảo bầu cho đến lúc cây ổn định.
* Tiêu chuẩn cây con: Cây sau 3-4 tháng, cao 20 - 30 cm bắt đầu vươn ngọn leo, thân mập khoẻ, lá đều, không dấu hiệu sâu bệnh, là đạt tiêu xuất vườn.
Nguồn tin: norfor.ac.vn/
Viết bình luận