Những năm qua, mô hình trồng cây ăn quả được nông dân trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa ưu tiên chọn lựa. Thế nhưng vẫn có những người táo bạo bỏ hàng chục tỷ đầu tư trồng gấc, sachi, cà gai leo. Trường hợp của anh Trần Sỹ Út ở xã Tân Ninh, huyện Triệu Sơn là ví dụ điển hình.
Thành quả từ sự cần cù
Nhắc đến nhân vật đặc biệt này, Trưởng phòng Nông nghiệp huyện Triệu Sơn, ông Lã Văn Lâm khẳng định chắc nịch: “Đó là người dám nghĩ dám làm, đầy táo bạo nhưng không kém phần sâu sắc. Nông dân chính hiệu đấy nhưng từng đường đi nước bước đều có sự tính toán hết sức kỹ lưỡng”.
Cà gai leo là cây trồng chủ lực với diện tích 20ha |
Nhâm nhi chén trà nóng, anh Trần Sỹ Út chậm rãi mở lời, mình thừa hưởng niềm đam mê nông nghiệp từ chính bậc thân sinh, cụ Trần Sỹ Chiến (83 tuổi). Thời điểm từ năm 1990 – 1991 của thế kỷ trước, toàn bộ khu đất “đầu hà” rộng hàng chục ha thuộc địa phận làng Giáp, xã Tân Ninh quanh năm ngập trong biển nước, bốn bề lau sậy chăng kín mít, ở không được canh tác không xong, thành thử dù chính quyền địa phương hết lần này lượt khác đứng ra vận động nhưng bà con chẳng đoái hoài gì đến.
Nhưng với cụ Chiến lại khác. Không ai nhận, cụ xung phong nhận rồi huy động nhân lực quyết khai hoang mở lối. Xong xuôi đâu đấy, một số ít diện tích cụ triển khai trồng lúa, phần còn lại trồng keo lá tràm, sau vài năm tích cực chăm bẵm tình hình khởi sắc thấy rõ, cả một vùng hoang hóa trước kia đã chuyển mình thành những đồi cây giá trị.
“Con nhà tông không giống lông cũng giống cánh”, nhận thấy tiềm năng to lớn từ vùng đất này, năm 2006 anh Út quyết định đấu thầu rồi mua sắm máy móc, ngày đêm miệt mài san ủi. Những năm bôn ba, rong ruổi khắp Nam chí Bắc trước đó mang lại cho anh vốn kinh nghiệm quý báu cùng tư duy nhậy bén. Thay vì chỉ trông chờ vào cây keo lá tràm, anh mạnh dạn áp dụng mô hình chăn nuôi quy mô trên 50 lợn nái cùng 800 lợn thịt. Chưa dừng lại, thấy cỏ dưới tán rừng tràm tươi tốt anh lại nảy ra ý tưởng nuôi trâu, ban đầu chỉ có chục con, sau 3 năm tổng đàn tăng gấp 5 lần.
Thực hiện xoay vòng dựa trên hình thức lấy ngắn nuôi dài, nhờ tính toán hợp lý nên lợi nhuận thu về ngày một lớn. Sau khi nhân rộng quy mô, anh Út bắt tay liên kết với Cty Thái Dương nuôi gia công 2.000 con lợn thịt, trên 60 con nái theo chu trình khép kín đồng bộ. Gia đình khấm khá đã đành, trang trại còn trực tiếp tạo công ăn việc làm cho hàng chục công nhân địa phương.
Mỗi năm anh Út thu đến 10 tấn gấc |
Bằng niềm đam mê và sự nỗ lực không ngừng, chỉ sau 10 năm anh Út đã gầy dựng cho mình một cơ ngơi đủ đầy mà bất kỳ ai cũng phải ngưỡng mộ. Tuy nhiên chừng đó là chưa đủ để nói lên hết “chất khùng” của con người này…
Quyết định táo bạo
Những năm trước, thực trạng người dân bỏ ruộng trên địa bàn tỉnh khá phổ biến. Triệu Sơn cũng không nằm ngoài xu thế đó, vì nhiều nguyên do khác nhau một bộ phận nông dân nơi đây không mặn mà canh tác, dần dà hình thành nên tâm lý chán nản, bỏ bê việc đồng áng.
Xót đất bỏ hoang, một số cán bộ địa chính xã Thái Hòa chủ động mở lời: “Chú nghiên cứu xem thế nào, đủ khả năng đầu tư địa phương sẽ tạo điều kiện giúp đỡ”. Nghe thế, anh Út đáp ngay: “Bà con trong xã ai làm được thì nên ưu tiên trước, trong trường hợp không có người nhận thì em sẽ vào. Nhưng em nói thẳng, đã triển khai là phải làm quy mô lớn”.
Biết chuyện, khắp làng trên xóm dưới bàn ra tán vào không ngớt. Người khen anh bạo dạn, dám đương đầu thử thách, cũng lắm kẻ buông lời dè bỉu, chê bai, cho rằng sung sướng không thích hưởng lại rảnh việc đi ôm của nợ vào thân. Nghĩ cũng đúng, công việc kinh doanh đang ăn nên làm ra, giờ đùng đùng ôm cả đống tiền “ném qua cửa sổ” thì họa chăng chỉ có kẻ điên mới nghĩ đến.
