Đọt rau móp non có thể ăn sống, làm gỏi, luộc, xào, nấu canh, nhất là muối chua... được nhiều người ưa thích. Củ rau móp dùng làm thuốc nam. Trước kia, cây rau móp mọc khá nhiều trên các bờ sông, rạch thuộc hệ thống sông Vàm Cỏ Đông. Gần đây loại cây này đã trở nên khan hiếm, vì nhiều người đi tìm và khai thác theo kiểu hủy diệt, bằng cách đào gốc lấy củ.
Anh Hoàng (phải) trao đổi về cách trồng rau móp với Chủ tịch Hội Nông dân xã An Hòa.
Cái gì hiếm sẽ trở thành quý và bán được giá. Đoán biết trước như vậy, nên ở Vàm Trảng có người đã đem cây rau sông mọc hoang dã này về trồng tại nhà. Đó là anh Lê Văn Hoàng (sinh năm 1965), nhà kế bên rạch Vàm Trảng (còn gọi là rạch Trảng Bàng).
Ở vùng nông thôn, sông nước, nhưng gia đình anh Hoàng không có ruộng làm lúa, mà chỉ có khoảng 20 cao (2.000 m2) đất gò. Ngoài phần đất cất nhà và làm sân ra, gia đình anh Hoàng còn được miếng đất trống rộng chừng 400 m2, nằm cặp bên hông nhà và tiếp giáp với bờ rạch. Trước đây, vào mùa nắng, anh trồng đồ hàng bông (hoa màu). Đất ít, mà trồng đồ hàng bông thất bát, giá cả lại bấp bênh nên thu nhập chẳng được bao nhiêu. Còn vào mùa nước lụt thì đất bỏ không vì ngập nước.
Anh Hoàng thu hoạch rau móp để giao cho khách.
Năm 2016, có lần xem ti vi, anh Hoàng thấy ở Củ Chi (thành phố Hồ Chí Minh) có người trồng rau dấp cá xen cây rau móp có hiệu quả cao. Từ đó anh Hoàng cải tạo miếng đất gò, quyết định trồng rau móp thay hoa màu. Nhưng lúc ấy, tìm được cây giống để trồng quả là không dễ, phải đi tìm cây giống khắp các sông rạch, mỗi ngày tìm một ít cây giống và gom lại. Vì vậy mà chỉ có chừng ấy đất, anh phải trồng đến 4 đợt mới lấp đầy ruộng.
Cây rau móp trồng chậm phát triển. Sau khi trồng khoảng 20 tháng mới thu hoạch đọt rau non. Cách đây 6 tháng, anh Hoàng bắt đầu thu hoạch rau móp trồng đợt đầu tiên, với phần đất khoảng 100 m2. Từ đó đến nay, cứ 2 ngày anh thu hoạch rau một lần, mỗi lần được 5 ký, giá bán 40.000 đồng/ký. Tính ra chỉ có 100 m2 đất trồng cây rau móp, mỗi ngày gia đình anh Hoàng có thu nhập 100.000 đồng (300 m2 còn lại anh trồng 3 đợt sau, chưa thu hoạch).
Anh Hoàng cho biết thêm, mặt hàng rau móp hiện nay không có đủ để bán. Nhưng muốn phát triển trồng cây rau này cũng gặp không ít khó khăn về khâu tìm cây giống.
Ông Nguyễn Chánh Thành- Chủ tịch Hội Nông dân xã An Hòa cho biết, đưa cây rau móp mọc hoang dã về trồng là mô hình sản xuất mới, bước đầu có hiệu quả ở địa phương. Tuy nhiên, hiện nay trên địa bàn xã còn rất ít người trồng. Ngoài hộ anh Hoàng nêu trên, ở ấp An Thới chỉ có một hộ khác cũng bắt đầu trồng cây rau móp, với diện tích vài trăm mét vuông. Hội Nông dân luôn quan tâm, khuyến khích và tạo điều kiện giúp nông dân tiếp cận vốn, thực hiện các mô hình chuyển đổi cây trồng có hiệu quả cao như cây rau móp. |
Viết bình luận