Trong chuyến khảo sát thực tế, ông Đặng Quốc Khánh, Chủ tịch UBND tỉnh Hà Tĩnh yêu cầu ngừng gieo trồng giống lúa Thiên ưu 8 trong vụ hè tới, để đề phòng thiệt hại kép.
Trước diễn biến phức tạp của bệnh đạo ôn cổ bông trên lúa, ngày 14/5, đoàn lãnh đạo tỉnh Hà Tĩnh do ông Lê Đình Sơn, Bí thư Tỉnh ủy và ông Đặng Quốc Khánh, Chủ tịch UBND tỉnh đã trực tiếp về cơ sở kiểm tra, nắm bắt tình hình để có phương án hỗ trợ kịp thời cho người dân.
Đứng trước cánh đồng tại xã Xuân Lộc, huyện Can Lộc, Chủ tịch UBND tỉnh Hà Tĩnh khẳng định: “Nhìn giống lúa Khang dân phát triển rất tốt, hạt trĩu bông, còn riêng Thiên ưu 8 thì lại nhiễm bệnh, hạt xẹp lép nên chắc chắn là chất lượng giống không đảm bảo”.
Chủ tịch UBND tỉnh Hà Tĩnh (đứng giữa) cho rằng, nguyên nhân bệnh đạo ôn cổ bông trên lúa là do giống kém chất lượng. |
Ông Đặng Quốc Khánh yêu cầu sở Nông nghiệp & Phát triển nông thôn (NN&PTNT) khuyến cáo người dân dừng ngay việc triển khai gieo trồng giống Thiên ưu 8 trong vụ hè sắp tới; đồng thời, mời công ty Cổ phân giống Trung ương về làm việc, để làm rõ những vấn đề liên quan đến chất lượng giống lúa mà đơn vị đã cung cấp.
Trước đó, trong cuộc trao đổi với báo Người Đưa Tin, ông Nguyễn Tuấn Thanh, Phó Giám đốc sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) Hà Tĩnh khẳng định, nguyên nhân khiến bệnh đạo ôn cổ bông trên lúa phát triển ở diện rộng là do thời tiết. Theo ông Thanh, giai đoạn lúa trổ bông gặp phải thời tiết mưa ẩm, khi lên đòng, sợi nấm và bào tử nấm đạo ôn đã tấn công cây lúa. Do quan sát bằng mắt thường không thể nhìn thấy được nên bà con đã không có phương án phòng trừ, khi dấu hiệu bệnh đã rõ ràng rồi, lúc đấy phun thuốc cũng không có hiệu quả nữa.
“Thiên ưu 8 là giống lúa chủ lực của tỉnh, đã được đưa vào gieo trồng thử nghiệm trước khi triển khai đồng loạt. Đây là giống cho năng suất cao, trung bình đạt 60 tạ/ha. Vụ hè sắp tới, chúng tôi vẫn tiếp tục cho triển khai gieo trồng giống lúa này, nhưng sẽ chú ý kiểm tra cây mạ”, ông Thanh nhấn mạnh.
Ngoài ông Thanh, trước đó, trao đổi với PV, nhiều cán bộ công tác trong lĩnh vực nông nghiệp cũng đã có cùng nhận định, nguyên nhân bệnh đạo ôn cổ bông trên lúa là do nhiều yếu tố cộng hưởng nhưng chủ yếu là do thời tiết.
Tuy nhiên, thẳng thắn bác bỏ nguyên nhân này, trong cuộc họp sáng 14/5 diễn ra tại Văn phòng UBND tỉnh, ông Lê Đình Sơn, Bí thư Tỉnh ủy tỉnh Hà Tĩnh nhấn mạnh: “Nếu nói thời tiết ảnh hưởng dẫn đến lúa nhiễm bệnh, thử tìm hiểu xem các tỉnh khác cũng gieo trồng Thiên ưu 8 nhưng có bị nhiễm bệnh không? Thời tiết miền Trung năm nào cũng na ná nhau. Chứ mất mùa đổ lỗi cho thời tiết là không được”.
“Tôi tìm hiểu ở địa phương, người dân đều cho rằng, nguyên nhân chính từ giống. Bởi qua thực tế lúa nếp, Khang dân phát triển rất tốt, mỗi Thiên ưu 8 là nhiễm bệnh nặng. Phải xem xét kỹ về nguồn giống hỗ trợ từ Trung ương vào năm 2016, giống trôi nổi trên thị trường có phải do không đảm bảo an toàn hay do biến đổi gen?”, ông Sơn nói.
Người dân điêu đứng mất trắng vụ mùa đông xuân |
Theo tìm hiểu, vụ đông xuân năm nay, tỉnh Hà Tĩnh được hỗ trợ 500 tấn giống lúa từ nguồn dự trữ Quốc gia cho các vùng bị ảnh hưởng lũ lụt. Trong đó, Thiên ưu 8 là 350 tấn, số còn lại là các giống lúa khác như: Khang dân, Bắc thơm....
Được biết, diện tích gieo trồng giống Thiên ưu 8 của toàn tỉnh được lấy từ nguồn hỗ trợ của Trung ương, mua ngoài thị trường, còn lại là giống do người dân dự trữ.
Thực tế cho thấy, diện tích gieo trồng lúa Thiên ưu 8 đều bị nhiễm bệnh đạo ôn cổ bông cao hơn rất nhiều so với các loại giống khác. Tính đến thời điểm hiện tại, toàn tỉnh Hà Tĩnh đã có 10.636ha/58.785ha diện tích lúa vụ đông xuân bị nhiễm bệnh. Trong đó, giống Thiên ưu 8 bị nhiễm hơn 9.000 ha, số còn lại cũng bị nhưng không đáng kể. Thiệt hại nặng nề nhất là ở các huyện như: Cẩm Xuyên, Thạch Hà, Can Lộc, Đức Thọ… dự kiến, con số này vẫn còn tiếp tục tăng.
Đáng nói, nhiều người dân cho biết, diện tích gieo trồng Thiên ưu 8 từ giống của gia đình thì không hề bị bệnh, nhưng cùng loại giống này mua từ hợp tác xã hoặc ngoài thị trường lại bị nhiễm đạo ôn cổ bông rất nặng nề. Điều này, khiến người dân nghi ngờ, chất lượng giống Thiên ưu 8 từ nguồn hỗ trợ của Trung ương và mua ngoài không đảm bảo.
Liên quan vấn đề này, lãnh đạo tỉnh Hà Tĩnh đã yêu cầu các cơ quan chức năng phải có đánh giá đúng thực trạng; làm rõ từng loại giống, từng thời vụ khác nhau để có đánh giá chính xác mức độ thiệt hại và đặc biệt là làm rõ trách nhiệm thuộc về ai trong cả quá trình xây dựng đề án, thu mua giống đến khâu sản xuất? Cơ quan chức năng đã thực sự sát sao với thực tế, với người dân hay chưa?
Viết bình luận