Cây sachi dù mới triển khai nhưng lứa đầu tiên mang về doanh thu trên dưới 1 tỷ đồng |
Chẳng đâu xa, đến như chị Lê Thị Phương, người bao năm đầu kề gối ấp với anh cũng thấy hoang mang tột độ. “Nghe anh nói sẽ trồng cây dược liệu chứ bản thân tôi cũng chưa hình dung đầu cua tai nheo ra sao. Diện tích này trước kia người dân trồng lúa, địa hình không thuận lợi cho việc dẫn nước và tiêu úng nên năng suất rất thấp, giờ cải tạo lại kinh phí vô cùng tốn kém, đó là còn chưa nói đến yếu tố thị trường”, chị Phương kể.
Trao đổi về vấn đề này, anh Út thẳng thắn thừa nhận chính bản thân mình nhiều lúc cũng cảm thấy đắn đo. Nhưng quá trình tìm hiểu, liên hệ và được những người đi trước “mách nước” đã giúp anh thêm phần vững tin và hạ quyết tâm phải hoàn thành cho bằng được.
Trên mảnh đất “chó ăn đá, gà ăn sỏi” rộng đến 40ha, anh gấp rút điều động phương tiện, thuê mướn nhân công ròng rã đánh vật suốt 3 tháng trời, anh nhẩm tính mỗi ha tốn khoảng 270 triệu đồng, vị chi công cán cải tạo “ngốn” trên dưới 10 tỷ đồng. Tính thêm tiền đấu giá, thuê đất, tổng kinh phí bỏ ra đã lên đến hàng chục tỷ. “Đầu tư quy mô lớn nên tốn kém là chuyện bình thường, cũng may mình xoay vòng được đồng vốn nên mọi thứ vẫn trong tầm kiểm soát”, anh Út cười xòa.
Được Cty TNHH Tuệ Linh chuyển giao tiến bộ KHKT và bao tiêu sản phẩm, anh Út mạnh dạn mua sắm trang thiết bị (máy ép, máy băm…) phục vụ sơ chế phần thô. Nắm vững quy trình, triển khai đúng phương pháp nên toàn bộ 20ha cà gai leo của gia đình phát triển rất nhanh, xuống giống từ trung tuần tháng 1/2016, đến nay đã thu hoạch được tổng cộng 5 lứa, mỗi lứa trên dưới 40 tấn, mỗi tấn bán ra 30 triệu đồng. Gấc cũng thu được 2 vụ, mỗi vụ cho 40 tấn quả, giá bán 8 triệu đồng/tấn. Riêng sachi dù mới trồng đầu năm nhưng đã cho thu hoạch rải rác, dự kiến vụ này mang về 30 – 40 tấn hàng, doanh thu ước trên dưới 1 tỷ đồng.
Theo “vua dược liệu” Trần Sỹ Út, tổng doanh thu của trang trại bây giờ có thể đạt mức 3 tỷ đồng/năm, tuy nhiên do phải san sẻ kinh phí cải tạo đất và chi trả tiền lương cho công nhân (150 – 170 triệu đồng/tháng) nên tựu chung dư dả chưa đáng kể. Để nâng cao năng suất, chất lượng, tới đây sẽ áp dụng thí điểm công nghệ tưới nhỏ giọt Israel trên diện tích 9ha, khi đủ tiềm lực sẽ tiến tới nhân rộng toàn bộ trang trại.
“Tỉnh Thanh Hóa nói chung và huyện Triệu Sơn nói riêng có khí hậu, thổ nhưỡng phù hợp để triển khai mô hình trồng cây dược liệu. Nhưng phần vì kén thị trường, phần vì chi phí tốn kém nên tâm lý bà con còn ái ngại, nếu có cơ chế, chủ trương phù hợp để kích cầu, tin rằng đây là lựa chọn không tồi”, anh chia sẻ.
Trang trạng dược liệu của gia đình anh Út còn góp phần tạo công ăn việc làm cho hàng chục nông dân trên địa bàn |
Quá trình triển khai, anh Út nhận thấy trồng cây dược liệu không khó nhưng nhất thiết phải tuân thủ theo đúng quy trình kỹ thuật. Bản thân cà gai leo, gấc hay sachi rất nhạy cảm với điều kiện thời tiết ẩm ướt, mưa nhiều sẽ kìm hãm tốc độ phát triển, trường hợp ngập úng sẽ dẫn đến thối rễ, cây dễ chết, do đó người trồng cần thường xuyên theo dõi tình hình, chủ động phương án khơi thông dòng chảy, nâng cao nền đất.
Sở hữu trong tay 20ha cà gai leo, 10ha gấc cùng 6ha sachi nhưng anh Trần Sỹ Út vẫn ấp ủ mở rộng thêm phân nửa diện tích. Hiệu quả thực tế và sự táo bạo trong cách nghĩ của “tỷ phú dược liệu” đã thuyết phục được nhiều doanh nghiệp sẵn sàng bắt tay liên kết, điều này đã tạo ra hiệu ứng tích cực đến bà con nông dân trên địa bàn… |
Viết bình luận