Với việc tận dụng nguồn thu từ chất thải ( phân bò) khoảng 1.000 tấn phân/ngày, mỗi ngày Hoàng Anh Gia Lai có gần 1 tỷ đồng và mỗi năm, riêng phân bò đã đã giúp tập đoàn này tiết kiệm được trên 300 tỷ đồng.
Thông tin được Chủ tịch Tập đoàn Hoàng Anh Gia Lai (HAGL – mã chứng khoán HAG) - ông Đoàn Nguyên Đức (bầu Đức) đưa ra tại Đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2015 diễn ra ngày 15/4 cho hay, trong năm nay, đàn bò thịt của HAGL sẽ bắt đầu ghi nhận doanh thu.
Theo dự kiến của bầu Đức, trong năm, Tập đoàn sẽ bán khoảng 60.000 con bò, thu về 2.475 tỷ đồng, chiếm 46% cơ cấu doanh thu thuần. Bầu Đức cho biết, chu kỳ xoay vòng vốn của chăn nuôi bò thịt khá nhanh (khoảng 6 tháng) do đó, số lượng sẽ được mở rộng theo từng năm. Dự kiến HAGL sẽ nâng số lượng tổng đàn bò thịt và bò giống lên trên 100.000 con và bò sữa lên trên 13.000 con vào cuối 2015.
Chi tiết khá thú vị đó là với việc tận dụng nguồn thu từ chất thải (phân bò) khoảng 1.000 tấn phân/ngày, mỗi ngày HAGL có gần 1 tỷ đồng. Thông tin này trước đó cũng đã từng được bầu Đức chia sẻ với báo giới, theo đó, mỗi năm, riêng phân bò, HAGL "bỏ túi" trên 300 tỷ đồng.
Bầu Đức là một trong những đại gia bất động sản đầu tiên ở Việt Nam chuyển hướng sang lĩnh vực nông nghiệp, trong đó có chăn nuôi công nghệ cao. Tại thời điểm bất động sản Việt Nam khó khăn, bầu Đức đã nhanh chóng rút vốn khỏi các dự án, thậm chí tuyên bố bán phá giá thị trường để chuyển sang “làm nông” với việc trồng cao su, trồng bắp, trồng mía và gần đây là nuôi bò thịt và bò sữa với tự tin cao “chăn nuôi kỹ thuật cao sẽ không bao giờ lỗ”.
HAGL cũng cho biết, Tập đoàn này đang đưa nông nghiệp lên vị trí ưu tiên hàng đầu trong hoạt động kinh doanh. Theo đó, đây là ngành có tỷ suất lợi nhuận cao khi sản lượng ở vào mức kỳ vọng.
Bầu Đức tính toán: Doanh thu từ lĩnh vực này có khả năng tạo ra dòng tiền lớn và có độ tăng trưởng ổn định, giúp HAGL tránh được các ảnh hưởng tiêu cực từ các ngành kinh doanh truyền thống có tính chu kỳ dài và dễ bị tác động nếu các điều kiện của nền kinh tế trở nên không thuận lợi.
Mới đây, không ít các “đại gia” khác trên sàn chứng khoán như Vingroup (VIC), Hòa Phát (HPG) cũng đã quyết định “nhảy” vào nông nghiệp. Hướng đi của Vingroup chủ yếu là dự án sản xuất sau, quả sạch cũng như các sản phẩm nông nghiệp khác tại Quảng Ninh; áp dụng công nghệ cao trên các cánh động mẫu lớn để giảm chi phí và sản xuất các sản phẩm nông nghiệp có giá trị xuất khẩu cao. Trong khi đó, Hòa Phát lại thành lập công ty sản xuất thức ăn chăn nuôi tại Hưng Yên, dự kiến sẽ cho ra thị trường lô hàng thương mại đầu tiên vào tháng 6/2015.
Bích Diệp
Viết bình luận