Vừa qua, có một số chế phẩm được khuyến cáo có thể tiết giảm đến 50%, thậm chí 80-100% lượng lân mà năng suất lúa vẫn đạt cao ở mức 6T/ha. Sự thực như thế nào? Phóng viên NNVN đã có cuộc trao đổi với Tiến sĩ Nguyễn Đức Thuận, nguyên Phó giám đốc phụ trách khoa học của Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển Nông nghiệp Đồng Tháp Mười (Viện KHKT Nông nghiệp miền Nam), người có hơn 20 năm chuyên nghiên cứu về đất và phân bón khu vực ĐBSCL xung quanh vấn đề này.
Tôi cũng đã trả lời nhiều bà con câu hỏi này. Ý kiến của tôi là – Khuyến cáo đó không có cơ sở. Anh có thể nói chi tiết hơn?
Cây lúa cũng như cây trồng khác cần đến 16 nguyên tố dinh dưỡng, trong đó có 6 nguyên tố đa lượng, 3 nguyên tố trung lượng và 7 nguyên tố vi lượng. Trong 6 nguyên tố đa lượng thì các bon (C), hydro (H) và oxy (O) có nhiều trong khí quyển và trong nước, chỉ cần có ánh sáng là cây mặc sức sử dụng. Đạm (N) cũng có nhiều trong không khí nhưng cây không tự hấp thu được nên phải dùng phân bón bổ sung. Lân (P) và kali (K) thì chỉ có trong đất hoặc được bổ sung cho cây qua con đường phân bón.
Trước đây, cây trồng cũng như cây rừng đều không cần phân bón nhưng do con người muốn tăng năng suất, tăng vụ nên mới phải bón phân. Ví dụ như ĐBSCL trước đây chỉ trồng 1 vụ lúa mùa, năng suất chỉ khoảng 1,5 - 2 T/ha, nghĩa là mỗi năm cây cần từ 7-9 kg P2O5. Trong lúc đó, bình quân mỗi ha mỗi năm nhận 6 T phù sa, trong đó có 7,8 kg P2O5. Bởi vậy không cần phải bón lân nữa. Còn hiện nay chúng ta làm 3 vụ với tổng năng suất khoảng 17 T/ha, có nghĩa là nhu cầu về lân tăng gấp 10 lần – 78 kg P2O5/năm, trong đó có 8 kg đất nhận từ phù sa nên phải bón thêm 70 kg P2O5 nữa (tương đương 440 kg lân supe). Không có con đường nào khác, muốn có năng suất càng cao thì càng phải bón nhiều phân lân.
Vậy lân khó tiêu có chuyển được thành lân dễ tiêu không?
Có chứ. Tùy theo chất đất mà lượng lân có nhiều hay ít, thông thường cứ trong 1kg đất ở ĐBSCL có 0,2 đến 0,8 gam P2O5 (0,02-0,08%), trong đó hàm lượng lân dễ tiêu từ 0,06 – 0,09 gr P2O5. Có nghĩa là cứ mỗi ha, ở tầng canh tác (khoảng 250 T đất) có từ 50 – 200 kg P2O5 tổng số, trong đó chỉ có 15 – 22,5 kg P2O5 dạng dễ tiêu. Giả sử cây hấp thu 100% lân dễ tiêu thì lượng lân dễ tiêu có trong đất cộng với lân từ phù sa thì chỉ đủ cho 1 vụ lúa có năng suất 6 T/ha. Nếu giả sử toàn bộ lân tổng số chuyển hết thành lân dễ tiêu thì cũng chỉ đủ cho 3-5 vụ lúa. Nhưng điều giả sử trên không bao giờ xảy ra vì chúng còn bị keo đất giữ chặt, bị phèn cố định lại. Bởi vậy ruộng càng bị phèn thì càng phải bón nhiều lân. Kinh nghiệm ở ĐTM thấy trên đất phèn cần phải bón 80kg-100 kg P2O5 (tương đương 400 – 500 kg lân) cho mỗi ha, mỗi vụ.
Nhưng thực tế nông dân bảo rằng khi sử dụng một số chế phẩm có vi sinh vật phân giải lân thấy có thể tiết giảm được 50% phân lân, thậm chí 80-100% phân lân?
