Năm nay là năm thứ 2 gia đình ông Lường Văn May ở xã Tân Sơn (huyện Lục Ngạn, tỉnh Bắc Giang) thu hoạch vải không hạt. Giá vải không hạt lên tới 100.000 đồng/kg nhưng gia đình ông không có bán, vì khách quen đã đặt mua hết từ lúc quả mới bé bằng đầu đũa.
Giá vải không hạt 100.000 đồng/kg cũng không có hàng bán
Theo tìm hiểu của PV Dân Việt, đây là giống vải không hạt có nguồn gốc từ Trung Quốc, được gia đình ông Lường Văn May ở thôn Hoá, xã Tân Sơn, huyện Lục Ngạn, tỉnh Bắc Giang trồng cách đây 4 năm với số lượng khoảng 75 cây.
Anh Lường Văn Phúc (con trai ông May) cho biết, vụ vải năm 2022, trong vườn có 50 cây vải thiều không hạt đã cho trái bói. Năm nay là năm thứ 2 gia đình anh thu hoạch vải thiều không hạt. Mặc dù cây vảikhông hạt mới phát triển cao ngang ngực, nhưng trung bình mỗi cây cũng cho thu hoạch từ 7-10kg quả.
"Năm nay gặp thời tiết không thuận lợi nên cây vải thiều không hạt thụ phấn kém, dẫn tới năng suất không được như dự tính. Năm ngoái, khi xuất hiện thông tin nông dân Bắc Giang trồng thành công vải thiều không hạt, rất nhiều khách hàng gọi điện hỏi mua để ăn thử mà không có bán. Năm nay, nhiều khách quen đã đặt mua từ lúc vải còn non, mới bằng đầu đũa. Kể cả giá bán lên tới 100.000 đồng/kg họ cũng mua hết" - anh Phúc cho biết.
Theo ghi nhận của PV, quả vải thiều không hạt khi chín có màu đỏ chót rất đẹp mã, ăn khá giòn ngọt và đặc biệt là không hạt, hoặc hạt rất bé.
"Do cây vải thiều không hạt được trồng gần vườn vải thiều bình thường nên có hiện tượng thụ phấn chéo. 10 quả thì vẫn bị khoảng 2-3 quả có hạt nhỏ. Tuy nhiên giống vải này rất dày cùi, nhiều người thích thú vì ăn "ngập răng" nên đặt mua xôn xao. Đã có khách hàng từ trong Đắk Lắk bay ra tận nhà tôi đặt mua giống vải thiều không hạt, với giá 250.000 đồng/cây" - anh Phúc thông tin với PV Dân Việt.
Anh Phúc cũng cho biết , giống vải không hạt sẽ có nhiều lợi thế trên thị trường, cạnh tranh tốt với giống vải thiều thông thường. Do đó gia đình anh dự tính sẽ tiếp tục nhân rộng diện tích, đồng thời chiết cành để bán cây giống cho bà con có nhu cầu trồng. Về điều kiện chăm sóc, theo anh Phúc, giống vải này chăm sóc không khác gì giống vải thiều bình thường.
Được biết, những cây vải thiều đặc biệt này được lãnh đạo Sở NNPTNT tỉnh Bắc Giang gửi cho ông Lường Văn May trồng thử nghiệm từ 4 năm trước, nhằm khảo nghiệm xem giống vải không hạt có thích hợp với thổ nhưỡng nơi đây hay không. Bước đầu cho thấy, giống vải này chín cùng vải chính vụ, nhưng vỏ dày hơn, dễ bảo quản. Vải thiều không hạt cho vị ngọt riêng biệt, giòn hơn.
Ngoài việc là một trong những nông dân đầu tiên ở Lục Ngạn trồng thành công giống vải thiều không hạt, gia đình ông Lường Văn May cũng có vườn vải thiều hơn 1.000 cây ở thôn Hoá. Vườn vải thiều lâu năm được chăm sóc kĩ càng theo quy trình VietGAP và đã được cấp mã số xuất khẩu sang thị trường Nhật Bản.
Hiện gia đình ông đang bước vào chính vụ thu hoạch, giá vải thiều bán tại vườn đạt 30.000 đồng/kg.
Theo UBND xã Tân Sơn, toàn xã có khoảng 670ha vải thiều, trong đó 400ha vải được sản xuất theo quy trình VietGAP. Những năm gần đây, nhờ làm chủ kỹ thuật chăm sóc cây vải nên nên giá trị thu về từ quả vải ở xã Tân Sơn cũng như các xã vùng cao của huyện Lục Ngạn đều tăng cao so với trước.
Mỗi năm khi kết thúc vụ thu hoạch vải thiều, nhiều hộ gia đình ở Tân Sơn có thu nhập từ nửa tỉ đồng cho đến hơn tỉ đồng không phải là chuyện hiếm, nhất là với những vườn đã được cấp mã số xuất khẩu.
Năm 2023, toàn huyện Lục Ngạn có 88 mã số vùng trồng với diện tích 11.879ha, gồm: Trung Quốc 35 mã; thị trường Mỹ, Úc, EU 19 mã; Nhật Bản 32 mã; Thái Lan 2 mã; quản lý chặt chẽ và duy trì 173 mã cơ sở đóng gói đủ điều kiện xuất khẩu.
Đến nay đã có 204 thương nhân Trung Quốc đến Lục Ngạn để thu mua vải thiều.
Viết bình luận