KINH NGHIỆM SỬ DỤNG TÚI BAO TRÁI PHÒNG SÂU ĐỤC TRÁI CÂY CÓ MÚI

Hiện nay, bên cạnh các biện pháp hóa học, sinh học, biện pháp canh tác; các chuyên gia về bảo vệ thực vật khuyến khích nhà vườn áp dụng biện pháp bao trái để giảm thiểu thiệt hại do sâu đục trái hại cây có múi gây ra.

Biện pháp bao trái vừa bảo vệ trái hiệu quả, vừa bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm mang lại an toàn cho con người và môi trường. Tuy nhiên, thời điểm nào bao trái và loại túi bao nào thích hợp cho từng mùa là những câu hỏi của nhiều nhà vườn.

Hiện nay, nhà vườn sử dụng phổ biến 3 loại túi để bao trái gồm: túi bao chuyên dùng được sản xuất trong nước, túi bao chuyên dùng của Đài Loan và túi nylon 2 quai.

Các thực nghiệm cho thấy, túi bao chuyên dùng sản xuất trong nước được may từ chất liệu mỏng, thông thoáng, giúp trái bưởi có thể quang hợp trao đổi với môi trường bên ngoài dễ dàng; giúp màu sắc trái đẹp tự nhiên và có thể quan sát được trái cây từ bên ngoài bao. Loại túi bao này mềm, có dây rút để cột miệng bao nên thao tác bao trái dễ dàng và tiết kiệm thời gian; có thể kết hợp với các loại cần bao trái nên có thể bao được trái ở trên cao. Tuy nhiên, loại túi này mau mục, rách khi bị ướt nên chỉ thích hợp bao trái trong mùa nắng; không nên tưới phun lên cây làm ướt túi. Cũng cần lưu ý, tránh để túi bao bị cọ xát vào các bộ phận của cây vì túi dễ bị sờn rách khiến côn trùng có thể châm chích hoặc đẻ trứng vào trái. Ông Huỳnh Phước Thạnh (thị trấn Kế Sách, huyện Kế Sách, tỉnh Sóc Trăng) cho biết bao bằng loại túi này, tỷ lệ bưởi bị sâu đục trái gây hại chiếm khoảng 5-10% tổng số trái được bao.

Loại túi bao trái của Đài Loan làm từ chất liệu có khả năng chống thấm nước, độ bền của túi có thể sử dụng được 2 lứa trái; chống sâu, côn trùng chích hoặc đẻ trứng. Túi có chức năng phản quang, giúp bảo vệ da trái không bị rám nắng do ánh nắng mặt trời. Tuy nhiên, loại túi này chỉ thích hợp bao cho các trái ở dưới thấp vì phải cột miệng bao bằng tay; màu sắc trái bị nhạt màu. Bao bằng loại túi này trái được bảo vệ gần như hoàn toàn. Sử dụng loại túi có chức năng phản quang này, nhà vườn Lưu Văn Nhu ở xã Ba Trinh, huyện  Kế Sách, chia sẻ kinh nghiệm: trước khi thu hoạch khoảng 10 ngày nên tháo túi bao ra để trái có màu sắc đẹp tự nhiên.

Túi nylon 2 quai, một loại túi thông dụng có thể mua ở bất cứ tiệm tạp hóa nào, được nhiều nhà vườn sử dụng để bao trái bưởi. Ưu điểm của loại túi này là rẻ tiền, dễ mua; hiệu quả bảo vệ trái rất cao. Tuy nhiên, loại túi này chỉ thích hợp bao trái trong mùa mưa (trời nắng ít, cường độ ánh sáng không cao); sử dụng loại túi này để bao trái trong mùa nắng trái sẽ bị nám. Lưu ý, cần xoi một số lỗ nhỏ trên bao để trái được thông thoáng.

Kinh nghiệm từ các nhà vườn ở Sóc Trăng, Hậu Giang và các thực nghiệm của ngành nông nghiệp đã xác định thời điểm bao trái thích hợp nhất là 30-45 ngày sau khi đậu trái; thời gian này đã kết thúc hiện tượng rụng tự nhiên của trái và việc tuyển, tỉa trái đã xong. Trước khi bao trái, nên phun thuốc sâu khoảng 1-2 lần để diệt sâu đục vỏ trái lẫn sâu đục trái.

Về chi phí bao trái (bao gồm cả tiền mua túi, công bao trái và thời gian sử dụng của túi) dao động từ 1.000 đến 1.500 đồng/trái. Với giá bưởi Năm Roi trên 20.000 đồng/kg và bưởi Da Xanh là trên 40.000 đồng/kg, thì việc bao trái đem lại hiệu quả kinh tế rõ ràng. Ngoài ra, các lợi ích khác đem lại từ việc bao trái như bảo vệ sức khỏe con người, môi trường thì vô giá.

Như vậy, tùy điều kiện cụ thể của từng vườn, từng mùa vụ, nhà vườn có thể lựa chọn loại túi bao trái phù hợp và hiệu quả nhất.

Các nhà vườn đang áp dụng biện pháp bao trái đều có chung mong muốn các nhà sản xuất tiếp tục cải tiến chất lượng túi bao trái sao cho tiện dụng, hiệu quả bảo vệ cao và giá cả hợp lý hơn.

Viết bình luận