NÔNG DÂN GẮN ‘TEM BẢO ĐẢM’ CHO CÂY THUỐC VIỆT

Theo con số thống kê từ Bộ Y tế, cây thuốc trồng trong nước mới chỉ đảm bảo được khoảng 30% nhu cầu sử dụng dược liệu trên thị trường. Ý thức được yêu cầu trồng nguồn dược liệu sạch từ nguồn cây cỏ thuần Việt, hàng ngàn người nông dân đang có cách “gắn tem đảm bảo” cho sản phẩm của mình.

Trồng cây thuốc vườn nhà, thu về lợi lớn

Dành 1 năm để cải tạo 10ha đất cằn ven núi đá và trồng thử nghiệm đến đạt tiêu chuẩn của doanh nghiệp dược liệu, anh Út (Triệu Sơn, Thanh Hóa) mới có thể bắt đầu giai đoạn trồng, chăm sóc và thu hoạch dược liệu cà gai leo.

Đầu tư thời gian và nhiều công sức chăm bón, lại phải đảm bảo nghiêm ngặt các điều kiện về nguồn nước tưới sạch, nguồn phân bón hữu cơ hoàn toàn từ phân chuồng ủ vi sinh hoai mục, anh Út đã phải đầu tư ban đầu rất lớn để có thể xây dựng vùng trồng dược liệu cà gai leo.

Không phụ công người trồng, liên tục các mẫu cà gai leo của anh được kiểm định là vượt tiêu chuẩn hàm lượng chất chiết vượt chuẩn về dược chất, được các doanh nghiệp dược tín nhiệm đặt hàng thu mua. Anh Út không khỏi bất ngờ sau một năm với 3 vụ cà gai leo, anh thu về tới 200 triệu đồng mỗi ha. Nguồn thu nhập quá lớn cho anh và hàng chục lao động trong trang trại dược liệu. 

Anh Út khẳng định cà gai leo vốn là cây thuốc vườn nhà nhưng khi đã cam kết tham gia vào vùng trồng, anh phải đảm bảo công việc từ trồng, tưới, thu hoạch là một chu trình sạch theo định hướng tiêu chuẩn châu Âu GACP-WHO.

Không phải đầu tư quá nhiều chi phí để cải tạo đất khi tận dụng được nguồn đất phù sa ngay bên bờ con sông Đào, gia đình ông Đoàn Văn Hoa, xã Thành Lợi, huyện Vụ Bản (Nam Định) cũng bất ngờ trước nguồn lợi thu được từ việc trồng quất dược liệu khi mỗi ha quất giúp ông thu về tới 90 triệu mỗi năm.

Quất dược liệu không quá cầu kỳ trong chăm sóc, không cần mẫu mã đẹp nhưng lại có những tiêu chuẩn cam kết riêng mà ông Hoa ký với doanh nghiệp như không sử dụng thuốc kích thích tăng trưởng, không thuốc bảo vệ thực vật. Ông Hoa cho biết, vườn quất của ông không sử dụng phân bón hóa học mà được sử dụng phân bón là hữu cơ làm từ bột đậu tương, để bảo đảm cây sinh trưởng phát triển tốt, không làm ảnh hưởng sức khỏe người trồng và người dùng.

Vùng trồng quất nơi đây cũng đã nhận được thẩm định đạt tiêu chuẩn GACP-WHO bởi Viện Y Dược cổ truyền, Bộ Y tế từ tháng 9/2017.

Gắn “tem bảo đảm” cho vùng trồng

Rất khó cho nông dân nếu họ đơn độc tạo ra những vùng trồng quy mô lớn mà thiếu đi sự hướng dẫn quy trình kỹ thuật, cung cấp nguồn giống, kiểm nghiệm mẫu cây trồng hay bao tiêu sản phẩm của doanh nghiệp dược liệu.

Kết nối giữa họ là những giá trị chung, những cam kết chung về chất lượng. Tại Việt Nam, dược liệu sạch là nguồn dược liệu đáp ứng các tiêu chuẩn khắt khe khe như tiêu chuẩn châu Âu và theo hướng dẫn của Tổ chức Y tế Thế giới GACP-WHO, tiêu chuẩn Hữu cơ Organic, tiêu chuẩn ISO 22000… 

Một hệ tiêu chuẩn khác bao quát tới 22 vùng trồng dược liệu trên cả nước kết nối người nông dân với 18 doanh nghiệp dược liệu là BioTrade. BioTrade là Dự án Phát triển dược liệu sạch do Liên minh châu Âu tài trợ tại Việt Nam với mục tiêu hỗ trợ bảo tồn đa dạng sinh học, sử dụng bền vững và chia sẻ công bằng các lợi ích có được từ khai thác tài nguyên đa dạng sinh học.

Từ một chứng nhận được chấp nhận rộng rãi tại thị trường châu Âu vào ngành dược liệu Việt Nam, BioTrade trở thành một cam kết cho sản xuất các sản phẩm từ tự nhiên theo hướng sạch, an toàn, và bền vững được tin cậy ở Việt Nam.

Trên các vùng trồng đảm bảo tiêu chuẩn BioTrade, theo báo cáo của dự án này giai đoạn 2016 – 2018, 6.000 nông dân Việt đã tham gia vào chuỗi liên kết cùng doanh nghiệp có nguồn thu nhập ổn định. Trong số đó, rất nhiều nông dân đã xây dựng được những vùng trồng dược liệu cho thu hoạch tới con số trăm triệu mỗi ha.

Bằng những đầu tư có thể không lớn nhưng với những cam kết lớn về chất lượng, gắn “tem bảo đảm” cho vùng nguyên liệu của mình, những người nông dân trồng dược liệu đang làm giàu từ đất cằn.

Viết bình luận