Trong một năm, chỉ một huyện (cụ thể ở đây là huyện Thoại Sơn) đã thải ra môi trường gần 70 tấn vỏ bao bì thuốc bảo vệ thực vật...
Một con số được đưa ra tại hội nghị tổng kết chương trình “Cùng nông dân bảo vệ môi trường” được tổ chức tại Trung tâm Nghiên cứu Nông nghiệp Định Thành (thuộc tỉnh An Giang), đã khiến dư luận giật mình: Trong một năm, chỉ một huyện (cụ thể ở đây là huyện Thoại Sơn) đã thải ra môi trường gần 70 tấn vỏ bao bì thuốc bảo vệ thực vật (BVTV).
Quả là một con số khủng khiếp. Chỉ độc bao bì không mà đã lên đến con số khủng khiếp đó rồi. Thế thì cái thứ đựng bên trong những bao bì đó, sẽ có trọng lượng gấp nhiều lần con số 70 tấn. Thuốc BVTV có mục đích sử dụng là trừ sâu, nên 100% là thuốc độc. Những thuốc độc ấy, sau khi trừ sâu xong, một phần sẽ tràn ra đồng ruộng, ngấm vào đất và tan vào nước. Khi ngấm vào đất, chất độc đó sẽ khiến đất và nước ngầm nhiễm độc. Khi tan vào nước, chất độc đó sẽ đầu độc nguồn nước và các loài thủy sinh trong nước. Trước đây vài chục năm, tôm cá đồng là những đặc sản vì chúng rất lành. Nhưng nay, chẳng mấy ai dám ăn nữa, vì chúng đã trở nên hôi hám và chứa trong mình dư lượng thuốc BVTV cao gấp hàng chục lần cho phép. Phần còn lại sẽ tồn dư trong các sản phẩm nông nghiệp (hoa trái, gạo...). Việc tồn dư thuốc BVTV đang trở thành một thách thức vô cùng lớn, khiến nông sản của ta rất khó đi vào được các thị trường khó tính. Ngay nước sát cạnh ta là Trung Quốc, hàng năm nhập trên dưới 40% lượng gạo xuất khẩu của ta (trên 2 triệu tấn), nhưng cũng chỉ nhập bằng con đường tiểu ngạch. Còn ở Bắc Kinh và các thành phố lớn của họ, người dân không hề nghe nói đến gạo Việt Nam, họ chỉ biết đến gạo Thái Lan và gạo Campuchia.
Tình hình sâu bệnh của ta mỗi năm một diễn biến phức tạp. Báo cáo của Bộ NN-PTNT cho thấy: Trong 6 tháng đầu năm 2017, lượng thuốc BVTV mà ta đã nhập đạt 495 triệu USD, tăng 44% so với cùng kỳ năm ngoái. Đó là con số nhập chính ngạch. Ngoài ra, không loại trừ một số lượng lớn thuốc BVTV được nhập theo con đường tiểu ngạch. Bằng chứng là không ít loại thuốc BVTV nằm ngoài danh mục những loại thuốc được phép lưu hành tại Việt Nam, vẫn được bán trên các đại lý thuốc BVTV trên khắp nước.
Việc sử dụng thuốc BVTV tràn lan, ném bao bì bừa bãi, đã khiến nền nông nghiệp của chúng ta bị đầu độc. “Chưa bao giờ con đường từ bàn ăn đến nghĩa địa lại ngắn như bây giờ”. Câu nói nổi tiếng đó của một đại biểu Quốc hội, có nguồn gốc từ sự “nhiễm độc toàn tập” này. Nền nông nghiệp bị nhiễm độc là một nền nông nghiệp không hiệu quả, dù sản lượng có cao đến mấy.
Làm thế nào để có một nền nông nghiệp không thuốc BVTV? Câu hỏi đó từng đau đáu rất nhiều đời Bộ trưởng Bộ NN-PTNT. Nhưng đến nay, đó vẫn chỉ là một giấc mơ. Muốn giấc mơ đó trở thành hiện thực, thì không còn con đường nào khác là toàn xã hội hãy “cùng nông dân bảo vệ môi trường”. Và việc đầu tiên, dù đơn giản, nhưng lại mang rất nhiều ý nghĩa là tuyên truyền, vận động nông dân hãy thu gom bao bì thuốc BVTV mỗi khi dùng xong.
Viết bình luận