Mỗi buổi sáng ươm nắng, tôi thường ngồi dưới gốc cây mận quân đổ dài. Cây có nhiều gai, lá lấp láy muôn vàn sợi nắng. Đó là thứ cây ăn trái trong vườn mà tôi nhận ra nó gợi lên muôn vàn điệu nhạc...
“Bồ quân không biết đợi!”
Tin nhắn chị tôi có phần hơi dỗi khi năm lần bảy lượt hẹn tôi về hái bồ quân trong vườn nhà không thành. Tôi vẫn cứ thế, mải mê theo công việc bộn bề mà không để ý, không biết rằng nỗi đợi của chị tôi dài và thương đến thế…
Tôi trở về vườn xưa. Ngay nơi góc vườn có một cây bồ quân già nằm rạp trên mái ngói rêu phong cũ kĩ. Ngày bé chúng tôi gọi là cây mận quân chứ không như bồ quân bây giờ. Ông bảo đó là cây mận ông giữ hạt từ cái cây trong chiến khu Ba Lòng khi ngược đường ra Bắc. Ông về ươm được hai cây, sau cùng chỉ còn một cây sống sót, sau bao cơn bão, nằm ngả rạp vào góc tường rào nơi cuối vườn.
Mỗi buổi sáng ươm nắng, tôi thường ngồi dưới gốc cây mận quân đổ dài. Cây có nhiều gai, lá lấp láy muôn vàn sợi nắng. Đó là thứ cây ăn trái trong vườn mà tôi nhận ra nó gợi lên muôn vàn điệu nhạc. Vào buổi sáng sớm sau cơn mưa hay những đêm trăng, cây mận quân luôn ngời lên trong tôi muôn nghìn những điều tưởng tượng diệu kì.
Trong vòm xanh ấy, mỗi mắt lá là từng chùm hoa li ti vàng mơ tua tủa đâm ra, loài hoa ngờ như hoa mơ hoa mận, yêu đến nỗi mà tôi thấy từ đó vang lên muôn vàn điệu khèn lá lả lơi của một buổi chợ phiên nào xa ngái lắm…
Sau những trận mưa rào đầu hạ, bồ quân kết trái. Hàng ngàn, hàng vạn trái mận quân bằng viên bi xanh.
Sau những trận mưa rào đầu hạ, bồ quân kết trái. Hàng ngàn, hàng vạn trái mận quân bằng viên bi xanh. Cuối tháng năm, mận quân đỏ thẫm, tím ngắt, căng bóng lên, to bằng ngón tay cái. Lúc đó, cả vườn tôi rộn tiếng chào mào, chim sáo, chích choè... kéo về ăn quả.
Chị tôi nhanh như sóc, tích tắc đã vít lên cành cây cao cùng lũ trẻ con hái trái. Tôi ngồi dưới gốc, háo hức đợi chị thi thoảng mém vào trong tà váy xòe rộng đôi ba quả no tròn, tím sẫm, chín rục, rồi cứ thế vân vê bóp mềm cho đến khi quả nó ngấu quá, nứt bung mới đưa lên miệng ăn. Mận quân chín ngọt, dẻo như sáp là món ngon tuổi thơ tôi nhớ nhất đời.
Mỗi mùa mận, quần áo chị tôi chẳng mấy khi được nguyên lành sạch sẽ. Mủ cây ám đầy áo chị cùng với những trận roi của mẹ mỗi khi giặt đồ vì phải tốn quá nhiều xà phòng. Nhưng bù lại, mận quân chị hái chất đầy các thủng, mủng lót đầy rơm khô để vào chỗ tối độ năm, sáu ngày đem ra. Mận quân lúc đó ăn, ngọt lịm, nước chảy ra thơm mùi mật ong thì ai ai cũng tấm ta, tấm tắc.
Ông tôi mỗi lần cầm trái mận, lại nhớ về cây mận xưa trong chiến khu Ba Lòng nói như hồi tưởng: “Hồi đó, mình hái một túi quả đủ để chia cho đám trẻ con rồi dừng không hái thêm vì nghĩ con đường này, đồng đội mình trên đường hành quân vào nam sẽ đi nhiều, đường xa còn có trái mận mà nhìn cho đỡ nhớ quê, nhớ nhà, nhớ mẹ…”
Rổ mận đó, chị tôi đem ra đầu ngõ, xâu thành từng xâu như hồ lô. Mỗi lần đem bán cho tụi trẻ con chị đều để nơi góc bàn cho tôi vài ba xâu nho nhỏ. Tiền mận đó chị trích ra mua cho tôi vài ba cuốn sách…
Chị tôi thường xâu mận thành từng xâu như hồ lô.
“Về không gặp, chị để túi mận vào giỏ xe nhé!” chị nhắn vậy rồi đi vội vàng.
Tôi cầm túi mận chực khóc, 40 tuổi rồi mà cứ ngỡ như mình vừa mới lên bốn, lên năm… thấy thương… Những quả bồ quân chín mọng, căng tròn như ươm mang cả mùa thu mật ngọt trong nó, như ẩn mang cả tình thương thiết tha chị dành cho tôi...
Viết bình luận