Trên 1.000 m2 nương cằn cỗi, bạc màu vì trồng ngô nhiều năm liền, ông Hoàng Văn No, bản Quỳnh Thuận, xã Chiềng Pha (huyện Thuận Châu, tỉnh Sơn La) mua 500 cây sa nhân giống về làm theo cách lạ mà hay là gieo trồng như dặm cỏ. Năm đầu vất vả chăm sóc loại cây dược liệu này, bước sang năm thứ 2, ông No đã thu về 40 triệu đồng
Dẫn chúng tôi ra thăm nương, cách nhà ở chừng 300 m, chỉ vào mảnh nương phủ kín hàng nghìn cây sa nhân tím xanh tốt, mọc san sát nhau từ dưới chân lên đến lưng chừng núi, ông No vui vẻ cho biết: Gần 10 năm trước, gia đình tôi chuyển từ huyện Quỳnh Nhai về đây tái định cư theo chương trình di dân dành đất cho lòng hồ thủy điện Sơn La. Được Nhà nước hướng dẫn chuyển đổi cây trồng, sẵn mảnh nương được cấp này rộng khoảng 1.000 m2, do trồng ngô nhiều năm liền nên đất bị bạc màu; vì thế tôi quyết định chuyển sang trồng cây sa nhân.
Sa nhân thuộc loại cây thân thảo, nhìn gần giống như cây riềng
Năm 2016, nhận thấy không thể tiếp tục trồng ngô được nữa vì năng suất thấp, hiệu quả kinh tế không cao nên ông No tìm cây trồng khác thay thế. Nghe nhiều người nói, cây sa nhân dễ trồng, dễ chăm sóc mà hiệu quả kinh tế khá cao nên ông No mua giống về trồng trên mảnh đất cằn cỗi.
Theo ông No, cây sa nhân ra hoa, đậu quả ở gốc. Quả sa nhân có thể sử dụng làm thuốc chữa bệnh.
“Vì ít vốn nên tôi chỉ mua 500 cây giống ở xã Phổng Lái, huyện Thuận Châu về trồng. Năm đầu tiên, ngày nào cũng như ngày nào, vợ chồng tôi lọ mọ cả ngày trên nương sa nhân, hết nhổ cỏ lại quay sang chăm sóc…. Tuy vất vả nhưng vợ chồng tôi, ai cũng vui mừng, phấn khởi khi nương sa nhân mỗi ngày một xanh tốt, dày hơn…” – ông No cho hay.
Được trồng và chăm sóc cẩn thận, nương sa nhân của ông No phát triển tốt, đẻ nhánh như “nấm mọc sau mưa”, chẳng khác gì cỏ dại. Những nhánh sa nhân bò ngang, dọc trên mặt đất, rồi cắm rễ vào đất, phát triển thành cây…
“Trước đây vì số lượng cây giống ít nên tôi trồng thưa, khoảng cách giữa cây nọ với cây kia rộng. Khi sa nhân phát triển, tôi cắt những cây non làm giống nhân rộng ra 1.000 m2 nương. Cây sa nhân này “đẻ” rất khỏe, cứ cắt lại mọc, cắt lại mọc…” – ông No bảo thế.
Theo ông No, trồng sa nhân chỉ vất vả năm đầu tiên, bước sang năm thứ 2, sa nhân mọc nhiều nên việc chăm sóc, bón phân cũng giảm đi rất nhiều. Thời điểm trồng sa nhân tốt nhất là vào mùa mưa…
Vì có giá trị kinh tế cao nên cây sa nhân được nhiều người dân ở bản Quỳnh Thuận trồng, bán giống, quả tươi ra thị trường, trong đó gia đình ông No là điển hình.
Chia sẻ với Dân việt, ông No cho hay: Trồng sa nhân hiệu quả kinh tế cao gấp nhiều lần so với trồng ngô, sắn. Nếu như trồng ngô thì năm nào cũng phải làm đất để trồng, còn sa nhân thì chỉ trồng một lần mà thu hoạch trong nhiều năm liền. “Trồng sa nhân mà chăm sóc tốt thì sang năm thứ 2 đã được thu hoạch. Năm 2017, từ 1.000 m2 trồng sa nhân gia đình tôi đã thu về khoảng 40 triệu đồng nhờ bán giống và bán quả tươi ra thị trường…” – ông No thông tin.
Theo ông No, trồng sa nhân hiệu quả kinh tế gấp nhiều lần trồng ngô, sắn
Cũng theo ông No, ở bản Quỳnh Thuận có nhiều người trồng sa nhân và cũng có thu nhập “ấm” như ông. Vào mùa mưa, thương lái từ nhiều nơi trong và ngoài tỉnh như: Lai Châu, Điện Biên, Mai Sơn, Sông Mã… đổ về bản Quỳnh Thuận mua sa nhân giống. Riêng bán sa nhân giống, năm 2017 gia đình ông No có thu khoảng 20 triệu đồng. Năm ngoái, do trồng thưa nên ông thu được khoảng 2 tạ quả, bán ra thị trường với giá 100.000 đ/kg cũng thu khoảng 20 triệu đồng.
Theo y học cổ truyền, hạt sa nhân có vị cay, mùi thơm, tính ấm…thường dùng chữa ăn không tiêu, đau bụng, tiêu chảy, nôn mửa… vì thế hạt sa nhân được nhiều tổ chức, cá nhân thu mua. Cây sa nhân đang trở thành một nguồn thu lớn của bà con tái định cư thủy điện Sơn La ở huyện Thuận Châu.
Viết bình luận