Từ những bứt phá về cây ăn quả tại Sơn La, GS.TS Đỗ Năng Vịnh, người có nhiều trăn trở về phát triển cây ăn quả của nước ta đã chia sẻ với NNVN về tương lai, triển vọng cho nền nông nghiệp vùng Tây Bắc.
GS Đỗ Năng Vịnh cho rằng, Tây Bắc sẽ có bước đột phá mạnh mẽ nhờ cây ăn quả
GS. Vịnh cho biết, khi đứng trên những quả đồi của Tây Bắc, ông đã ngẫm nông dân đang phải chịu cảnh nghèo hèn trên chính những mảnh đất tơi xốp, màu mỡ “như thịt nạc”.
Bởi so với những vùng trồng cây ăn quả cheo leo, trên nền đất cằn cỗi ở Trung Quốc, Tây Bắc đang lãng phí nguồn tài nguyên tự nhiên trời phú.
Phải thoát khỏi vòng luẩn quẩn cây lương thực
Tây Bắc có thứ đặc sản là khí hậu và đất đai, từ đó sinh ra những đặc sản về nông nghiệp mà không phải vùng nào cũng có. Chúng ta ăn gạo ngon chỉ có ở Điện Biên, gạo Séng Cù (Yên Bái), ăn nếp ngon ở Mù Cang Chải, uống chè ngon ở Suối Giàng, ăn cam ngon ở Cao Phong (Hòa Bình), Văn Chấn (Yên Bái), uống sữa ngon ở Mộc Châu, các loại rau cao cấp chỉ có thể SX được ở môi trường như vùng Tây Bắc…
Không vùng nào ở nước ta có không khí trong lành, có nguồn nước sạch như vùng núi Tây Bắc. Đặc điểm này là một thế mạnh cho phép Tây Bắc có thể SX ra những nông sản rất gần với một xu thế của SX nông nghiệp hiện đại trên thế giới ngày nay, đó là nông nghiệp hữu cơ. Canh tác hữu cơ trên thị trường quốc tế hiện nay có thể đem lại giá trị kinh tế rất cao, gấp từ 3-5 lần, thậm chí hàng chục lần so với canh tác thông thường.
Hầu hết các huyện nghèo hiện nay đều đang tập trung ở miền núi phía Bắc, trong đó riêng 3 tỉnh Tây Bắc gồm Sơn La, Điện Biên, Lai Châu có tới 14 huyện nghèo, chiếm gần ¼ tổng số huyện nghèo của cả nước. Nhưng chính các huyện nghèo này hiện lại đang có tài nguyên đất đai, tài nguyên khí hậu thời tiết trời phú có thể tạo ra tài nguyên nông nghiệp rất lớn, nhưng đáng tiếc là chúng ta chưa bao giờ chú ý tới những lợi thế này.
Thực tế đã chứng minh, điều kiện đất đai, ánh sáng, tổng lượng nhiệt, lượng mưa, sự chênh lệch bên độ nhiệt độ ngày - đêm của Tây Bắc cho phép SX hết sức đa dạng các loại cây ăn quả á nhiệt đới.
Tại Yên Bái, Lai Châu, Sơn La…, nhiều vườn cam đã được trồng trên đất dốc, cho năng suất quả tới 40-50 tấn, thu nhập hàng tỉ đồng/ha.
Các nghiên cứu cho thấy từ khu vực cửa ngõ Tây Bắc là vùng cam Cao Phong, dọc lên Sơn La, Điện Biên, vòng sang Lai Châu, Yên Bái… hội đủ điều kiện để trở thành vựa cây ăn quả của miền Bắc. Hầu hết các loại cây ăn quả như cây có múi, xoài, nhãn, bơ, mận, mơ, táo, hồng… đều thích nghi và cho năng suất, chất lượng tuyệt vời khi trồng tại Tây Bắc.
Tây Bắc giáp với Trung Quốc, một thị trường có sức tiêu thụ khổng lồ nên vấn đề đầu ra cho sản phẩm rất thuận lợi. Các loại hoa quả á nhiệt đới ở Tây Bắc có đặc điểm chín sớm hơn vùng ôn đới của Trung Quốc, nhưng lại muộn hơn so với các vùng nhiệt đới tại phía Nam nước ta.
Đặc điểm lệch vụ này cho phép hoa quả Tây Bắc gần như “độc quyền” giữa một thị trường bao la gồm cả Trung Quốc và nội địa nước ta.
Chỉ tính riêng cho nhu cầu nội địa thôi, cũng đã là cơ hội khổng lồ cho hoa quả Tây Bắc, chứ chưa cần nói tới chuyện XK. Tây Bắc chiếm 1/3 diện tích, nhưng dân số chỉ bằng 1/10 cả nước, bình quân đất đầu người gấp 4 lần vùng khác, đây là điều kiện lớn để SX lớn.
