Một số điển hình sản xuất giỏi ở Lâm Đồng

Những năm trở lại đây, phong trào nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi ở Lâm Đồng phát triển mạnh mẽ. Nhiều trang trại, gia trại được phát triển và mở rộng, các mô hình trồng trọt, chăn nuôi hoặc kết hợp trồng trọt với chăn nuôi cho thu nhập trên 50 triệu đồng/ha/năm trở nên khá phổ biến ở nhiều địa phương. 


Nổi bật trong các phong trào sản xuất có các hộ như gia đình anh Bùi Văn Sĩ, phường 11, thành phố Đà Lạt với diện tích 3 ha đất canh tác trong đó có 2 ha chuyên trồng hoa và 1 ha 
trồng rau theo hướng sản xuất ứng dụngnông nghiệp công nghệ cao, trồng một số chủng loại hoa như: cúc, cẩm chướng, ly ly, Cát tường… hàng năm sau khi trừ hết chi phí còn thu về hơn 600 triệu đồng. Hộ ông Trần Đức Quang ở phường 9, thành phố Đà Lạt với diện tích trồng rau chỉ là 0,4 ha, sản xuất theo mô hình rau an toàn, tạo công ăn việc làm ổn định cho nhiều lao động, tổng thu nhập của gia đình mỗi năm 250 triệu đồng. Ngoài ra, ông còn giúp cho hội viên nông dân thiếu vốn mượn tiền không lấy lãi để phát triển sản xuất...



Đến các huyện phía nam của tỉnh Lâm Đồng - mảnh đất mà năm nào bà con nông dân cũng đối mặt với lũ lụt, giờ đây thay da đổi thịt do người dân vượt lên khó khăn, trở thành những hộ giàu có như gia đình ông Nguyễn Hữu Thu, ở xã Đạ Kho, huyện Đạ Tẻh, đang canh tác trên diện tích 16 ha theo mô hình trồng cao su, mía thu lãi mỗi năm gần 1 tỷ đồng, tạo việc làm thường xuyên cho 8 lao động có công ăn việc làm với mức bình quân 1,2 triệu đồng/người/tháng. Hộ anh Đàm Công Hảo, thị trấn Madaguôi - là người đầu tiên đưa mô hình trồng nấm về vùng đất phía nam này. Hiện nay, anh Hảo có 4 nhà xưởng sản xuất, mỗi đợt anh nuôi trồng 60.000 bịch nấm các loại. Sau khi thu hoạch, trừ chi phí khấu hao nhà xưởng, điện nước, công nhân, vật tư nguyên liệu ban đầu, bình quân mỗi năm anh thu được từ 250 đến 300 triệu đồng tiền lãi.


Trên lĩnh vực ngành nghề, tiểu thủ công nghiệp - dịch vụ, hộ nông dân Đinh Văn Minh, xã Lộc Quảng – Bảo Lâm, khi nhận thấy thời hoàng kim của cây cà phê đã qua, nếu cứ tiếp tục theo đuổi độc canh một loại cây trồng thì hiệu quả kinh tế không cao. Từ suy nghĩ đó, khoảng giữa năm 2003-2004, anh Minh quyết định chuyển một phần diện tích sang phát triển mô hình trồng chanh dây. Ban đầu, anh trồng thử 2 sào, với giá ổn định (5-7 ngàn đồng/kg) đem lại hiệu quả kinh tế cao nên anh quyết định phát triển mạnh mô hình này thêm 3 ha nữa. 


Ban đầu anh Minh trồng chanh dây chỉ bán cho thương lái, sau một thời gian tìm hiểu thị trường và được bạn hàng quan tâm, anh quyết định chuyển sang làm đại lý thu mua chanh dây của nông dân và xây dựng xưởng sơ chế và bảo quản sản phẩm để ký hợp đồng xuất bán cho các công ty trong và ngoài nước. Hàng năm, sau khi trừ mọi chi phí anh thu lãi hơn 1 tỷ đồng từ trồng chanh dây và làm dịch vụ từ cơ sở chế biến này. Để có nguồn sản phẩm dồi dào, ngoài 3 ha chanh dây của mình anh Minh còn ứng ra gần 200 triệu đồng cho cho 20 hộ thiếu vốn sản xuất trồng 10 ha chanh dây khác…


Bao Nong Nghiep Viet Nam 

Viết bình luận