Ông Phạm Văn Quyết, tiểu khu 34 (xã Tân Lập, huyện Mộc Châu, tỉnh Sơn La) chuyển 3ha đất nương rẫy sang trồng 1.000 gốc hồng giòn xuất xứ từ Nhật Bản, mỗi năm cho thu nhập nửa tỷ đồng. Ở một số xã của huyện Mộc Châu-nơi khí hậu mát mẻ thì trồng hồng giòn là mô hình làm giàu ở nông thôn.
Hồng giòn là loại trái cây được rất nhiều người ưa thích bởi loại trái cây này không kén người ăn, hương vị ngọt thanh dễ chịu. Hồng giòn cũng là loại trái cây được nhiều hộ gia đình đưa vào trồng để tăng thu nhập. Nắm bắt được sở thích của người tiêu dùng và thấy thị trường ưa chuộng loại trái cây này, ông Quyết đã chuyển đổi 3ha nương rẫy chuyển sang trồng hồng giòn cho thu lời hàng trăm triệu đồng/năm.
Từ khi chuyển sang trồng hồng giòn, đời sống kinh tế của gia đình ông Quyết đã có của ăn của để.
Hiện tại vườn ông Quyết có 1.000 gốc hồng giòn.
Chia sẻ với Dân Việt, ông Quyết cho biết: “Thời gian trước tôi trồng ngô nhưng không đem lại nguồn lợi kinh tế cao, một số năm gần đây còn phải bù lỗ tiền phân, tiền giống, tiền thuê nhân công. Tôi thấy trên tivi, người dân ở các tỉnh Bắc Giang, Đà Lạt trồng hjồng giòn cho lợi nhuận kinh tế cao, nên tôi quyết định chuyển sang trồng hồng. Tôi cải tạo lại nương vườn, lắp đặt hệ thống nước tưới; sau đó xuống Viện rau củ quả ở Hà Nội mua con giống về trồng. Khoảng 5 năm sau vườn hồng giòn của gia đình tôi cho quả xum xuê, cây nào cây nấy đều sai trĩu, ít khi bị sâu bệnh lắm”.
Ông Quyết thường xuyên kiểm tra quá trình phát triển của hồng giòn tại vườn.
Về quy trình trồng hồng giòn, ông Quyết cho biết thêm: Hồng giòn ưa sống tại đất tại vùng đồi núi, cao và thoải, vừa có khả năng thấm hút tốt nhưng cũng phải thoát nước tốt. Trước khi đem giống cây hồng giòn trồng thì đất cần được chuẩn bị trước, cày xới tơi xốp, loại bỏ cỏ dại. Sử dụng đất tơi xốp trộn lẫn với phân hữu cơ hoai mục và một lượng phân chuồng, sau đó mới tiến hành gieo trồng.
Hồng giòn là loại cây có tán khá rộng nên người trồng cần đảm bảo khoảng cách giữa các cây trên 7m để tạo sự thông thoáng về mặt ánh sáng. Mỗi cây hồng giòn mới trồng xong nên cắm cọc tre để giữ cây không bị đổ do tác động từ bên ngoài, trồng khoảng 5 năm cây sẽ cho thu hoạch quả.
Nhờ cách chăm sóc tốt, vườn hồng của gia đình ông Quyết cho quả xum xuê. Theo ông Quyết, trồng hồng giòn là mô hình làm giàu ở nông thôn.
“Cách chăm sóc hồng giòn rất đơn giản, ít chi phí, không cầu kỳ như các loại cây ăn quả khác, 1 năm chỉ phải bón phân 2 lần. Khi hồng giòn phát lộc từ tháng 2 – 3 âm lịch, ở thời điểm cây ra hoa, tôi bón phân đạm ở gốc và phun phân bón lá để cung cấp đầy đủ chất dinh dưỡng cho cây nuôi quả; đến đầu tháng 8 dương lịch thì quả bắt đầu chín. Hiện nay, hồng giòn trên thị trường còn ít nên cứ đến vụ thu hoạch các thương lái đều vào tận vườn gia đình tôi thu mua, đầu ra cho sản phẩm luôn ổn định. Trung bình 1kg hồng giòn tôi bán tại vườn với giá 25.000 đồng, sau khi trừ chi phí mỗi năm tôi lãi khoảng 500 triệu đồng” – ông Quyết cho biết.
Hồng giòn được ông Quyết bán tại vườn với giá 25.000 đồng/1kg.
Hiện nay, hồng giòn trên thị trường đang ít hàng, nên cứ đến mùa thu hoạch hồng các thương lái vào tận vườn thu mua.
Không chỉ làm kính tế giỏi, ông Quyết còn tạo công ăn việc làm cho 4 người công nhân ở địa phương, mỗi tháng ông trả tiền lương cho công nhân 4,5 triệu đồng/người. Thời gian tới, ông Quyết dự định sẽ thầu đất của bà con dân tộc Mông,Thái ở các bản lân cận, để mở rộng thêm diện tích trồng hồng. Sau đó tiếp thị sản phẩm hồng giòn xuống các tỉnh, thành phố lớn dưới xuôi, để đa dạng hóa thị trường tiêu thụ, nâng cao thu nhập hơn nữa cho gia đình.
Viết bình luận