Dân Việt) Măng tây xanh là một cây trồng mới mang lại hiệu quả kinh tế cao.Vào cuối năm 2016, để hỗ trợ lẫn nhau, chia sẻ kinh nghiệm và phát triển, tiêu thụ măng tây xanh VietGAP, tại Bắc Ninh đã hình thành nên CLB Măng tây xanh. CLB do Trung tâm Dạy nghề và Hỗ trợ nông dân, thuộc Hội Nông dân tỉnh Bắc Ninh thành lập.
Măng tây xanh VietGAP giá cao vẫn đắt hàng
Anh Nguyễn Đức Lập là trong những nông dân đầu tiên mạnh dạn đầu tư trồng măng tây theo quy trình VietGAP ở xã Lạc Vệ, huyện Tiên Du. Hai năm nay, bình quân mỗi năm anh Lập lãi ròng hơn 400 triệu đồng từ 1ha “rau vua” cao cấp này.
Anh Lập thổ lộ: Vài năm trước, măng tây xanh nổi lên như một loại cây giúp làm giàu với giá trị kinh tế cao hơn hẳn so với trồng lúa và các cây rau màu khác. Qua thực tế tham quan mô hình trồng măng tây xanh ở Ninh Thuận, Hà Nội…, thấy nhiều người có thu nhập hàng trăm triệu đồng, nên cuối năm 2014 tôi quyết định đầu tư thuê 1ha đất trồng cây này”.
Trồng măng tây xanh VietGAP, anh Nguyễn Đức Lập thu lãi 400 triệu đồng mỗi năm.
Nhưng chỉ thời gian ngắn sau đó, măng tây xanh được trồng ồ ạt dẫn đến thị trường tiêu thụ bấp bênh. Vì vậy, anh Lập bắt đầu nghĩ đến việc nâng khả năng cạnh tranh cho sản phẩm của mình. Đầu năm 2016, trang trại của anh chuyển hướng trồng măng tây xanh theo quy trình VietGAP.
“Chỉ có bảo đảm chất lượng, làm cho người tiêu dùng tin vào sự an toàn mới khiến họ bỏ tiền ra mua sản phẩm với giá cao hơn. Việc theo đuổi chứng nhận VietGAP không chỉ là tìm tấm giấy thông hành giúp sản phẩm ra thị trường, mà quan trọng hơn là thay đổi quan điểm, lề lối canh tác, cải tạo chất lượng ngay từ khâu sản xuất” – anh Lập chia sẻ.
Anh Lập cho hay, áp dụng quy trình sản xuất VietGAP, sản lượng măng tây xanh của trang trại Đức Lập thấp hơn so với các cơ sở sản xuất thông thường, chỉ đạt 1,3 tấn/tháng (trung bình 10-12 tấn/năm). “Đổi lại, từ khi được chứng nhận VietGAP, các sản phẩm có tem nhãn rõ ràng, giá bán cao hơn sản phẩm thông thường từ 20.000 – 30.000 đồng/kg, đạt 87.000 – 90.000 đồng/kg. Năm 2017, tôi thu nhập từ măng tây xanh được 600 triệu đồng, sau khi trừ chi phí còn lãi 400 triệu đồng” – anh Lập phấn khởi nói.
Liên kết các hộ trồng măng tây xanh VietGAP
Các trang trại đều cho thu hoạch từ 50 – 70 kg/ha/ngày, giá măng tây xanh từ 70.000 – 90.000 đồng/kg. Toàn bộ số măng tây xanh được bao tiêu bởi 2 thành viên CLB là bà Nguyễn Thị Trang (Chủ nhiệm CLB) và ông Nguyễn Đình Thắng” … Ông Lê Đình Hùng |
Không chỉ làm giàu cho riêng mình, anh Lập còn tích cực liên kết, chia sẻ, trao đổi kinh nghiệm trồng măng tây xanh VietGAP với các thành viên khác trong cùng CLB Măng tây xanh Bắc Ninh.
Theo anh Lập, trồng măng tây xanh theo quy trình VietGAP, các hộ trong CLB phải tuân thủ nghiêm ngặt những quy định về nguồn nước, đất trồng và sản phẩm được các cơ quan chuyên môn kiểm tra định kỳ. Về phân bón, anh Lập thường tự ủ phân hữu cơ để bón cho cây. “Đặc biệt, măng tây là giống cây ưa sạch, nếu nguồn nước bị ô nhiễm thì cây sẽ chết. Vì vậy, tôi đã đầu tư lắp hệ thống tưới tiêu tự động. Cần nói thêm, do không sử dụng thuốc trừ cỏ nên trang trại cũng tốn nhiều công làm cỏ hơn so với thông thường” – anh Lập chia sẻ.
Chủ nhân trang trại 1ha cho hay, mới nghe thì nhiều người cho măng tây là cây trồng “sang chảnh”, nhưng thực ra nếu hợp đất, hợp thời tiết thì cây rất dễ tính. Cây măng tây chỉ cần đầu tư trồng 1 lần là có thể thu hoạch sản phẩm liên tục từ 8-10 năm. Măng tây cho thu hoạch quanh năm, giá trị kinh tế gấp nhiều lần so với trồng lúa.
Ông Lê Đình Hùng – Phó Giám đốc Trung tâm Dạy nghề và Hỗ trợ ND (thuộc Hội ND tỉnh Bắc Ninh), Phó Chủ nhiệm thường trực CLB Măng tây xanh Bắc Ninh cho biết: “Với lợi thế về điều kiện thổ nhưỡng và khí hậu phù hợp cho sinh trưởng của măng tây xanh, Bắc Ninh đã trở thành một trong các địa phương có nhiều trang trại trồng măng tây xanh quy mô lớn của cả nước, tập trung chủ yếu ở một số xã ven sông các huyện Gia Bình, Tiên Du, Lương Tài, Thuận Thành, TP.Bắc Ninh… Để hỗ trợ người trồng măng tây xanh có môi trường trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm và cùng hỗ trợ nhau trong việc phát triển, tiêu thụ măng tây xanh theo tiêu chuẩn VietGAP, cuối năm 2016, Trung tâm Dạy nghề và Hỗ trợ ND tỉnh Bắc Ninh đã thành lập CLB Măng tây xanh Bắc Ninh.
Theo ông Hùng, CLB hoạt động định kỳ theo quý. Phương châm hoạt động của CLB là phát huy tối đa vai trò nòng cốt của những nông dân giỏi, tiêu biểu đi đầu như các hộ gia đình bà Nguyễn Thị Trang (xã Thái Bảo, huyện Gia Bình) với diện tích trồng 2ha; gia đình ông Phan Duy Phượng (xã Lãng Ngâm, huyện Gia Bình) với diện tích trồng 5ha; gia đình ông Nguyễn Đức Lập ở xã Lạc Vệ huyện Tiên Du với diện tích 1ha… Đến nay, sau gần 2 năm CLB đã có 16 thành viên với diện tích trồng trên 23ha VietGAP. Từ trồng măng tây xanh, nhiều hộ có thu nhập hàng trăm triệu đồng trở lên.
Viết bình luận