Mùa hoa đặc sản thơm ngào ngạt, nông dân Hà Tĩnh tiết lộ bí quyết thụ phấn "bách phát bách trúng"
Thời điểm này, các hộ dân trồng bưởi Phúc Trạch tại huyện miền núi Hương Khê (tỉnh Hà Tĩnh) tập trung thụ phấn loài cây đặc sản giúp tăng khả năng đậu, chất lượng quả tốt hơn.
Thủ phủ cây bưởi Phúc Trạch
Bưởi Phúc Trạch là cây trồng chủ lực, phát triển kinh tế cao tại huyện Hương Khê (tỉnh Hà Tĩnh). Hiện nay, trên địa bàn huyện có tổng diện tích khoảng 2.700 ha trồng bưởi Phúc Trạch, trong đó có hơn 1.000 ha đã cho quả, ước tính năng suất đạt khoảng 21.000 tấn/năm.
Được xem là loại cây đặc sản, bưởi Phúc Trạch được trồng nhiều tại các xã như: Phúc Trạch, Hương Trạch, Hương Đô, Lộc Yên... huyện Hương Khê (Hà Tĩnh), bưởi Phúc Trạch dễ trồng, thích hợp với khu vực đồi núi, nên được xem là cây phát triển kinh tế khá tại địa phương.
Tại xã Phúc Trạch, huyện Hương Khê (được xem là thủ phủ trồng bưởi Phúc Trạch) có hơn 1.000 hộ trồng bưởi Phúc Trạch với diện tích trên 430 ha (diện tích cho quả trên 350 ha). Bưởi Phúc Trạch là loại cây phát triển chủ lực của địa phương, góp phần xóa đói giảm nghèo, tăng trưởng kinh tế vùng nông thôn.
Đang bận rộn thụ phấn cho hơn 300 gốc bưởi Phúc Trạch của gia đình, bà Đinh Thị Thanh, Sn 1970, trú tại thôn Phú Lập, xã Hương Trạch, huyện Hương Khê (Hà Tĩnh), cho biết: "Công việc thụ phấn thủ công giúp bưởi Phúc Trạch tăng khả năng đậu quả. Nếu không thụ phấn, quả chỉ đạt khoảng 20-30%, sau khi thụ phấn cây bưởi phúc trạch cho tỉ lệ quả cao gấp 2-3 lần.
Nhờ phương pháp này mà hơn 300 gốc bưởi Phúc Trạch của gia đình tôi phát triển tốt, đạt năng suất 1,5 vạn quả, sau khi trừ mọi chi phí gia đình tôi bỏ túi hơn 200 triệu/năm.
Chúng tôi dùng hoa bưởi chua để thụ phấn giúp cây bưởi Phúc Trạch, vì phấn của hoa bưởi chua giúp tỉ lệ đậu quả cao, chất lượng tốt hơn. Khoảng năm 2017, có đoàn cơ quan chức năng về tập huấn, hướng dẫn kỹ thuật và từ đó cây đạt kết quả cao, trước đây không thụ phấn quả đậu thấp".
"Công việc thụ phấn hoa nhìn đơn giản nhưng cũng rất vất vã. Để kịp tiến độ cho quả nên chúng tôi phải tranh thủ làm cả ngày. Cả ngày phải đứng ngước nhìn hoa để thụ phấn cho từng bông nên tối về cả người tôi mỏi nhừ, đau chân, đau cổ… Trung bình mỗi ngày với 3 người làm, gia đình tôi thụ phấn được khoảng 20 cây/ngày"- bà Thanh nói.
Theo bà Thanh, năm này hoa bưởi ra muộn hơn so với mọi năm. Các năm trước hoa bưởi nở sớm (trước Tết Nguyên Đán) và đều hơn, năm nay gần hết tháng Giêng gia đình bà mới bắt đầu công việc, hoa năm nay nở lác đác từng đợt chứ đồng loạt.
Do số lượng cây bưởi Phúc Trạch lớn, thời gian thụ phấn ngắn nên bà con nông dân đã hỗ trợ nhau trong công việc giúp cây bưởi phát triển đúng thời vụ, đạt năng suất cao.
