Phát triển du lịch nông nghiệp, nông thôn gắn với sản xuất nông nghiệp là một giải pháp để nâng cao giá trị của hoạt động sản xuất nông nghiệp và nâng cao thu nhập cho người dân nông thôn. Tuy nhiên hiện nay, loại hình du lịch này chưa phát triển đồng bộ và còn gặp nhiều khó khăn.
Làm du lịch nông nghiệp, nông thôn có thực sự là dễ dàng?
Những ngày đầu khi mới bước chân vào làm du lịch nông nghiệp, ông Trần Đình Én xã Thanh Hải, huyện Lục Ngạn, tỉnh Bắc Giang không khỏi ngỡ ngàng.
"Gia đình "chân ướt chân ráo" bước ra làm du lịch khiến tôi rất bận tâm, lo lắng vì việc làm hoàn toàn mới. Trước đây, bưởi được gia đình thu hái rồi bán cho các nhà buôn đến thu mua mang ra thành phố. Nhưng hai năm trở lại đây, gia đình đã tổ chức lại sản xuất, quy hoạch chỉnh trang vườn tược, bố trí thêm các lối đi và ký kết hợp tác với một số công ty du lịch để làm du lịch trải nghiệm", ông Én nói.
Ông Én cho biết, từ khi liên kết làm du lịch, có nhiều đoàn khách du lịch đến vườn nhà ông tham quan, chụp ảnh, trải nghiệm các hoạt động chăm sóc, thu hái quả và thưởng thức những múi bưởi căng mọng ngay tại vườn.
Bưởi nhà ông bán cho khách du lịch cũng có giá cao hơn bán ở chợ từ 5.000 - 10.000 đồng/quả.
"Cái khó của làm du lịch nông nghiệp, nông thôn nằm ở vấn đề dịch vụ du lịch và kiến thức chuyên môn và loại hình du lịch này. Ngoài việc tận dụng những lợi thế mà thiên nhiên ban tặng cho địa phương thì cách phục vụ, cách giao tiếp với khách du lịch, giới thiệu sản phẩm nông nghiệp của gia đình và địa phương đến với họ cũng là một trở ngại lớn", ông Én nêu một thực tế.
Trong khi đó, ông Giáp Hồng Đăng, xã Sơn Hải, huyện Lục Ngạn, tỉnh Bắc Giang chia sẻ: Du lịch nông nghiệp, nông thôn đang là một loại hình du lịch mới thu hút được sự quan tâm của nhiều du khách trong và ngoài nước. Điều này có thể thấy rõ trong những năm gần đây, những địa phương có ngành nông nghiệp phát triển đã tạo ra các sản phẩm du lịch sinh thái vườn, du lịch trải nghiệm làng quê, khám phá văn hóa cộng đồng… góp phần nâng cao các giá trị của hoạt động sản xuất nông nghiệp và thu nhập cho người dân nông thôn.
Cùng với sự phát triển của hoạt động du lịch nông nghiệp, nông thôn, người nông dân trở thành trung tâm khi vừa làm tròn vai trò sản xuất nông nghiệp tạo ra sản phẩm, vừa trở thành hướng dẫn viên du lịch phục vụ và giới thiệu đặc sắc văn hóa vùng miền đến với du khách thập phương.
Tuy nhiên, mô hình du lịch nông nghiệp, nông thôn này vẫn còn tồn tại nhiều hạn chế như người dân chưa có kiến thức về làm du lịch, hoạt động du lịch vẫn chỉ theo hướng tự phát chưa có mô hình bài bản nào.
Cùng với đó, vấn đề quy hoạch, bảo tồn các làng nghề truyền thống, mô hình nhà vườn nông nghiệp gắn với du lịch là một việc khó khăn đòi hỏi các cấp lãnh đạo cần đưa ra chính sách, quyết sách trong việc phát triển địa phương, đặc biệt cho việc phát triển du lịch nông nghiệp truyền thống theo hướng bền vững gắn với sinh kế của người dân tầm nhìn lâu dài.
Cần đầu tư bài bản thúc đẩy hoạt động du lịch nông nghiệp, nông thôn
Vấn đề phát triển du lịch nông nghiệp, nông thôn được xác định là một giải pháp thúc đẩy xây dựng nông thôn mới bền vững cho các địa phương, đồng thời nông thôn mới là nền tảng hỗ trợ cho sự phát triển đa dạng, chất lượng, ổn định của điểm đến du lịch.
Phát triển du lịch nông nghiệp hiệu quả sẽ góp phần thực hiện đồng thời hai mục tiêu là đưa ngành du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn và thực hiện mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới bền vững.
Là địa phương điển hình trong phát triển mô hình du lịch nông nghiệp, nông thôn, ông Nguyễn Thế Thi, Phó Chủ tịch UBND huyện Lục Ngạn, tỉnh Bắc Giang nói: " Lục Ngạn có nhiều di tích, cảnh quan có thể kết nối để tổ chức các tour du lịch phong phú như hồ Cấm Sơn, hồ Khuôn Thần, chùa Am Vãi hay làng nghề truyền thống Nam Dương.
Đặc biệt. vào mùa trái ngọt khi thu hoạch vải thiều vào các tháng 5, tháng 6 hay mùa cam, bưởi, táo vào các tháng 10 đến tháng 12 hằng năm…tiềm năng lớn cho hoạt động phát triển du lịch nông nghiệp. Tuy nhiên, việc phát triển mô hình du lịch nông nghiệp, nông thôn chưa thực sự đạt được hiệu quả như mong muốn.
Hầu hết hoạt động du lịch trải nghiệm còn mang tính tự phát, chưa thực sự bài bản, người nông dân chưa được trang bị đầy đủ kiến thức về làm du lịch cũng như cách phục vụ và mô hình du lịch vẫn chưa thực sự chuyên nghiệp, dịch vụ du lịch chưa có sự đầu tư bài bản".
Ngoài ra, vấn đề giao thông, hoạt động đi lại mùa cao điểm và cơ sợ hạ tầng còn nghèo nàn cũng là một trong những trở ngại cho việc tổ chức tour du lịch trải nghiệm của không chỉ riêng huyện Lục Ngạn, mà ở một số địa phương khác của tỉnh Bắc Giang.
Viết bình luận