Nông dân Sơn La hé lộ cách trồng bưởi da xanh trên đồi ra trái quá trời, thu nửa tỷ/năm

Nhờ mạnh dạn chuyển đổi cơ cấu cây trồng, áp dụng khoa học - kỹ thuật vào sản xuất, mô hình trồng bưởi da xanh của gia đình bà Lê Thị Lan, thôn Nà Cang, xã Hát Lót (Mai Sơn, Sơn La) cho thu nửa tỷ mỗi năm.

Nông dân trồng bưởi da xanh để phát triển kinh tế

Những năm gần đây, phong trào chuyển đổi cơ cấu cây trồng vật nuôi trên địa bàn xã Hát Lót, huyện Mai Sơn, tỉnh Sơn La phát triển mạnh mẽ. Nhiều hộ nông dân đã mạnh dạn chuyển đổi đất trồng ngô, trồng lúa kém hiệu quả sang trồng các loại cây ăn quả cho hiệu quả kinh tế cao.

Với cánh làm trên, vùng đất này đã hình thành những trang trại, vườn cây ăn quả giúp người nông dân có thu nhập cao, ổn định. Từ cây ăn quả, nhà thu ít thì vài trăm triệu đồng một năm, nhà nhiều thì thu cả tỷ đồng. 

Gia đình bà Lê Thị Lan, thôn Nà Cang xã Hát Lót, huyện Mai Sơn, tỉnh Sơn La là một trong những điển hình chuyển đổi cây trồng ngắn ngày trên nương sang trồng cây ăn quả.

Nông dân Sơn La hé lộ bí quyết trồng bưởi da xanh trên đất đồi cho thu nửa tỷ mỗi năm - Ảnh 2.
Bà Lê Thị Lan, thôn Nà Cang xã Hát Lót, huyện Mai Sơn, tỉnh Sơn La đang tiến hành bao bưởi để phòng trừ côn trùng. Ảnh: Văn Ngọc

Dẫn chúng tôi thăm vườn bưởi da xanh đang thời kỳ phát triển xanh tốt, ra qua non bà Lan chia sẻ: Trước đây, vùng đất Nà Cang này vô cùng hoang sơ và nghèo đói. Đời sống của người nông dân kho khăn, thu nhập chính phụ thuộc nhiều vào các loại cây trồng ngắn ngày trên nương như: cây ngô, cây sắn,… chăn nuôi nhỏ lẻ, manh mún. Người nông dân có làm đến mấy cũng chỉ đủ ăn. Gia đình bà Lan cũng không ngoại lệ.

Năm 2010, thực hiện chương trình chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên đất dốc, cùng với đó được Cấp ủy, Chính quyền địa phương tuyên truyền, gia đình bà đã mạnh dạn chuyển đổi hơn 1 ha đất trồng ngô kém hiệu quả sang trồng cây bưởi da xanh. Là người đầu tiên đưa giống bưởi da xanh về trồng tại vùng đất Nà Cang, nên bà chưa có kinh nghiệm. Vườn bưởi gia đình bà cho ra lứa đầu tiên không được như mong muốn.

Không nản, trước những khó khăn, bà Lan đã quyết định tìm đến các mô hình trồng bưởi da xanh tại các địa phương khác để học hỏi kinh nghiệm. 

Bên cạnh đó, bà Lan mày mò, tìm tòi học hỏi các kỹ thuật trồng bưởi da xanh trên sách báo, truyền hình, tích cực tham gia các lớp tập huấn, hội thảo về sản xuất nông nghiệp được tổ chức tại địa phương để nắm bắt những kiến thức vào áp dụng tại gia đình. Nhờ vậy vườn bưởi của gia đình bà Lan sinh trưởng và phát triển tốt, cho năng xuất, chất lượng quả cao.

Nông dân Sơn La hé lộ bí quyết trồng bưởi da xanh trên đất đồi cho thu nửa tỷ mỗi năm - Ảnh 3.
Nhờ mạnh dạn chuyển đổi cơ cấu cây trồng, gia đình bà Lê Thị Lan có thu nhập cao từ mô hình trồng bưởi da xanh. Ảnh: Văn Ngọc

Bí quyết trồng bưởi da xanh cho hiệu quả kinh tế cao

Chia sẻ về bí quyết trồng bưởi da xanh cho hiệu quả kinh tế cao, bà Lan cho biết: Với bưởi da xanh trồng không hề dễ, đòi hỏi nguồn vốn đầu tư và chi phí lao động rất lớn. Trồng bưởi da xanh không trồng xen với các loại cây có múi khác để tránh thụ phấn chéo. Nên trồng bưởi chiết, vì rễ ăn ngang tránh gặp tầng đất phèn; mau ra quả.

