Vụ thu đông thời tiết khô hanh, cây cam trồng trên diện tích vườn đồi thường hay bị khô hạn do đất dốc nên phải tủ gốc để giảm thiểu sự bốc hơi nước ở gốc.
Hỏi: Cây cam trong mùa thu đông là thời điểm quan trọng đối với cả vườn kiến thiết cơ bản và vườn thời kỳ kinh doanh. Xin chuyên gia cho biết khi chăm sóc cây cam trong mùa này cần lưu ý gì?
Trả lời:
– Đối với vườn cam ở thời kỳ kiến thiết cơ bản: Tiến hành cắt tỉa cành tạo hình cho cây có bộ tán tốt, làm cỏ kết hợp vun xới, bón phân cho cây để tạo điều kiện cho lộc đông phát triển, chuẩn bị cho cây sinh trưởng tốt ở vụ xuân. Bón phân đủ, cân đối đạm lân, kali, phân hữu cơ ủ hoai mục để tăng khả năng chống chịu của cây với điều kiện nhiệt độ thấp. Trong đó cần chú trọng đến nguồn phân chuồng ủ mục có bổ sung chế phẩm nấm đối kháng Trichodecma để giúp cây chống rét, kháng bệnh tốt.
Vụ thu đông thời tiết khô hanh, cây cam trồng trên diện tích vườn đồi thường hay bị khô hạn do đất dốc nên phải tủ gốc để giảm thiểu sự bốc hơi nước ở gốc. Đối với diện tích cam trồng ở vùng đồng bằng cần lưu ý vấn đề tiêu thoát nước sau những trận mưa to thời điểm giao mùa hay mưa bão (tạo các mương, rãnh thoát nước thậm chí là bơm tiêu úng kịp thời).
– Đối với cam thời kỳ kinh doanh: Nhiều diện tích sẽ cho thu hoạch quả chính vụ từ tháng 11, 12, cây có nhiều quả nên cần giữ ẩm ở mức vừa phải, tránh tưới nước nhiều quá hoặc để quá khô mới tưới nước sẽ ảnh hưởng đến năng suất và chất lượng quả. Áp dụng biện pháp tủ gốc để giảm thiểu bốc hơi nước ở gốc cây cam.
Vụ thu đông là thời điểm giao mùa nên nắng, mưa thất thường, bão muộn cũng có thể xảy ra nên cần chú ý đến công tác BVTV. Cần phun phòng trị một số sâu bệnh: Bệnh nấm trên lá và quả (gỉ sắt, thán thư), sâu đục thân, bọ xít xanh, ruồi vàng, sâu chích hút… Sử dụng một số thuốc phòng trừ sâu bệnh đặc hiệu, thế hệ mới an toàn với môi trường sinh thái và sức khỏe con người. Riêng với ruồi vàng (đối tượng gây hại nghiêm trọng) cần sử dụng bẫy bả sinh học Ento-Pro đặt đồng loạt, phân bố đều để tăng hiệu quả trừ sâu.
Bón phân cho vườn cam kinh doanh thời điểm này cần chú trọng nhiều đến phân kali để quả ngọt và chắc. Tốt nhất nên bón phân trước khi thu hoạch quả 1 – 2 tháng. Ngoài ra cần bổ sung thêm phân bón lá siêu vi lượng để tăng chất lượng, mẫu mã quả và sức đề kháng cho cây.
* Lưu ý: Đối với vườn cam đường Canh ngoài các biện pháp kỹ thuật tác dộng trên nhà vườn cần phải thực hiện một số biện pháp khác như đảo cây, tạo rễ chùm để di chuyển cây vào chậu được đảm bảo. Chăm sóc tốt để cây ra quả đồng đều, mã quả đẹp, đúng vào dịp tết…
Hỏi: Đề nghị chuyên gia cho biết làm cách nào phòng trị bệnh héo xanh vi khuẩn hại dưa leo?
Trả lời: Héo xanh vi khuẩn (Pseudomonas solanacearum) là một bệnh khá phổ biến trên họ bầu bí như bầu, bí, mướp, dưa leo, dưa hấu, dưa gang… đặc biệt trong mùa mưa.
Biểu hiện của bệnh là cây dưa đang sinh trưởng bình thường thì đột ngột bị héo rũ xuống, trong khi màu lá vẫn còn xanh, hiện tượng héo xảy ra vào ban ngày khi trời nắng, nhưng ban đêm cây tươi trở lại, sau vài ngày cây dưa không thể hồi phục lại được nữa và chết, gây thiệt hại rất lớn cho người trồng.
Để hạn chế tác hại của bệnh, có thể áp dụng một số biện pháp chính sau đây:
-Sau khi thu hoạch thu gom sạch sẽ tàn dư của cây dưa đưa ra khỏi ruộng tiêu hủy.
-Cày phơi ải, bừa kỹ đất để chôn vùi bớt mầm bệnh xuống tầng đất sâu, bón 25 – 30kg vôi bột/sào (360m2) để bổ sung canxi và khử trùng đất.
-Lên luống cao, để ruộng không bị đọng nước khi có mưa, không trồng cây khi đất còn quá ướt.
-Bón đầy đủ và cân đối giữa đạm, lân và kali, tuyệt đối không bón thừa đạm, tăng cường phân chuồng hoai mục có trộn chế phẩm Trichoderma để bón lót, hạn chế bón đạm khi thấy ruộng dưa chớm bị bệnh.
-Xử lý hạt giống trước khi ngâm ủ bằng cách ngâm trong nước nóng 54 độ C khoảng 30 phút.
-Thường xuyên nhổ bỏ những cây bị bệnh đưa ra khỏi ruộng tiêu hủy, sau đó bón vôi vào gốc vừa nhổ để khử trùng đất.
-Không trồng dưa leo và những cây cùng ký chủ của bệnh liên tục nhiều năm, sau vài vụ nên luân canh một vụ với cây trồng nước.
-Kiểm tra ruộng dưa thường xuyên để phát hiệm sớm và phun thuốc phòng trị bệnh kịp thời.
Về thuốc, có thể sử dụng một trong những loại như: Starner 20WP, Linacin 40SL, Kasuran 50 WP, Kasumin 2SL, Bactocide 12 WP, Map Lotus 125WP, Alpine 80WP… liều lượng và cách sử dụng theo hướng dẫn của nhà sản xuất có in trên nhãn thuốc.
Viết bình luận