Trong khi nhiều địa phương cả nước vẫn còn loay hoay với cánh đồng 50 triệu đồng/ha thì tại nông trại của gia đình bà Nguyễn Thị Huệ, tổ dân phố Phước Thành, phường 7, TP Đà Lạt (Lâm Đồng), mỗi ha đất canh tác nông nghiệp ở đây đã cho lãi tới 5 tỉ đồng/năm.
“Nông nghiệp thông minh là hoạt động còn rất xa lạ đối với nông dân Việt Nam. Ở những nước có nền nông nghiệp phát triển, nhất là Israel, Hà Lan, Hoa Kỳ… họ đã triển khai cách đây nhiều năm. Gia đình tôi mới chỉ áp dụng được vài năm qua, hiệu quả kinh tế đã nâng lên hàng chục lần so với cách làm truyền thống!...”, đó là lời mở đầu câu chuyện trở thành tỷ phú của bà Nguyễn Thị Huệ từ hoạt động sản xuất nông nghiệp.
Đưa chúng tôi tham quan vùng sản xuất nông nghiệp của mình, bà Huệ giải thích lý do vì sao gia đình bà lại phát triển kinh tế theo quy trình nông nghiệp thông minh mà các nước có nền nông nghiệp tiên tiến trên thế giới đang áp dụng. Theo bà Huệ, làm nông nghiệp hiện nay cần phải đầu tư theo chiều sâu, nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm trên một diện tích đất làm sao đạt được hiệu quả kinh tế một cách tối ưu nhất, nông nghiệp thông minh giúp cho nhà nông đạt được những mục tiêu này.
Bà Nguyễn Thị Huệ cho biết, nông nghiệp thông minh được hiểu là một cách tiếp cận mới về phát triển nông nghiệp trong điều kiện biến đổi khí hậu, hướng đến một nền nông nghiệp xanh và phát triển bền vững. Để đạt được những mục tiêu của nông nghiệp thông minh, điều kiện bắt buộc là phải áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, công nghệ thông tin, công nghệ bảo quản sau thu hoạch, công nghệ quản lý trong sản xuất và quản lý của ngành nông nghiệp để tăng năng suất, chất lượng sản phẩm.
Rau củ tí hon được trồng trên những “chiếc giường hai tầng” chất liệu trồng là xơ dừa và phân dinh dưỡng.
Tại khu vực trồng rau thủy canh, bà Huệ cho biết để có 1.000m2 đất sản xuất loại nông sản này, gia đình bà đã đầu tư khoảng 1 tỷ đồng bao gồm nhập khẩu toàn bộ các trang thiết bị tiên tiến từ nước ngoài. Xây dựng nhà kính đúng kỹ thuật đảm bảo cho cây sinh trưởng, phát triển một cách tốt và an toàn nhất. Rau thủy canh được trồng trên những thanh giá thể, cho nước chạy 24/24 giờ. Các chất dinh dưỡng đều được hòa lẫn trong nước. Rau thủy canh không có sâu bệnh nên nhà vườn không sử dụng các loại hóa chất bảo vệ thực vật nên rất đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm.
Trong khi đó, tại nông trại thông minh này, các loại rau, củ, quả tí hon đều được trồng trên những “chiếc giường” gồm hai tầng, mỗi tầng cách nhau 1m. Sản phẩm gồm củ cải đường, cà rốt, cà chua các loại, bí, củ dền… được 3 tháng tuổi thì cho thu hoạch với nhiều màu sắc khác nhau nhằm đáp ứng thị hiếu đa dạng của người tiêu dùng. Riêng về cà chua, ở đây có hàng chục loại khác nhau từ bằng ngón tay cái đến những loại cà chua cho quả nặng lên tới 1kg với đủ màu sắc, hình thù khác nhau.
Những luống cà chua sai trĩu quả.
Theo chủ nông trại này, mặc dù kinh phí đầu tư để phát triển nông nghiệp thông minh tương đối tốn kém nhưng sau khi đã trang bị đầy đủ các trang thiết bị phục vụ cho sản xuất thì lại tiết kiệm được rất nhiều nhân công, nước tưới,phân bón và các chi phí khác. Thời gian thu hồi vốn cũng rất nhanh bởi sản phẩm làm ra có chất lượng rất cao, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm nên được người tiêu dùng tin tưởng, tín nhiệm lựa chọn sử dụng với giá thành tương đối cao và ổn định.
Về hiệu quả kinh tế, so với cách làm nông nghiệp truyền thống, hoạt động sản xuất nông nghiệp thông minh cho lợi nhuận khủng. Bà Nguyễn Thị Huệ tiết lộ, với 1ha nông sản tại gia đình bà mỗi năm trừ mọi chi phí đầu tư, nhân công, bà còn thu về khoảng 5 tỷ đồng tiền lãi. Đây là số tiền cao nhất tại Lâm Đồng và hầu như trong cả nước trên 1ha đất sản xuất nông nghiệp.
Không giấu giếm, bà Nguyễn Thị Huệ cho biết, sẵn sàng chia sẻ kinh nghiệp làm nông nghiệp thông minh cho bất cứ cá nhân, tổ chức nào có nhu cầu khi tới tham quan, học hỏi.
Lợi nhuận khủng từ nông nghiệp thông minh
- 17/ 11/ 2016
- Nguyễn Thị Tuyết Nhung
- 0 Nhận xét
Viết bình luận