Nhân rộng các mô hình liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị
Chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi là một trong những chương trình của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn nhằm thúc đẩy quá trình xây dựng nông thôn mới đạt được kết quả cao.
Thực hiện chủ trương này, các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long đã thực hiện chuyển đổi đất sản xuất lúa kém hiệu quả sang các loại cây trồng khác, nuôi thủy sản mang lại hiệu quả kinh tế cao hơn và có thu nhập ổn định.
Hiệu quả từ chuyển đổi mô hình
Tại Đồng Tháp, nhiều nông dân trong tỉnh đã đầu tư cải tạo vườn tạp, chủ động chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên đất lúa kém hiệu quả. Từ đó nâng cao hiệu quả kinh tế trên cùng đơn vị đất canh tác, nâng cao thu nhập cho người dân.
Ông Nguyễn Văn Điền, ngụ tại ấp 5, xã Đốc Binh Kiều, huyện Tháp Mười (Đồng Tháp) chia sẻ, gia đình có 1,5 ha đất sản xuất lúa nhưng sản xuất lúa có mùa được, mùa mất. Khi tìm hiểu thông tin từ internet, ông nhận thấy sản xuất cây ăn trái mang lại hiệu quả kinh tế cao hơn, công chăm sóc cũng không vất vả như trồng lúa. Gia đình đã quyết định chuyển đổi 1,5 ha đất lúa này sang sản xuất mít thái, sầu riêng, bơ và bưởi. Trong diện tích này, vườn mít được chuyển đổi trước nên cho thu nhập ổn định trước, từ 80-100 triệu đồng/năm, sau khi đã trừ các chi phí sản xuất.
Nhận thấy những người đồng hành trồng lúa trước đây dần chuyển đổi sang cây trồng khác, trong khi sản xuất lúa không cho hiệu quả kinh tế cao như mong muốn, ông Nguyễn Văn Ngói, ngụ tại ấp Lợi Hòa, xã Thanh Mỹ, huyện Tháp Mười cũng đã chuyển đổi 1,5 ha đất sản xuất lúa sang trồng cam và chanh.
Khi thực hiện chuyển đổi, gia đình ông Ngói được Hội Nông dân xã Thanh Mỹ hỗ trợ khoa học kỹ thuật và tạo điều kiện để ông Ngói vay tiền từ quỹ hỗ trợ nông dân mua cây giống, vật tư nông nghiệp… Nhờ đó, vườn chanh và cam của ông Ngói cho thu nhập từ 90-100 triệu đồng/năm, sau khi đã trừ các chi phí sản xuất. Nguồn thu nhập này cao hơn so với sản xuất lúa trước đây.
Đại diện Hội nông dân xã Thanh Mỹ, huyện Tháp Mười, hiện nay, đa số diện tích sản xuất của nông dân đều có đê bao bảo vệ, hệ thống tưới tiêu cũng được nâng cấp lên bằng các trạm bơm điện. Đồng thời, để nông dân nâng cao kiến thức và kỹ thuật sản xuất, các cấp Hội Nông dân của tỉnh Đồng Tháp đã phối hợp với các ngành chức năng mở nhiều lớp tập huấn, hướng dẫn kỹ thuật chăm sóc, phòng trị sâu bệnh trên cây trồng. Cùng đó, tạo điều kiện cho hội viên tiếp cận được nguồn vốn vay ưu đãi lãi suất để mua cây giống, vật tư nông nghiệp, đầu tư hệ thống tưới tiêu trong vườn.
Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Đồng Tháp, việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên đất lúa kém hiệu quả hiện rất phù hợp với nhu cầu thực tế, bởi giá bán các nông sản khác cao hơn lúa. Tính từ năm 2017 cho đến nay, cả tỉnh Đồng Tháp đã thực hiện chuyển đổi hơn 24.700 ha đất trồng lúa sang các loại cây lâu năm như xoài, cam, quýt, mít, chanh, nhãn,… Lợi nhuận bình quân các loại cây này mang lại gấp 3 đến 8 lần so với lúa.
