Để tiếp cận được các thị trường khó tính, thanh long phải vượt qua những rào cản kỹ thuật, trong đó sản phẩm sạch là điều kiện tiên quyết.
Thực tế tình hình tiêu thụ thanh long ở Bình Thuận những năm qua cho thấy, giá thu mua thanh long luôn bấp bênh vì phụ thuộc quá lớn vào thị trường Trung Quốc. Để giảm lệ thuộc, loại nông sản lợi thế này của tỉnh Bình Thuận cần đa dạng hóa thị trường, nhất là đẩy mạnh xuất khẩu sang các thị trường khó tính.
Hiện nay, nhiều nhà vườn trồng thanh long ở Bình Thuận đang hướng trồng và xuất khẩu thanh long vào các thị trường mới, bằng việc đầu tư sản xuất thanh long sạch theo chuẩn GlobalGAP đáp ứng điều kiện của nhiều thị trường khác nhau.
Thu hoạch thanh long sạch GlobalGAP ở trang trại Gia Thành, huyện Hàm Thuận Bắc, tỉnh Bình Thuận.
Sơn Trà là một trong những trang trại đang tích cực thực hiện mô hình sản xuất thanh long GlobalGAP ở Bình Thuận. Trên diện tích 22 ha, trang trại hiện có hơn 20.000 trụ thanh long sạch.
Hằng ngày, các công nhân ở đây được phân công làm việc theo từng khu vực với quy trình chặt chẽ, có bảng phân công chi tiết. Trong đó, việc sử dụng thuốc bảo vệ thực vật và phân hóa học rất hạn chế, thay vào đó là các phương pháp hữu cơ.
Anh Nguyễn Hữu Phương, phụ trách kỹ thuật của Trang trại thanh long Sơn Trà, huyện Hàm Thuận Nam khẳng định, nông sản nào cũng vậy, đã có dư lượng sẽ không thể làm GlobaGAP.
“Khi xuất khẩu sản phẩm nông sản ra thị trường khó tính, người ta sẽ đo nồng độ, nếu phát hiện dư lượng trên trái thanh long, người ta sẽ trả hàng về nên buộc mình phải tuân thủ quy định khắt khe từ quy trình bón phân, xịt thuốc cũng như thời gian cách ly thật hợp lý”, anh Phương giải thích.
Cách đó hơn 30 cây số, trang trại Gia Thành với quy mô 6 ha ở xã Hàm Đức, huyện Hàm Thuận Bắc cũng đang canh tác thanh long sạch theo chuẩn toàn cầu GlobalGAP.
Chủ trang trại cho biết, sau khi được cấp chứng chỉ, mỗi năm tổ chức cấp chứng chỉ quốc tế đều quay lại kiểm tra 2 lần. Ngoài kiểm tra vườn, họ còn xem sổ sách ghi chép sử dụng phân thuốc ra sao và đột xuất kiểm tra kiến thức nhân công. Nếu đạt, trang trại mới được gia hạn chứng chỉ.
Nhờ tuân thủ các tiêu chuẩn khắt khe, nên sản phẩm thu hoạch luôn đảm bảo có đầu ra ổn định với giá từ 15.000 – 30.000 đồng/kg, cao gấp đôi thanh long thường. Mỗi tháng, 5 tấn thanh long sạch của trang trại đều được đối tác tại Đức tiêu thụ hết.
“Nguồn thanh long sạch hiện giờ của trang trại không đủ cung cấp cho đối tác vì họ đang rất cần. Để làm tốt việc tiêu thụ thanh long, nhà nông chỉ cần tuân thủ những gì đối tác đề ra chắc chắn sẽ không bao giờ thiếu đầu ra”,ông Đỗ Nghi, chủ trang trại Gia Thành cho biết.
Theo ông Đỗ Minh Kính, Giám đốc Sở Công thương Bình Thuận, muốn giảm sự lệ thuộc vào thị trường truyền thống, thanh long Bình Thuận phải có thêm nhiều thị trường. Tuy nhiên, các thị trường khó tính như Mỹ, Đức, Nhật và các nước châu Âu luôn đòi hỏi đáp ứng các rào cản về mặt kỹ thuật. Sản phẩm sạch là điều kiện tiên quyết để vượt qua rào cản này.
“Đối với các thị trường khó tính, việc kiểm dịch của họ để bảo đảm về mặt chất lượng có yêu cầu cao hơn. Thanh long Bình Thuận muốn vào được các thị trường này, nhất thiết phải nâng cao chất lượng, kể cả trong khâu sản xuất cũng như khâu sơ chế”, ông Kính nêu rõ.
Với những thực tế kể trên, tỉnh Bình Thuận hiện đang khuyến khích nông dân trồng thanh long đảm bảo an toàn thực phẩm, đặc biệt là chuẩn GlobalGAP để hình thành vùng nông nghiệp sản xuất thanh long bền vững, nâng cao giá trị sản phẩm sau thu hoạch.
Ông Mai Kiều, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Bình Thuận cho biết, sản xuất thanh long theo tiêu chuẩn GlobalGAP nhăm nâng cao chất lượng, phục vụ xuất khẩu qua các thị trường khó tính như Pháp, Đức, Mỹ và một số nước châu Âu là hướng đi rất tích cực, phù hợp với chiến lược phát triển thanh long của tỉnh. “Tỉnh hoàn toàn ủng hộ và tạo mọi điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp cá nhân, tổ chức trồng thanh long theo hướng này”, ông Kiều khẳng định.
Bình Thuận hiện có 27.000 ha thanh long. Trong đó, khoảng 10.000 ha được công nhận chuẩn VietGAP và gần 300 ha được cấp chứng nhận GlobalGAP. Thực tế, hiện nay diện tích thanh long đủ tiêu chuẩn xuất qua các thị trường khó tính vẫn còn khiêm tốn.
Tuy nhiên, với xu hướng phát triển, Bình Thuận sẽ có thêm nhiều chủ vườn làm sản phẩm sạch, khi đó, đầu ra cho trái thanh long sẽ không còn phụ thuộc hoàn toàn vào thị trường Trung Quốc.
Viết bình luận