Sầu riêng là một trong các loại cây ăn trái đặc sản ở Tây Nguyên, đem lại thu nhập rất cao cho nhà nông, nên kỹ thuật chăm sóc là rất quan trọng.
Trong vài năm qua, diện tích trồng sầu riêng bùng nổ ở Tây Nguyên, nhất là khi mà quả sầu riêng được nước bạn Trung quốc đưa vào loại quả nhập khẩu chính ngạch. Hiện, diện tích trồng sầu riêng ở vùng Tây Nguyên đạt 51.400ha, chiếm diện tích lớn nhất cả nước, tiếp đến là vùng Đồng bằng Sông Cửu Long rồi miền Đông Nam bộ.
Nếu như trước đây, thời tiết khí hậu thuận lợi, người trồng sầu riêng vùng Tây Nguyên chỉ cần điều khiển tốt nước tưới trong mùa khô (cũng là mùa ra hoa đậu quả của cây sầu riêng) bón phân cân đối hợp lý là có thể dễ dàng đạt năng suất cao, chất lượng tốt.
Tuy vậy, những năm gần đây thời tiết rất khó lường, thường xảy ra các hiện tượng khí hậu cực đoan làm chu kỳ sinh trưởng dinh dưỡng và ra hoa đậu quả của cây sầu riêng gặp nhiều xáo trộn khiến việc ra hoa, đâụ quả, nuôi quả lớn và phòng trừ sâu bệnh hại trên cây sầu riêng ở vùng này gặp nhiều khó khăn hơn.
Thông thường khi mùa mưa chính thức ở Tây Nguyên đã vào mùa (khoảng tháng 5 dương lịch trở đi) nhà vườn sẽ dựa vào nước trời mà không chú ý đến việc tưới cho cây sầu riêng nữa. Trong vụ sầu riêng 2024, thời gian đậu quả non và sau đó quả bắt đầu phát triển (tháng 6-7) lượng mưa các tháng này rất ít so với lượng mưa trung bình hàng năm, điều này làm quả sầu riêng chậm phát triển, bị giới hạn về kích thước.
Sự quan sát trong sản xuất cho thấy, khi gặp hạn ở đầu vụ mưa, những vườn được tưới bổ sung trong giai đoạn này quả non sầu riêng sẽ phát triển nhanh hơn và tỷ lệ trái tròn, đẹp cao hơn so với những vườn chỉ nhờ vào nước trời.
Cũng trong vụ 2024 này, đến giai đoạn trái sầu riêng lên cơm và chuẩn bị thu hoạch thì có nhiều vùng trồng ở Tây Nguyên gặp mưa lớn kéo dài nhiều ngày. Mưa nhiều, ẩm độ và nhiệt độ cao là điều kiện để nấm Phytophthora tấn công dữ dội lên trái sầu riêng.
Bệnh phát triển rất nhanh làm thối trái, rụng trái với cường độ mạnh gây thiệt hại lớn cho người làm vườn. Ngoài ra, ở những vườn sắp đến kỳ thu hoạch gặp mưa kéo dài gây nên hiện tượng sượng cơm sầu riêng, múi bị nhão, bị sượng, không lên màu làm giảm chất lượng và nhà vườn không thể bán được giá tốt.
Để hạn chế các bất lợi gây ra cho nghề trồng sầu riêng ở vùng Tây Nguyên dưới ảnh hưởng của các hiện tượng khí hậu cực đoan do biến đổi khí hậu, người trồng sầu riêng cần lưu ý các kỹ thuật canh tác sau:
Tưới nước cho sầu riêng: chủ động tưới nước cho sầu riêng trong mùa khô và cả mùa mưa theo đúng nhu cầu nước của cây ở từng giai đoạn sinh trưởng, sinh thực khác nhau. Trong những năm mà lượng mưa đầu mùa bị hạn chế, khi cây đang phát triển trái non, cần chú ý đến việc tưới nước bổ sung cho sầu riêng. Tưới nước trong giai đoạn này ngoài việc tạo điều kiện thuận lợi cho việc bón phân nuôi trái còn giúp cho trái phát triển tốt nhờ đảm bảo độ ẩm đất.
Thiết kế vườn cây có tính đến chuyện thoát nước cho vườn sầu riêng trong mùa mưa. Nếu vườn sầu riêng được trồng ở vùng đồi hơi dốc thì việc thoát nước trong mùa mưa tương đối dễ dàng. Ở những nơi đất bằng phẳng cần vun gốc cho cây sầu riêng, không để nước đọng trong vùng đất dưới tán sầu riêng.
Giữa hai hàng sầu riêng thiết kế một rảnh thoát nước rộng 40-50cm, sâu 40-50cm so với mặt đất ở vùng gốc cây sầu riêng. Nước từ các rãnh này đổ vào rãnh sâu và rộng hơn để dẫn nước ra khỏi lô khi gặp thời tiết bất lợi, mưa kéo dài nhiều ngày.
Nếu đã sắp đến ngày thu hoạch mà gặp mưa nhiều có thể dùng màng PE để che phủ mặt đất dưới tán sầu riêng, điều này giúp cho trái sầu riêng giảm được sự ngậm nước do độ ẩm đất quá cao gây sượng múi, giảm phẩm chất.
Kỹ thuật rút nước ra khỏi mương và che phủ mô trồng bằng màng PE lúc sầu riêng sắp thu hoạch cũng đã được nhiều bà con nông dân trồng sầu riêng ở miền Tây áp dụng hiệu quả để đảm bảo chất lượng trái sầu riêng.
Phòng trừ bệnh thối trái sầu riêng do nấm Phytophthora. Bệnh do nấm Phytophtora palmivora là một bệnh nguy hiểm trên cây sầu riêng, không những gây hại trên trái mà còn gây hại nhiều bộ phận khác của cây như gây thối nhũn lá sầu riêng; gây xì mũ thối thân, cành, gây thối rễ và chết cây.
Để phòng trừ hiệu quả bệnh này cần áp dụng biện pháp phòng trừ tổng hợp như trồng với mật độ thích hợp, không trồng quá dày, vun cao gốc không để nước đọng trong vùng tán cây, tạo hình tỉa cành thông thoáng; bón phân hữu cơ để làm tăng độ tơi xốp, tăng sức khỏe đất. Thường xuyên sử dụng các chế phẩm có vi sinh vật đối kháng cho vườn cây như Trichoderma, Pseudomonas…..
Khi đã áp dụng các biện pháp kỹ thuật tổng hợp rồi thì bệnh thối trái vẫn có thể xảy ra, đặc biệt những năm mưa nhiều, do vậy cần phòng trừ sớm bệnh thối trái do Phytophtora ngay từ đầu mùa mưa, lúc quả mới bắt đầu phát triển. Dùng thuốc đặc trị nấm để phun lên trái vào thời gian chưa mưa nhiều, phun 2-3 lần cách nhau 15-20 ngày. Trong các tháng mùa mưa thì phun chu kỳ gần hơn 10-15 ngày một lần.