Theo quan sát của tôi, những ruộng được trình diễn đều là ruộng đất tốt, của nông dân sản xuất giỏi, ruộng sản xuất giống. Những ruộng đấy luôn có hàm lượng lân tồn dư trong đất cao, bởi được chủ nhân liên tục bón lân qua nhiều vụ, nhiều năm. Tuy nhiên nếu sử dụng vi sinh vật phân giải lân mà không bón bổ sung lân thì năng suất giỏi lắm cũng chỉ giữ được 2 vụ.
Có thể dùng lân hữu cơ thay thế cho phân khoáng?
Không có phân lân hữu cơ mà chỉ có phân hữu cơ trộn với lân khoáng. Có thể dùng phân hữu cơ thay thế một chút thôi chứ không được nhiều vì hàm lượng lân trong phân hữu cơ rất thấp, thường chỉ 1-5% (chỉ bằng 1/16 – 1/3 lân), nên muốn thay thế thì cần phải bón rất nhiều, rất nhiều và không thể cõng vác một khối lượng lớn như thế ra đồng được.
Có thể cày vùi rơm rạ để bớt phân?
Tất nhiên. Nếu để lại rơm rạ không đốt thì chúng ta có cơ hội tiết giảm được 10-14 kg P205 mỗi vụ. Tuy nhiên trên thực tế điều đó khó xảy ra vì chúng ta làm đến 3 vụ lúa liên tục, thời gian đất nghỉ quá ngắn, không đủ cho sự phân giải hữu cơ hoàn toàn và nông dân thường áp dụng biện pháp đốt rơm rạ để vệ sinh đồng ruộng.
Ngoài cung cấp dinh dưỡng, lân còn có vai trò gì khác?
Còn nhiều lắm. Ngoài việc cung cấp dinh dưỡng, lân còn có tác dụng hạ phèn, ém phèn, phòng chống ngộ độc phèn, ngộ độc hữu cơ, thúc đẩy quá trình phân hủy xác bã hữu cơ trong đất, và điều cốt lõi khác nữa là làm cho bộ rễ phát triển nhanh, cây khỏe nên cây sử dụng được nhiều phân đạm, phân ka li cũng như các trung vi lượng khác, đảm bảo năng suất cao.
Nên sử dụng phân lân dạng nào?
Trong nhiều năm qua, chúng tôi đã nghiên cứu và làm hàng chục thực nghiệm trên nhiều loại đất khác nhau ở ĐBSCL thấy hiệu quả rất cao của phân lân. Thị trường phía Nam có 3 dạng lân chính, lân trong phân DAP hoặc NPK, lân dưới dạng lân nung chảy và lân Supe. Mỗi loại phân đều có ưu và nhược. Có một quy luật luôn luôn đúng từ trước tới nay, đó là phân nội luôn luôn rẻ hơn phân ngoại và phân đơn luôn luôn rẻ hơn phân phức. Lân trong DAP có hàm lượng rất cao – 46% P2O5, dễ tan, dễ tiêu nhưng nó lại dễ bị rửa trôi và chỉ thích hợp cho việc bón thúc.
Ngoài lân và đạm ra, trong DAP không còn nguyên tố trung vi lượng gì khác. Lân nung chảy (hàm lượng lân 14,5-15% P2O5) thì lại khó tan, chỉ nên sử dụng để bón lót vì bón thúc hiệu quả bị hạn chế. Riêng lân Supe Long Thành, có hàm lượng lân hữu hiệu 16% P2O5, có tính tan trung bình và ngoài lân, còn có các nguyên tố khác rất quan trọng, đặc biệt là 2 nguyên tố trung lượng Ca và Mg rất cần thiết cho cây. Đối với lúa, lân Supe Long Thành có thể sử dụng để bón lót, bón thúc hoặc vừa bón lót, vừa bón thúc đều thích hợp. Các kết quả nghiên cứu cho thấy sử dụng lân Supe Long Thành bón cho lúa cho hiệu quả kinh tế rất cao trên các loại đất ở ĐBSCL.
Bao Nong Nghiep Viet Nam
Viết bình luận