Hàng năm, sau khi thu hoạch cần phải loại bỏ những cành đã cho quả vụ trước, cành sâu bệnh, cành ốm yếu, cành nằm bên trong tán không có khả năng cho quả, các cành đang chéo nhau, đồng thời cũng cần loại bỏ các cành vượt trong thời kỳ đang ra quả nhằm hạn chế việc cạnh tranh dinh dưỡng và sâu bệnh cho cây. 

Phân bón cho cây bưởi da xanh thường sử dụng phân hữu cơ kết hợp vô cơ, bón gốc kết hợp bón lá theo từng giai đoạn phát triển của cây bưởi.

Nông dân Sơn La hé lộ bí quyết trồng bưởi da xanh trên đất đồi cho thu nửa tỷ mỗi năm - Ảnh 4.
Gia đình bà Lê Thị Lan đầu tư lắp đạt hệ thống phun nước tự động nhằm tiết kiệm nước tưới vào mùa hanh khô. Ảnh: Văn Ngọc

Để phòng trừ các loại sâu, côn trùng chích hút, bệnh cho bưởi da xanh,….nên thường xuyên thay đổi các loại thuốc bảo vệ thực vật cho vườn bưởi, dùng các loại thuốc bảo vệ thực vật có nguồn gốc sinh học.

Bưởi da xanh ra hoa, ra quả quanh năm, do đó để có nhiều sản phẩm đưa ra thị trường vào thời điểm giá cả có lợi cho người sản xuất, nên kích thích ra hoa, đậu trái từ 7 đến 8 tháng trước ngày thu hoạch, nhưng nếu lưu trái nhiều quá sẽ làm suy cây. 

Quả bưởi da xannh cũng cần phải bao sớm. Khi quả bưởi to bằng quả trứng vịt dùng túi nilon để bao quả. Dùng túi nilon bao trùm trái từ phần cuống theo hướng thẳng xuống, dùng dây buộc giữ túi vừa chặt.

Nông dân Sơn La hé lộ bí quyết trồng bưởi da xanh trên đất đồi cho thu nửa tỷ mỗi năm - Ảnh 5.
Hiện nay sản phẩm bưởi da xanh của gia đình bà Lê Thị Lan được thương lái đến thu mua tận vườn. Ảnh: Văn Ngọc

"Đối với cây bưởi ra xanh, để cây phát triển tốt, cho năng xuất cao nước tưới là không thể thiếu. Để đảm bảo nguồn nước tưới cho vườn bưởi, gia đình tôi đã đầu tư hệ thống tưới nước tự động. Với hệ thống tưới nước này, gia đình tôi lắp đặt xen kẽ các hàng bưởi để tiết kiệm tối đa nước tưới. Việc đầu tư hệ thống tưới nước tự động, chi phí bàn đầu tuy cao, nhưng đổi lại người nông dân sẽ tiết kiệm nước tưới, thời gian tưới" bà Lan nói.

Nông dân Sơn La hé lộ bí quyết trồng bưởi da xanh trên đất đồi cho thu nửa tỷ mỗi năm - Ảnh 6.
Vườn bưởi da xanh của gia đình bà Lê Thị Lan, được coi là một mô hình kinh tế điển hình để hội viên nông dân đến thăm quan, học hỏi. Ảnh: Văn Ngọc

Với việc áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào canh tác, trồng bưởi da xanh theo các tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP... Nhờ vậy, vườn bưởi của bà Lan luôn cho trái to và đẹp, được thương lái tìm đến tận vườn để mua với giá cao. Với giá bưởi da xanh bán trung bình từ 25.000-40.000 đồng/kg, mỗi năm vườn bưởi của gia đình bà Lan cho thu nhập trên 500 triệu đồng mỗi năm.

Với những hiệu quả vườn bưởi da xanh của gia đình bà Lan đem lại, nhiều hộ dân ở xã Hát Lót và các xã lân cận trên địa bàn đã chủ động tìm đến học hỏi kinh nghiệm. Những kỹ thuật trồng, chăm sóc, cắt tỉa, phòng trừ sâu bệnh, tất cả đều được bà Lan nhiệt tình hướng dẫn mọi người.

Viết bình luận