Khác với giá lên xuống thất thường của các loại mít thường thấy, mít ruột đỏ luôn bình ổn ở mức cao và đem về lợi nhuận hàng trăm triệu cho người nông dân mỗi năm.
Vừa chỉ mới ra trường nhưng chàng trai trẻ Nguyễn Tấn Sang (sinh năm 2000, ngụ huyện Phong Điền, thành phố Cần Thơ) đã có mức thu nhập đáng mơ ước với nhiều bạn bè đồng trang lứa. Tốt nghiệp cử nhân chuyên ngành Công nghệ thông tin Trường Đại học Cần Thơ, Tấn Sang quyết định rẽ ngang làm nghề không chuyên, đó là làm nông.
Chàng kỹ sư IT 10X gác bằng về làm nông và trồng giống quả mới lạ.
Sinh ra trong ra đình có truyền thống làm nông nhưng thấy thế hệ cha mẹ trồng lúa, trồng nhãn mà cho lợi nhuận không cao, Sang thuyết phục cả gia đình chuyển đổi cây trồng. Tình cờ được ăn thử giống mít ruột đỏ của Indonesia, Sang thấy mít có vị ngon lạ, màu sắc đẹp mắt lại có giá thành cao, anh chàng cùng gia đình bắt tay vào tìm tòi và trồng thử loại quả độc đáo này.
Ban đầu, Sang nhập 500 cây mít ruột đỏ giống với giá 200.000 đồng/cây về trồng trên diện tích 1 hecta. Sau đó, Sang và cha tiếp tục nhân giống, trồng thêm 500 cây trên diện tích 1,4 hecta. Đến nay, tất cả đều đang cho trái.
Mít trồng khoảng 2 năm cho thu hoạch. Mỗi trái mít nặng từ 8 - 17 kg. Ưu điểm giống mít này khả năng sinh trưởng vượt trội, sản lượng cao hơn giống mít thông thường, kiểm soát được tỉ lệ xơ đen, chất lượng múi có độ ngọt cao hơn, giòn hơn, thời gian bảo quản lâu hơn, từ 3 - 5 ngày…
Mít có màu đẹp mắt, ăn có vị ngọt thanh và rất thơm.
Hiện nay mít ruột đỏ đang có giá thành cao hơn nhiều so mặt bằng chung các giống mít khác. Theo tìm hiểu, giá mít ruột đỏ cao nhất đã từ 32.000-34.000 đồng/kg được mua tại vườn đối với mít loại nhất, trái từ 9kg trở lên. Có thời điểm sốt giá, loại mít này còn dao động từ 60.000 - 80.000 đồng/kg. Theo nhận định của các vựa mua mít ruột đỏ, trong thời gian tới, giá mít này còn tiếp tục tăng.
Để tạo đầu ra cho mít, Sang tận dụng ngành học mình để đưa sản phẩm lên các sàn thương mại điện tử. Nhờ đó, tạo đầu ra ổn định. Vụ thu hoạch năm ngoái, khấu trừ các chi phí, Sang còn lãi gần 500 triệu đồng. Từ số tiền này, anh chàng lại tiếp tục mở rộng vườn trồng thêm cây, đồng thời đầu tư để nhân giống cây con, bán cho các cơ sở muốn trồng mít ruột đỏ.
Còn ở xã Vị Đông, huyện Vị Thủy, tỉnh Hậu Giang, lão nông Nguyễn Minh Trắng (70 tuổi) được biết đến như "ông tổ" của cây mít ruột đỏ trong vùng. Ông Trắng là người đầu tiên đưa giống mít lạ này về địa phương trồng, cũng là người bán cây mít giống cho bà con.
Ông Trắng bên vườn mít đang đến vụ thu hoạch của mình.
“Khi chín, bổ ra sẽ thấy phần ruột có màu đỏ gạch nung trông rất bắt mắt, phần cơm dày, hương vị ngọt giòn, thơm dịu pha lẫn vị chua nhẹ khi nếm, nhiều người còn ví vị của nó giống vani. Ruột mít đỏ này để càng để lâu thì múi mít càng có vị ngọt và mềm hơn, lúc này ngửi như mùi dầu chuối”, ông Trắng cho biết.
Cây cho quả quanh năm, sai quả và quả đạt trọng lượng cao, từ 7-15 kg/quả. Khi quả mít đến độ già, ông Trắng sẽ trùm bao lưới tránh sâu bệnh. Trên diện tích 1,5 ha mít đang cho thu hoạch, mỗi vụ ông Trắng có thể thu đến 4 tấn quả. So với các giống cây ăn trái khác thì mít ruột đỏ ông Trắng đang trồng có triển vọng rất nhiều. Nếu như mít thái liên tục rớt giá thì mít ruột đỏ luôn có giá ổn định ở mức cao.
Khác với mức giá lên xuống thất thường của mít thái thì mít ruột đỏ luôn bình ổn ở mức cao.
Hiện diện tích mít ruột đỏ ở đồng bằng sông Cửu Long tăng mạnh và bắt đầu lan rộng ra các tỉnh Bắc Trung Bộ. Các cơ sở làm cây giống cũng tăng cường sản xuất, ưu tiên số lượng cho loại cây này. Anh Nguyễn Quý Phương, tổ dân phố Hữu Nghị, thị trấn Nông trường Việt Trung, huyện Bố Trạch, tỉnh Quảng Bình) trồng gần 800 cây mít ruột đỏ trên vùng đất gò đồi. Sau 3 năm kể từ khi trồng, cây mít ruột đỏ cho trái bói, quả nào cũng to bự, cho thu nhập hàng trăm triệu đồng.
“Loại mít ruột đỏ Indo này đang rất hiếm người trồng. Để giống mít này có giá cao như hiện nay, nông dân phải chăm chút từ khâu lấy cây giống, kiểm soát kỹ thuật cây trồng và bao tiêu đầu ra sản phẩm. Giống quả này rất hợp với thời tiết nắng ở Quảng Bình", anh Phương chia sẻ.
Quá trình trồng, cây mít ruột đỏ dễ thuần, ít sâu bệnh mà lại không kén đất. Sau khi thu hoạch, anh Phương lựa những trái nào to, đẹp, đều thì đem bán, trái nào hư thì cho bà con trong xã làm thức ăn chăn nuôi.
Hiện nay, vườn mít của anh đang cho ra trái đều, trung bình 12kg/trái. Ruột mít có màu đẹp, ăn giòn và thơm, vì vậy mà hút hàng trên thị trường. Anh cho biết thêm: “Đầu ra sản phẩm đã hiếm, giá thị trường phân khúc lại cao, cộng thêm quy trình trồng tuân thủ kỹ thuật trồng sẽ tăng thêm được giá bán".
Sau 3 năm trồng, chăm sóc, hiện mô hình mít ruột đỏ của anh Phương đang cho thu hoạch, ước đạt 10 tấn mít/2ha và được thương lái đến thu mua tận vườn với giá 10.000 đồng/kg. Một phần trái mít ruột đỏ anh bán cho người dân địa phương với giá từ 30.000 - 35.000 đồng/kg. Thu nhập trong vụ mít này mà anh Phương mang về khoảng 200 triệu đồng.
Viết bình luận