Có ý nghĩa tâm linh cao, biểu tượng cho sự may mắn, an lành, phật thủ đang là một loại quả được nhiều người ưa chuộng. Bên cạnh ý nghĩa tinh thần đó, phật thủ còn là cây mang lại giá trị kinh tế cao, là thu nhập chính của người dân xã Đắc Sở (Hoài Đức, Hà Nội)…
Đến xã Đắc Sở những ngày cuối năm, người dân đang tất bật thu hoạch phật thủ để cung cấp cho thị trường ngày Tết. Mấy năm gần đây, giống cây này đã trở thành cây trồng chính của xã. Cũng chính từ giống cây mang đầy ý nghĩa tâm linh này mà đời sống người dân ở đây cũng ngày một khấm khá hơn. Có nhiều gia đình giàu lên nhờ trồng phật thủ.
Đắc Sở vốn là xã nông nghiệp quanh năm sống nhờ bởi những luống rau, luống hoa. Thu nhập hàng năm bấp bênh, phụ thuộc nhiều vào giá cả thị trường và cả về điều kiện thời tiết. Có năm được mùa thì thu nhập được vài chục triệu một vụ, có năm mất mùa thì chỉ được vài triệu. Xã cũng thử trồng thêm cam Canh, bưởi Diễn, nhưng sau quá trình đi buôn bán người dân nhận thấy cây phật thủ được nhiều người ưa chuộng nên đã chuyển đổi cơ cấu cây trồng sang phật thủ. Ban đầu chỉ có vài hộ trồng, thấy hiệu quả tốt nên nhiều người trồng theo. Xã có 900 hộ thì 80% số hộ trồng phật thủ.
Từ khi xã trồng thí điểm thành công cây phật thủ, gia đình anh đã mạnh dạn chuyển hướng trồng trọt. Nguồn vốn ban đầu chủ yếu là vay từ ngân hàng và người nhà, vợ chồng anh Tú đã thuê đất, mua cây giống, phân bón. Sau gần 2 năm, gia đình anh đã thu hồi được vốn và có “của ăn của để”. Trung bình một năm gia đình anh Tú thu về được khoảng 400 triệu từ phật thủ.Anh Nguyễn Tuấn Tú, người có hơn ba mẫu đất với 230 gốc phật thủ chia sẻ: “Ngày trước nhà mình chủ yếu trồng rau, củ đót và trồng thêm ít cam Canh. Nhưng công sức thì mất nhiều, lợi nhuận thu về lại chẳng được mấy. Mình quyết định chuyển sang trồng phật thủ. Đến nay đã được 4 năm và cây phật thủ đã cho thu hoạch tốt”.
Theo kinh nghiệm của anh Tú, càng những quả có nhiều móng, nhiều tầng, trông lạ mắt và có phần “quái quái” lại càng được ưa chuộng. Chị Nguyễn Thị Giang (thôn Đông Hạ, xã Đắc Sở) cho biết: “Nhà mình chỉ chuyên bán buôn. Từ đầu tháng, các lái buôn quen đã đến nhà mình và đặt mua buôn. Tùy theo hình dáng, kích thước mà giá cả khác nhau, giá bán tại vườn dao động từ 50.000 đồng đến 300.000 đồng. Cũng có quả lên đến tiền triệu nhưng cũng không được nhiều, cả vườn chỉ có khoảng vài quả”. Gia đình chị Giang còn chiết ghép rồi bán cả cây giống, mỗi cây 15.000 đồng. Chị Giang cho biết, gia đình cũng đang thử ghép phật thủ với bưởi như một dạng bonsai chơi ngày Tết.
Theo tìm hiểu của PV Báo CAND, vụ Tết năm nay, các hộ gia đình dự kiến thu được trung bình khoảng 300, 400 triệu, có hộ có diện tích trồng nhiều còn có thể thu được 700, 800 triệu đồng.
|
Viết bình luận