Lão nông đầu tiên có chứng nhận Global GAP

Lão nông Sáu Hớn


Ở tuổi “thất thập”, ông Sáu Hớn (tên thật Võ Văn Hớn, sinh năm 1939) vẫn còn khỏe mạnh và hăng say việc làm vườn. Gặp ông trong dịp lễ trao chứng nhận GLOBALGAP của tổ chức IMO, nhiều người nhận thấy ông linh hoạt và ra dáng của một “chuyên gia nông nghiệp” hơn một nhà nông “chân lấm tay bùn”. 


Sinh và lớn lên trên đất Chợ Lách, Bến Tre, mảnh đất cù lao nổi tiếng với truyền thống nhà vườn: sản xuất cây ăn trái, hoa kiểng…, nhưng vợ chồng ông Sáu không có “đất chọi chim” thành thử ông phải đi làm mướn, bà phải đi cấy thuê mười mấy năm trời. Nhờ đôi tay và sự chí thú với nghề nông, vợ chồng ông đã dành dụm tiền mua được 3 công đất lập nghiệp. Rồi từ 3 công đất với những vụ màu: trồng đậu, trồng kiệu…, ông đã có được “cái ăn” để xoay qua trồng chôm chôm. Mười mấy năm trồng kết hợp mua bán chôm chôm, ông tự hào là đã nuôi được các con thành đạt, ít nhất tốt nghiệp 12, có công ăn việc làm đàng hoàng.


Bây giờ, ông có trên 6 ha chôm chôm được chứng nhận đã xây dựng thành công hệ thống quản lí chất lượng theo tiêu chuẩn quốc tế. Với một nhà nông, không có thành đạt nào lớn hơn! Nhưng để IMO cấp chứng nhận GAP không phải là công việc dễ dàng, một sớm một chiều. Đó là cả quá trình ý thức xây dựng “thương hiệu nhà nông” của ông: từ nhà nông bình thường, ông phấn đấu trở thành nông dân giỏi cấp xã, dần tiến lên cấp huyện, cấp tỉnh, rồi cấp Nhà nước. 


Không chỉ chạy theo danh hiệu, thành tích suông, ông ý thức 
làm giàu bằng việc sản xuất trái cây có chất lượng, giá cao trên thị trường và chỉ bảo, giúp bà con chung quanh làm theo ông. Ông bảo: “Một mình giàu thì có ý nghĩa gì, nhiều người giàu thì mới gọi dân giàu”. Ý thức đó thôi thúc ông phải xây dựng thương hiệu cho nhà vườn quê ông, nhắm đến thị trường xuất khẩu. Chính vì vậy, ông đeo đuổi thực hiện bằng được mọi quy định của IMO để sản phẩm của ông có thể đi Mỹ, đi Tây.



Để đạt được chứng nhận Global Gap, cần một quá trình cả năm, vừa có sự hướng dẫn, tư vấn từ cán bộ khoa học kỹ thuật, vừa là bước thực hành trong canh tác sản xuất. Nào việc đem đất đi xét nghiệm, xét nghiệm nước tưới, xét nghiệm trái cây, rồi việc theo khóa tập huấn, áp dụng nhiều quy định, hướng dẫn, quy trình, cam kết, đánh giá, định giá, biện pháp có thể nói là khá rắc rối với nhà nông, như: quy định vệ sinh tại trang trại chôm chôm; quy định sử dụng thuốc bảo vệ thực vật an toàn và hiệu quả; quy định thời gian tái tiếp cận vào khu vực được phun thuốc bảo vệ thực vật; quy định sử dụng an toàn lao động về cơ khí - điện trong quá trình canh tác nông nghiệp; hướng dẫn các quy định cần tuân thủ của trang trại; hướng dẫn ghi chép hồ sơ, sổ sách trang trại; quy trình trồng và chăm sóc chôm chôm; quy trình thu hồi sản phẩm không đạt chất lượng; kế hoạch chống lờn thuốc bảo vệ thực vật; đánh giá nguy cơ và biện pháp khắc phục nguồn nước tưới, đất trồng chôm chôm; đánh giá nguy cơ vệ sinh, trôi dạt nông dược và biện pháp xử lí; đánh giá nguy cơ và biện pháp phòng tránh với việc sử dụng phân hữu cơ; đánh giá nguy cơ và biện pháp phòng tránh đối với sức khỏe của người lao động; một số biện pháp nhằm cải tạo môi trường, môi sinh và đa dạng hóa sinh vật tại trang trại theo tiêu chuẩn Global Gap; cam kết sử dụng lô gô Global Gap.


