Mắc Coọc, nhiều nơi còn gọi là quả mắt trâu hay lê rừng có tên khoa học là Pyrus pashia Buch-Ham ex D. Don, thuộc họ Hoa hồng (Rotaceae). Có cây cao tới 12m. Quả mọng hình cầu, có mụn nhỏ, màu xám, nâu hoặc xanh vàng, ăn ngọt mát, hơi chua nhẹ, chín từ tháng 10 đến tháng 12.
Khác với các quả Mắc Coọc được bày bán dọc đường ở các tỉnh miền núi phía Bắc như Ngân Sơn (Bắc Kạn), Trùng Khánh (Cao Bằng), Thất Khê (Lạng Sơn)… thường cứng, ăn chát, Mắc Coọc Yên Thượng quả to, đều, vỏ nhẵn màu nâu vàng, ăn giòn, ngọt mát có pha thêm vị chua nhẹ dôn dốt ngon chẳng kém quả lê nâu Cao Bằng, hấp dẫn nhiều người nên bán được giá. Phó Chủ tịch UBND xã Yên Thượng, Bùi Minh Huệ cho biết: Giống cây này được bà con ở đây gây trồng từ lâu đời vì thấy chúng phù hợp với khí hậu, thời tiết, đất đai thổ nhưỡng của Yên Thượng nên thường rất sai quả và quả ăn ngon hơn nhiều nơi khác.
Ngoài Yên Thượng, một số xã khác ở Cao Phong cũng có trồng Mắc Coọc như Yên Lập và Xuân Phong nhưng ít quả và thường cho quả cách niên, chất lượng quả kém. Nằm trên độ cao trên 1.050m so với mực nước biển có khí hậu mát lạnh về mùa hè, ấm áp về mùa đông nên Mắc Coọc Yên Thượng hầu như không bao giờ mất mùa, cây ra quả đều đặn, mỗi cây bình quân cho thu hoạch từ 70 đến 150 kg/năm, nhiều cây cho tới trên 200 kg quả. Với giá bán bình quân 10.000 đồng/kg tại chỗ như hiện nay thì Mắc Coọc là một trong những cây trồng có hiệu quả kinh tế so với nhiều loại cây trồng khác ở địa phương. Mấy năm gần đây nhờ được mùa, được giá, diện tích Mắc Coọc đang được tăng dần lên và đã bắt đầu trở thành hàng hóa trao đổi với các địa phương miền xuôi.
Tìm hiểu sâu hơn về loại cây trồng đầy tiềm năng này, Phó trưởng trạm khuyến nông huyện Cao Phong, Đinh Văn Thái cho biết: Thực hiện Nghị quyết số 03-04/HU của Huyện ủy Cao Phong chủ trương phát triển 18.000 cây Mắc Coọc ở xã vùng cao Yên Thượng giai đoạn 2006-2010 để tạo thành vùng sản xuất hàng hóa, trong nhiều năm qua Trạm khuyến nông Cao Phong đã phối hợp với các cơ quan khoa học tỉnh Hòa Bình, các Viện khoa học trong ngành nông nghiệp tiến hành điều tra, khảo sát, tuyển chọn được một số cây đầu dòng cho năng suất cao, chất lượng tốt làm vật liệu nhân giống phục vụ việc trồng mới để mở rộng diện tích.
Thay cho trồng cây bằng hạt theo cách nhân giống truyền thống của địa phương phải mất 7-8 năm mới cho quả bói, các cán bộ khuyến nông huyện đã hướng dẫn và chuyển giao cho bà con kỹ thuật trồng bằng cây chiết, cây ghép chỉ 3-4 năm là cho thu quả mà cây lại sinh trưởng, phát triển tốt, ít bị sâu bệnh hại nên được nhiều người làm theo. Từ năm 2006 đến nay nhờ sự hỗ trợ về kinh phí của huyện và chuyển giao các tiến bộ kỹ thuật của Trạm khuyến nông hơn 70 hộ gia đình ở xã Yên Thượng đã đầu tư trồng được hàng chục nghìn cây Mắc Coọc đang sinh trưởng, phát triển tốt, nhiều cây đã bắt đầu cho quả bói hứa hẹn những vụ thu hoạch đầy triển vọng.
Theo Bao Nong Nghiep Viet Nam
Viết bình luận