Anh Huỳnh Công Chánh ở ấp Tân Trung, xã Tà Đảnh, huyện Tri Tôn (An Giang) trồng 6ha cam sành trên đất phèn, cùng với sản xuất lúa giống chất lượng cao, thu trên 1,2 tỷ đồng/năm.
Để SX thành công cam sành trên đất phèn, anh Chánh rất siêng năng và kiên trì bám trụ |
Anh Chánh kể, cách đây hơn chục năm anh sang xã Tà Đảnh mua 14ha đất để canh tác lúa. Mặc dù diện tích lớn nhưng lại là vùng đất trũng, phèn nặng, những năm đầu chỉ canh tác được 2 vụ lúa, thu nhập bấp bênh. Sau đó anh chuyển sang trồng cỏ nuôi bò, thu nhập có khá hơn nhưng giá cả lại không ổn định.
Sau nhiều năm chật vật chuyển đổi từ trồng lúa sang nuôi bò, cuối năm 2014, anh Chánh mạnh dạn cải tạo đất ruộng phát triển mô hình trồng cam sành. Cũng từ đây gia đình anh đã có cuộc sống ổn định hơn.
Anh Chánh nói, ban đầu chỉ mua cây cam sành về trồng thử khoảng 5 công. Thấy cây phát triển tốt và cho trái đều, anh mở rộng diện tích lên 6ha, với gần 25.000 gốc, tất cả đều cho trái. Năng suất bình quân đạt 6 tấn trái/công/năm. Với giá bán trung bình từ 18.000 – 20.000 đồng/kg cam sành nghịch vụ, ước một năm anh thu lãi khoảng 30 triệu đồng/công. Số đất còn lại anh tập trung sản xuất lúa giống chất lượng cao mỗi năm 3 vụ.
Anh Chánh cho biết thêm, muốn thành công ở vùng đất phèn này không phải dễ. Nhưng nếu đã xác định phải bám trụ và lập nghiệp thì phải có tính siêng năng, kiên trì. Ngoài ra còn phải biết sáng tạo, nhạy bén, dám nghĩ dám làm, và còn pha chút mạo hiểm nữa.
Muốn có thu nhập cao thì phải xử lý cây cam cho trái vụ nghịch để tránh cảnh thu hoạch rộ “được mùa rớt giá”. Cam sành vốn được mệnh danh là “cây nhà giàu”, vì vốn đầu tư ban đầu để trồng khá lớn, đối với vùng đất nhiễm phèn thì lại càng lớn hơn.
Để có vườn cam sành xanh tốt, trĩu quả như hôm nay, anh đã đầu tư khoảng 40 triệu đồng/công như làm đất, lên liếp, rửa phèn, xử lý phèn trong đất, san lắp bờ bao, trang bị hệ thống bơm tưới tự động và cây giống…
Ông Nguyễn Thành Kim, Chủ tịch UBND xã Tà Đảnh cho biết, anh Huỳnh Công Chánh là một nông dân chí thú làm ăn, biết lựa chọn cây trồng phù hợp để mang lại hiệu quả kinh tế cao. Mô hình trồng cam sành của anh đã mở ra hướng đi mới trong việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng ở địa phương. Với nông dân ở xã Tà Đảnh, để chuyển đổi theo mô hình trồng cam như của anh Chánh là rất khó, đòi hỏi chi phí ban đầu cao. Rất mong các ngành chức năng có giải pháp hỗ trợ, tạo điều kiện cho nông dân tiếp cận các nguồn vốn vay ưu đãi để bà con đầu tư chuyển đổi.
Hiện tại, vườn cam của anh Chánh lúc nào cũng có 8 lao động địa phương để phụ giúp anh chăm sóc cam, với mức lương 6 triệu đồng/người/tháng. Những lúc cao điểm có hơn 20 người làm việc tại vườn. Từ hiệu quả mang lại của vườn cam, một số hộ dân trong xã đã chủ động tìm đến học hỏi kinh nghiệm để áp dụng làm theo. |
Viết bình luận