Xây dựng mô hình Gap là một quá trình vừa dễ, vừa khó đối với nông dân. Với ông Sáu, vất vả là phải theo các lớp tập huấn khoa học - kỹ thuật rồi về áp dụng; thuận lợi là việc nhà nông đã quen giúp ông tiếp cận vấn đề dễ dàng. Đất vườn ông được chia thành 7 lô, có lô trên mẫu, dưới mẫu. Trước hết, phải nắm vững an toàn, vệ sinh thực phẩm để tự giác chấp hành những quy định trong sản xuất; rồi vấn đề an toàn và hiệu quả của việc sử dụng thuốc, chẳng hạn, không được vào vườn, bán trái trong thời gian quy định xịt thuốc, súc rửa bình xịt không được đổ lại trên đất vườn, phải lập sổ ghi chép kỹ thuật: thăm vườn, bón phân… mua sắm dụng cụ lao động, tủ thuốc y tế cho người lao động; xây dựng nhà kho, nhà vệ sinh, kho phân bón… Sau nhiều lần thanh tra, điều chỉnh, qua nhiều khâu xét duyệt, khắc phục, vườn nhà ông mới được IMO cấp chứng nhận.


Sau lễ cấp chứng nhận, ông lên kế hoạch hướng dẫn bà con theo mô hình GAP và tiến tới thành lập Hợp tác xã để có được một sản lượng lớn trái cây chất lượng mà quan hệ với đối tác bên ngoài. Bàn việc xây dựng mô hình Global Gap, xuất khẩu trái cây làm giàu là chuyện ông không biết mệt mỏi. Hi vọng ông đủ sức khoẻ và nghị lực giúp bà con xã Phú Phụng, quê hương ông, sớm trở thành một xã trù phú, khang trang.


Trong vườn ông và các vườn lân cận, tất cả gốc chôm chôm đều được phủ kín nhựa ni-lon. Đó là quy trình ông gọi “trải vụ mùa nghịch” để có được trái giá cao. Chôm chôm của ông được bán vào những tháng cận Tết, lại có đơn đặt hàng lâu nay từ Trung Quốc, nên giá có thể lên đến 20 ngàn đồng/kg. Trung bình, một ha chôm chôm cho 30 tấn trái hoặc hơn. Như vậy, vùng chôm chôm ở đây, theo ông, có gần 200 ha thì tổng sản lượng đến 6, 7 ngàn tấn. 


Vấn đề hiện nay là phải làm cho khách hàng luôn tín nhiệm sản phẩm và tìm thêm cho được nhiều đối tác xuất khẩu. Trước đây, nhiều bà con thấy lợi trước mắt, bất chấp quy định an toàn vệ sinh thực phẩm, trái còn thuốc vẫn bẻ bán, làm mất uy tín nhà vườn. Theo ông: “Nhà nông mà làm mất chữ “Tín” thì khó lòng lấy lại được và chỉ có làm mình nghèo đi”. Nhiều lần trò chuyện với nhà nông, không thấy ai nhắc đi nhắc lại tầm quan trọng về việc giữ gìn chữ “Tín” như ông. Với thành công trên nhiều phương diện, bây giờ ông nói bà con nghe. Nếu mọi việc “thuận buồm xuôi gió”, trong vài năm tới, hi vọng nhà vườn ở đây khởi sắc!


Bao Nong Nghiep Viet Nam 

Viết bình luận