Năng suất mía bình quân của Thanh Hóa chỉ đạt 58 tấn/ha, trong khi bình quân chung cả nước là 64 tấn/ha. Sản lượng mía nguyên liệu hiện nay chưa đủ đáp ứng cho các nhà máy hoạt động…
Tạo việc làm cho 1 triệu lao động
Sở NN-PTNT Thanh Hóa phối hợp với Cty CP Mía đường Lam Sơn vừa tổ chức hội nghị bàn giải pháp phát triển ngành mía đường với sự tham gia của đại diện các huyện triển khai vùng nguyên liệu, các nông lâm trường, HTX, người trồng mía...
Toàn cảnh hội nghị |
Theo số liệu thống kê, Thanh Hóa là tỉnh đứng đầu về sản xuất mía đường, trong đó diện tích chiếm 11,3%, sản lượng chiếm khoảng 10,8% của cả nước.
Giai đoạn 2011 - 2017, diện tích mía nguyên liệu đạt bình quân trên 30.500ha/vụ ép; năng suất bình quân hàng năm đạt 58 tấn/ha; sản lượng mía nguyên liệu đạt gần 1.800.000 tấn/vụ ép. Tổng sản lượng đường các loại sản xuất trong 6 năm qua là 190.000 tấn, đảm bảo cung cấp cho thị trường nội địa và xuất khẩu sang nhiều nước ở khu vực Đông Nam Á, Trung Quốc cũng như một số nước ở châu Âu.
Qua khảo sát, đánh giá, chất lượng mía nguyên liệu cơ bản toàn tỉnh duy trì ổn định, chữ đường bình quân đạt 9,8 CCS (thế giới là 12 - 13 CCS). Một số diện tích áp dụng trồng giống mía mới cho chữ đường khá, đạt mức 11 - 12 CCS.
Tính rộng ra, toàn tỉnh hiện có 17 huyện tham gia trồng mía nguyên liệu với gần 200 xã, phường, thị trấn và 17 nông lâm trường. Việc phát triển vùng nguyên liệu đã tạo ra việc làm thường xuyên và thu nhập ổn định cho trên 1 triệu lao động. Nhìn chung, cây mía góp phần quan trọng vào quá trình phát triển KT-XH của tỉnh, nhất là khu vực trung du miền núi.
Giống mía LS1 của Cty CP Mía đường Lam Sơn có nhiều ưu điểm vượt trội |
Từ nhu cầu thực tế, tỉnh Thanh Hóa xác định mía nguyên liệu là cây trồng chủ lực, có nhiều lợi thế trong lộ trình tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao năng suất chất lượng, tăng khả năng cạnh tranh và phát triển bền vững.
Hiện tại tổng diện tích vùng nguyên liệu của Cty CP Mía đường Lam Sơn là 15.000ha (vùng Lam Sơn 11.000ha, vùng Nông Cống 4.000ha), sản lượng mía hàng năm đạt gần 1 triệu tấn. Những năm qua, công ty đã triển khai nhiều chương trình, giải pháp nhằm nâng cao giá trị của cây mía, kết quả nhìn chung có nhiều nét tích cực.
Dấu ấn lớn nhất là việc triển khai dự án “Nghiên cứu phát triển sản xuất các loại giống mía với quy mô công nghiệp đạt hiệu quả kinh tế cao cho vùng nguyên liệu” vào năm 2015 với tổng mức đầu tư trên 60,5 tỷ đồng (Cty bỏ ra 46 tỷ, Nhà nước hỗ trợ phần còn lại). Mục tiêu của dự án là tuyển chọn, nhân nhanh giống mía có năng suất, chất lượng cao thông qua phương pháp cấy mô invitro để cung cấp giống trên địa tỉnh, khu vực phía Bắc và bắc miền Trung.
Tham quan một số giống mía tại Cty Mía đường Lam Sơn |
Hàng năm Cty sản xuất khoảng 2,5 - 3 triệu cây theo phương pháp nuôi cấy mô, nhiều bộ giống chủ đạo (VĐ 93-159, VĐ 00236, VL6…) giữ vững được vị thế, một số giống mới (LK92-11, LK 85-94…) bước đầu phát huy được giá trị. Trong thời gian này, Cty đã nghiên cứu, chọn tạo thành công 2 giống mía có nhiều tính năng vượt trội là LS1, LS2 (đã được Bộ NN-PTNT công nhận và cho sản xuất)…
Áp lực lớn
Bên cạnh những mặt tích cực, ngành mía đường Thanh Hóa đang phải đối mặt là áp lực với các nhà máy vô cùng lớn. Thứ nhất là năng suất, chất lượng mía chưa có nhiều chuyển biến. Hai là diện tích, sản lượng sụt giảm nghiêm trọng, nguyên liệu đầu vào không đủ cho các nhà máy sản xuất, chế biến. Đặc biệt, tới đây khi Việt Nam thực hiện đầy đủ cam kết theo hiệp định thương mại đã ký kết với các nước và các tổ chức, hàng rào thuế quan được dỡ bỏ, nếu không có các giải pháp hữu hiệu cùng hành động quyết liệt thì ngành mía đường khó tồn tại.
Ông Mai Nhữ Thắng, PGĐ Sở NN-PTNT Thanh Hóa thẳng thắn chỉ ra 2 vấn đề trọng tâm: “Lĩnh vực quản lý nhà nước từ tỉnh xuống đến cơ sở còn nhiều bất cập, quá trình thực hiện quy hoạch và quản lý quy hoạch vẫn đang bộc lộ không ít hạn chế, từ đó dẫn đến việc có những vùng không nằm trong quy hoạch thì triển khai trồng mía và ngược lại. Thứ hai là công tác tham mưu ở cơ sở cho lãnh đạo cấp trên chưa phát huy hiệu quả, nhất là về mặt chính sách”.
Ông Mai Nhữ Thắng chỉ ra những mặt hạn chế của SX mía đường |
Ông Thắng khẳng định thêm, quá trình dồn điền đổi thửa, tích tụ ruộng đất tại nhiều địa phương thực hiện chưa rốt ráo là nguyên nhân khiến cho các mô hình cánh đồng mẫu lớn chưa phát huy được hiệu quả như mong đợi.
Trên cơ sở những vấn đề còn tồn tại, Sở NN-PTNT đã nêu ra một số phương án, giải pháp căn cơ. Trong đó tập trung vào công tác nghiên cứu, tuyển chọn bộ giống mới cho năng suất, chất lượng vượt trội, thích ứng được với điều kiện sinh thái của vùng để đưa vào sản xuất; coi trọng đầu tư phát triển trình độ, kiến thức kỹ thuật cho nông dân để tiếp cận và đáp ứng những đòi hỏi của sản xuất mía thâm canh; triển khai hiệu quả các cơ chế, chính sách khuyến khích, hỗ trợ...
Trong lộ trình thực hiện quy hoạch ngành mía đường, Thanh Hóa định hướng đến năm 2020 giảm diện tích mía xuống 25.867ha, sản lượng mía nguyên liệu tăng lên 2,5 triệu tấn vào năm 2025, vùng mía thâm canh (năng suất 110 - 120 tấn/ha) đạt 20.000ha năm 2020 và ổn định đến 2025. Trọng tâm là đẩy mạnh diện tích thâm canh, diện tích sử dụng giống mới, diện tích tưới; thực hiện chuyển đổi theo hướng tích tụ đất đai, hình thành cánh đồng mía lớn, tập trung; đẩy mạnh cơ giới hóa trong sản xuất... |
Viết bình luận