Nhiều diện tích hoa tại Đà Lạt (Lâm Đồng) gần đây bỗng chết bất thường, nhà vườn buộc phải nhổ và đốt tiêu hủy, chấp nhận một mùa rau, hoa mất trắng.
Ngày 12/5, vợ chồng anh Nguyễn Văn Thắng, ngụ phường 8, TP Đà Lạt buồn bã ra vườn nhổ bỏ phần diện tích hoa cúc mắc bệnh còn lại, với khoảng 1.000 m². Những ngày trước đó, vợ chồng anh cũng đã phải nhổ bỏ khoảng 2.000 m² hoa cúc sắp được thu hoạch.
Theo anh Thắng, khoảng 2 tháng trước gia đình anh trồng 3.000 m² hoa cúc trong nhà kính. Cách đây 2 tuần, khi vườn cúc đạt chiều cao khoảng 60 cm, chuẩn bị đơm nụ thì xuất hiện bệnh và lây lan rất nhanh.
Nhiều gia đình tại Đà Lạt phải nhổ bỏ toàn bộ hoa cúc vì dịch bệnh gây hại. Ảnh: Thạch Thảo.
Anh Thắng đã sử dụng nhiều loại thuốc để phun trừ khử, tiêu diệt mầm bệnh nhưng hiệu quả đem lại không cao, cây hoa tiếp tục chết.
Triệu chứng bệnh bắt đầu là xuất hiện các sọc màu đen ở thân cây, khi bị nặng thì thâm đen cả đoạn thân cây, khô và thối biểu bì, các lá ngọn nhỏ lại, méo mó, lốm đốm vàng, một thời gian ngắn sau thì cây chết. Do không thể cứu vãn nên vợ chồng anh phải nhổ bỏ toàn bộ diện tích hoa cúc này để xử lý đất chuyển sang trồng loại hoa màu khác, chấp nhận một vụ hoa mất trắng.
Cạnh vườn của gia đình anh Thắng là 2.000 m² hoa cúc gần 2 tháng tuổi của hộ ông Nguyễn Văn Nam.
Mặc dù chưa đến mức phải nhổ bỏ nhưng vườn hoa này cũng đang có những triệu trứng mắc bệnh khiến chủ nhân hết sức lo lắng. Theo ông Nam, năm nay thời tiết Đà Lạt rất thất thường, mưa nắng khác hẳn những năm trước khiến dịch bệnh xuất hiện tràn lan trên hoa cúc.
Nhà nông vẫn chưa xác định được nguyên căn và loại thuốc để đặc trị.
Thống kê sơ bộ của Hiệp hội hoa Đà Lạt, đến nay địa phương này có 100 ha hoa nhiễm bệnh, trong đó 80 ha nhiễm nặng. Đặc biệt, loại bệnh này gây hại nặng trên giống cúc đóa và rải rác trên các giống cúc saphir, kim cương trắng, xanh Thái, vàng Thái….
Xà lách cô rôn cũng đang mắc bệnh lạ khiến nhà vườn lo lắng.
Chung số phận với hoa cúc, nhiều gia đình trồng rau cô rôn tại phường 7, 8, 11… thành phố Đà Lạt cũng đang lâm vào cảnh mất ăn mất ngủ vì dịch bệnh gây hại vừa xuất hiện trên rau. Các triệu chứng ban đầu của loại bệnh trên rau cô rôn là ị vàng lá, cháy mép lá, còi cọc và chết yểu. Nhiều vườn rau diện tính bị chết tới 70% khiến các nông hộ hết sức lo lắng.
Ông Đỗ Đức Thuyết, đường Thánh Mẫu, phường 7, có 1.500 m² rau cô rôn đã sắp cho thu hoạch. Cách đây khoảng 10 ngày vườn rau đang tươi xanh thì bỗng chết hàng loạt.
Theo ông Đỗ Đức Thuyết, đây là lần đầu tiên rau cô rôn mắc bệnh này. Do vậy mà những gia đình trồng rau lúng túng, không biết cách xử lý nên rất cần sự vào cuộc của ngành chức năng.
Một số nhà vườn tại Đà Lạt cho biết đây cũng là căn bệnh lạ, các gia đình có diện tích rau lâm bệnh vẫn chưa xác định được nguyên nhân cũng như biện pháp phòng trừ.
Ông Lại Thế Hưng, Chi cục trưởng chi Cục Bảo vệ thực vật Lâm Đồng, cho biết hiện tượng hoa cúc bị héo vàng xuất hiện khá phổ biến tại phường 8, 9, 11, 12, xã Xuân Thọ, TP Đà Lạt.
Bệnh gây hại các giai đoạn sinh trưởng của cây từ lúc mới trồng đến khi thu hoạch và có xu hướng ngày càng gia tăng. Người trồng cần nhổ bỏ và tiêu hủy toàn bộ cúc đã nhiễm bệnh để cắt đứt nguồn lây lan bệnh, không ươm giống cúc trên các khu vực đã bị nhiễm bệnh. Các vườn ươm chưa phát hiện triệu chứng bệnh cần theo dõi, nếu xuất hiện cây bị bệnh phải nhổ bỏ, tiêu hủy sớm…
Riêng loại bệnh mới xuất hiện trên rau cô rôn, Chi cục Bảo vệ thực vật Lâm Đồng đang xuống địa phương lấy mẫu bệnh đi phân tích, nhằm xác định nguyên nhân và sớm đưa các các biện pháp phòng trừ cho người dân.
Viết bình luận