Ảnh: Lê Bền
Tây Bắc là vùng mà vấn đề an sinh xã hội có vai trò hết sức quan trọng liên quan tới an ninh quốc phòng của quốc gia, trong đó kinh tế nông nghiệp sẽ phải đóng vai trò chủ đạo, là nội lực để đảm bảo cho an ninh lâu dài của xã hội. Không có nền nông nghiệp bền vững và có hiệu quả thì chúng ta không thể nuôi được dân, không thể giải quyết được vấn đề an sinh xã hội và sẽ đối mặt với các nguy cơ từ bên ngoài.
Vì thế nói tới nông nghiệp Tây Bắc, chúng ta không chỉ nói tới chuyện thu được bao nhiêu tiền, mà còn phải nói tới chúng ta thu được bao nhiêu an sinh xã hội, bao nhiêu lòng dân, bao nhiêu tình cảm yêu nước…
Làm gì để tạo đột phá?
Để có thể tạo đột phá về cây ăn quả cho vùng Tây Bắc, sẽ phải tập trung giải quyết mấy vấn đề sau:
Một là cây ăn quả không phải dễ làm. Đưa cho bà con miền núi một cây ăn quả bảo họ trồng thì chẳng khác gì ném một đứa con từ một gia đình thành phố sung túc về một gia đình nông thôn kém điều kiện.
Vì vậy, trước hết phải có giải pháp về kỹ thuật và khoa học công nghệ, nên tập trung vào một số khu vực có lợi thế nhất để làm vai trò hạt nhân, từ đó sẽ nhân ra diện rộng.
Đồng thời, sẽ phải thành lập các trung tâm nghiên cứu lớn có vai trò cấp vùng (có thể xây dựng tại Sơn La và Phú Thọ) nhằm tập trung cho vấn đề giống, công nghệ canh tác. Hiện nay, đây đang là khâu yếu nhất, đòi hỏi các địa phương và Bộ NN-PTNT phải cùng nhau bắt tay xây dựng cho được.
Ảnh: Lê Bền
Thứ hai, trồng cây ăn quả thì phải đầu tư, đây là khó khăn của hầu hết các địa phương Tây Bắc, nhất là vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Điều này sẽ cần bàn tay của Nhà nước trong việc kêu gọi chính sách đầu tư của các ngân hàng.
Theo đó, trước hết cần lựa chọn các vùng cây ăn quả hạt nhân, người dân có nhu cầu cùng hợp tác đầu tư để cho vay vốn, ưu đãi lãi suất càng tốt. Mỗi hecta cây ăn quả, thường thì suất đầu tư hiện vào khoảng 100 triệu đồng, chỉ sau 4-5 năm sẽ cho thu nhập chắc ăn 400 - 500 triệu đồng/ha. Các ngân hàng hoàn toàn có thể yên tâm rằng đồng vốn của họ không thể chạy được đi đâu.
Ba là giải pháp kỹ thuật tổng thể. Vùng Tây Bắc không nên đặt vấn đề phát triển riêng một loại cây nào, kể cả cây ăn quả, mà cần hài hòa giữa các đối tượng cây trồng khác nhau, và cả ngành chăn nuôi, thủy lợi, trồng rừng... Cây ăn quả đưa lên đất dốc sẽ phải kết hợp với vành đai rừng, các loại cây giữ xói mòn đất, trồng băng đai cỏ.
Trồng cỏ chống xói mòn cũng nên kết hợp với chăn nuôi đại gia súc để quay lại bổ sung nguồn phân bón cho cây ăn quả. Chỉ cần 1 con bò, mỗi năm nông dân sẽ có 1 tấn phân bón. Các hồ chứa nhỏ cũng phải được đầu tư xây dựng nhiều hơn tại các vùng cây ăn quả tập trung để tính tới chuyện thâm canh, trồng chủ động tưới sau này…
"Lâu nay, chúng ta trông vào cây lương thực, nhất là cây ngô quá nhiều. Thế nhưng cây ngô hiện đã hết vai trò trong giai đoạn nền kinh tế nông nghiệp nói chung đang chuyển sang giai đoạn theo giá trị, bởi chúng ta đã không thể nào SX được ngô với giá thành rẻ hơn so với ngô Mỹ hay Argentina…
Cây ngô khiến đồng bào miền núi bị chôn chân vào vấn đề miếng ăn trước mắt, trong khi những loại cây trồng khác có giá trị kinh tế cao thì bà con lại chưa vươn tới được. Nếu không giải phóng được cho nông dân ở miền núi ra khỏi vòng luẩn quẩn của vũng lầy lương thực thì không thể đưa nông dân ở đây vươn lên để khai thác tiềm năng và lợi thế.
Với diện tích ngô lớn nhất nước, hàng năm các vùng dất dốc ở Tây Bắc đang bị bào kiệt. Không chỉ có nguy cơ hoang mạc hóa, xói mòn đất trong tương lai sẽ gây hệ lụy cho các hồ thủy điện hết sức khủng khiếp, có thể buộc phải chi rất nhiều tiền của để nạo vét lòng hồ". - GS.TS Đỗ Năng Vịnh.
Viết bình luận