Trải qua hơn 20 năm vất vả ngược xuôi làm ăn ở phương xa, bà Trần Thị Cảnh ở thôn Thanh Hòa, xã Kỳ Thư, huyện Kỳ Anh, Hà Tĩnh đã quyết định về làm giàu trên mảnh đất quê hương.
Sau khi tìm hiểu, bà nhận thấy ổi Đài Loan là loại cây trồng không kén đất, quả ổi giòn ngon, thơm ngọt, dễ ăn nhưng giá cả bình dân, không quá đắt nên thị trường tiêu thụ rất rộng. Vì vậy bà Cảnh đã quyết định đầu tư 1,5ha diện tích đất trang trại của mình để trồng cây ổi Đài Loan. Định hướng của bà ngay từ khi "khởi nghiệp" là sản xuất sạch.
Vườn ổi của bà Cảnh |
Khâu quy hoạch diện tích trồng ổi được bà thực hiện ở khu vực riêng, cách xa các vùng gây ô nhiễm. Để trồng được đúng ổi sạch, bà phải chấp nhận chi phí sản xuất cao hơn, quy trình chăm sóc luôn được tiến hành một cách chặt chẽ, tỉ mỉ theo sự phát triển của cây từ khi ra hoa cho đến khi quả chín.
Có được vườn ổi nhìn bắt mắt như hiện nay, bà Cảnh phải thuê người đào đất đắp cao tạo thành các luống có rãnh chạy giữa luống để vào mùa nắng nóng, hạn hán có thể cho nước vào rãnh tưới cây được thuận lợi và thoát nước nhanh vào mùa mưa giúp cho vườn không bị ngập nước.
Để tạo được nguồn phân hữu cơ cung cấp cho vườn, vào mùa thu hoạch lúa bà tìm mua rơm rạ và vớt cây lục bình ủ thành phân hữu cơ. Không chỉ vậy, bà còn liên hệ với những trại nuôi gà, vịt để tìm nguồn phân hữu cơ đem về ủ hoai rồi bón vào gốc. Cỏ trong vườn rất nhiều, bà thuê người cuốc cỏ để vừa làm đất tơi xốp, giữ được lớp đất mặt phù sa, vừa có cỏ ủ làm phân chứ không dùng thuốc trừ cỏ như nhiều người khác, mặc dù thuê nhân công chi phí cao hơn phun thuốc trừ cỏ rất nhiều. Theo bà Cảnh, việc sử dụng phân hữu cơ không chỉ tốt cho đất, chất lượng cây trồng, mà còn hạn chế sâu bệnh, ít tốn nước tưới, phù hợp với điều kiện biến đổi khí hậu.
Ổi là loại cây dù ít sâu nhưng không phải là không có. Vườn ổi của gia đình được bà chăm sóc, phòng bệnh rất đặc biệt, tuyệt đối không dùng thuốc bảo vệ thực vật. Ngay khi cây bắt đầu nở hoa, bà đã mua các nguyên liệu thảo dược để làm thuốc trừ sâu theo cách riêng của mình. Với số lượng 350 gốc cây ổi, bà đã chế biến 5kg tỏi, 2kg ớt, 4kg riềng, sả 5kg. Tất cả xay nhỏ, trộn đều ngâm trong 20 lít rượu trắng, ủ trong vòng 10 ngày sẽ cho thành phẩm thuốc trừ sâu thảo dược.
Sau khi ngâm ủ được 10 ngày, bà pha thêm nước rồi phun cho cây ổi đang thời kỳ ra hoa để diệt sâu xanh, xua đuổi côn trùng không tới gần. Bắt đầu từ năm 2016, bà đã sử dụng thuốc trừ sâu bằng thảo dược trên vườn ổi nhà mình. Kết quả cây phát triển rất tốt, lá xanh và kháng được một số loại sâu bệnh.
Vào mùa thu hái, mỗi ngày vườn ổi của gia đình bà cắt bán hơn 50kg, với giá 20.000/kg hiện nay, thu được trên 1 triệu đồng/ngày. Đây là nguồn thu ổn định và không hề nhỏ đối với vùng quê nghèo Kỳ Thư. |
Để cây có đủ chất dinh dưỡng nuôi quả và quả đạt chất lượng thương phẩm, bà đã tiến hành tỉa bớt hoa, quả, chỉ giữ lại những quả đẹp nhất của mỗi chùm. Sau đó bao nilon giúp hạn chế sâu bệnh, ngăn chặn các loại côn trùng, sâu bọ tự nhiên tới đẻ trứng, tấn công quả trong suốt quá trình phát triển. Quả thu hoạch có kích cỡ phù hợp, hình dáng đều và màu sắc sáng đẹp, hấp dẫn.
Bà Cảnh tâm sự: “Vì không sử dụng thuốc kích thích ra hoa, chống rụng trái, thuốc kích thích tăng trưởng… nên năng suất vườn ổi nhà tôi không cao, hiệu quả kinh tế thấp hơn những hộ làm vườn khác. Nhưng tôi vẫn chọn phương pháp canh tác truyền thống, sử dụng thuốc trừ sâu bằng thảo dược, không dùng thuốc kích thích nhằm tạo ra sản phẩm sạch cho người dùng. Tuy lợi nhuận không cao nhưng tôi tự tin khẳng định ổi trong vườn của tôi rất an toàn”.
Đó cũng chính là lý do vườn ổi nhà bà vào vụ thu hoạch năm 2016 luôn tấp nập khách hàng tới tận vườn mua. Chị Nguyễn Thị Hoa, giáo viên Trường Tiểu học Kỳ Thư cho biết: “Ổi vườn nhà bà Cảnh ăn rất ngon, ăn một lần là muốn ăn thêm lần nữa. Trái chín da trắng đều, ruột mềm, thơm chứ không cứng hay có vị chua hoặc chát như các loại ổi khác. Các đồng nghiệp của tôi cũng là khách hàng thường xuyên ở đây, đặt mua rất nhiều về sử dụng trong nhà”.
Viết bình luận