Chuyển đổi lâu dài
Chuyển đổi cây trồng trên đất lúa kém hiệu quả trước mắt mang lại thu nhập cao hơn cho người dân Đồng bằng sông Cửu Long, tuy nhiên để có thể giữ vững sự chuyển đổi sản xuất này lâu dài, sản xuất cần phải có một mối liên kết với đơn vị tiêu thụ để có thể nắm chắc thông tin thị trường để cung ứng về số lượng, tiêu chuẩn chất lượng ra sao nhằm sản xuất hiệu quả hơn.
Theo ông Nguyễn Sĩ Lâm, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh An Giang, để thực hiện chuyển đổi cây trồng hiệu quả, nhất là đối với những diện tích lúa không mang lại giá trị cao, tỉnh An Giang thực hiện kêu gọi các đơn vị, doanh nghiệp thu mua kí hợp đồng liên kết tiêu thụ lâu dài đối với những diện tích sản xuất đáp ứng theo yêu cầu của doanh nghiệp, đơn vị.
Đặc biệt, An Giang ưu tiên thực hiện liên kết với các doanh nghiệp có cung ứng vật tư, giống, đầu tư hạ tầng phục vụ liên kết như kho bãi, cơ sở chế biến. Toàn tỉnh An Giang phấn đấu thành lập thêm 50 Hợp tác xã kiểu mới trong năm 2021. Các Hợp tác xã này sẽ đại diện cho nông dân đẩy mạnh liên kết với doanh nghiệp theo hướng hiệu quả và ổn định.
Đồng thời, trong thời gian tới, tỉnh An Giang cũng tăng cường thu hút đầu tư, hỗ trợ cho các doanh nghiệp xây dựng và mở rộng vùng nguyên liệu, nhân rộng các mô hình liên kết hiệu quả, các mô hình sản xuất theo chuỗi giá trị, liên kết cung ứng đầu vào, tiêu thụ sản phẩm đầu ra trong sản xuất và cung cấp các dịch vụ khác.
Điển hình thành công trong chuỗi liên kết tiêu thụ sản phẩm được chuyển đổi trên những diện tích lúa kém hiệu quả, tại An Giang có các đơn vị như công ty TNHH xuất nhập khẩu trái cây Chánh Thu, công ty TNHH sản xuất chế biến nông sản Cát Tường, công ty TNHH Kim Nhung Đồng Tháp, công ty TNHH Hoàng Phát Fruit... liên kết sản xuất với nông dân trên diện tích 503 ha xoài được chứng nhận VietGap, 34 mã số (code) đạt tiêu chuẩn xuất khẩu ở các vùng trồng xoài khác với 972,105 ha, để xuất khẩu sang khác thị trường khó tính như Mỹ, Australia, Hàn Quốc…
Ngoài ra, công ty cổ phần rau quả thực phẩm An Giang (Antesco) đã liên kết với Hợp tác xã dịch vụ nông nghiệp Long Bình tiêu thụ xoài keo để chế biến nước ép xoài.
Mặc dù liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm mang lại hiệu quả cao, nhiều nông dân chưa thật tin tưởng nên hạn chế tham gia liên kết sản xuất, còn thói quen bán nông sản qua thương lái.
Mặt khác, quy mô sản xuất của nông dân còn nhỏ lẻ gây khó khăn đến sản lượng tiêu thụ của doanh nghiệp. Nhiều doanh nghiệp chưa quan tâm xây dựng vùng nguyên liệu, liên kết sản xuất với nông dân và hợp tác xã nông nghiệp.
Mặt khác, một số doanh nghiệp có đăng ký nhưng thực tế triển khai luôn luôn thấp hơn diện tích đăng ký ban đầu, gây nhiều khó khăn trong việc vận động nông dân của các cơ quan quản lý nhà nước, đoàn thể ở địa phương.
Do vậy, theo ông Nguyễn Sĩ Lâm, để khắc phục tình trạng này, mỗi địa phương cần có những doanh nghiệp đầu tàu trong chuỗi liên kết để thực hiện theo kiểu mẫu, lâu dài, mở đường cho các doanh nghiệp khác.
Viết bình luận