Bà Trần Thị Oanh, trú tại thôn Phú Lập, xã Hương Trạch, huyện Hương Khê (Hà Tĩnh) nói: "Do thời gian thụ phấn cho hoa bưởi ngắn, số lượng cây bưởi nhiều nên nông dân chúng tôi cùng nhau hỗ trợ nhau trong công việc sản xuất nông nghiệp. Gia đình tôi diện tích trồng bưởi ít, gia đình đông người nên tôi sang nhà bà Thanh để hỗ trợ. Hoa bưởi nở rải rác trong khoảng thời gian 1 tháng, chúng tôi lựa chọn những bông hoa có độ nở khoảng 70-80% để thụ phấn nên ngày nào cũng phải đi làm.
Mùa thụ phấn cho "đệ nhất bưởi"
Cuối tháng 2, đầu tháng 3 hàng năm, người dân trồng bưởi Phúc Trạch tại huyện Hương Khê (Hà Tĩnh) bận rộn ra vườn "se duyên" cho giống bưởi đặc sản giúp loại cây này tăng khả năng đậu, chất lượng quả tốt hơn.
"Khi cây bắt đầu đậu quả, nhìn vào độ phát triển của cây mà chúng tôi quyết định để lại bao nhiêu quả. Ví dụ như cây này hơn 6 năm tuổi, cây cho khoảng hơn 100 quả thì tỉa còn hơn 80 quả/cây. Việc tỉa bớt những quả xấu, hình dạng méo mó giúp cây phát triển tốt, quả cho chất lượng cao" - bà Trần Thị Oanh, bật mí.
Để thụ phấn cho bưởi người dân dùng 1 sào tre dài từ 2-3m, đầu sào tre gắn hoa bưởi chua để thụ phấn cho bưởi Phúc Trạch, những hoa thấp thì người dân dùng tay để thụ phấn. Theo người dân địa phương, phấn hoa bưởi chua giúp bưởi Phúc Trạch đậu quả cao, cho chất lượng tốt.
Trao đổi với PV Dân Việt, ông Phan Anh Thái - Phó Chủ tịch UBND xã Hương Trạch, huyện Hương Khê, cho biết: "Hiện nay toàn xã Phúc Trạch có hơn 1.000 hộ trồng bưởi Phúc Trạch với diện tích trên 430 ha (diện tích cho quả trên 350 ha). Bưởi Phúc Trạch là loại cây phát triển chủ lực của địa phương, góp phần xóa đói giảm nghèo, tăng trưởng kinh tế vùng nông thôn.
Bắt đầu từ tháng 2-3 Al hằng năm là mùa thụ phấn hoa bưởi, công việc này đòi hỏi nhiều nhân lực để hoàn thành. Tuy nhiên, năm 2022 do thời thời tiết diễn biến phức tạp, đầu mùa có rét đậm, rét hại ảnh hưởng đến lịch vụ mùa của bà con. UBND xã Hương Trạch đã phối hợp với Trung tâm Ứng dụng khoa học kỹ thuật và Chuyển giao công nghệ huyện đã có nhiều buổi tập huấn, hướng dẫn bà con trong việc thụ phấn cũng như chăm sóc cây.
"Hương Thuỷ có hơn 1.300 hộ dân, trong đó các gia đình trồng bưởi Phúc Trạch chiếm 2/3 hộ dân với diện tích trồng là 210 ha. Mỗi năm sản lượng bưởi đạt gần 2.200 tấn thu về gần 45 tỷ đồng/năm. Những ngày này đang là thời gian thụ phấn cho hoa bưởi, công đoạn này quyết định rất lớn đến năng suất, chất lượng của bưởi. Chúng tôi đã đi khảo sát, tìm nguồn cây bưởi chua giúp bà con đủ lượng hoa giống để thụ phấn" - ông Đỗ Công Anh - Phó Chủ tịch UBND xã Hương Thuỷ, huyện Hương Khê (tỉnh Hà Tĩnh) nói.
Viết bình luận