Thông tin trên được đại diện CropLife chia sẻ tại buổi gặp mặt báo chí ngày 10/7, và cho biết thời gian tới, CropLife sẽ phối hợp Bộ NNPTNT triển khai Khung quản lý thuốc bảo vệ thực vật bền vững (SPMF), thực hiện trong nhiều năm.
Triển khai Khung quản lý thuốc bảo vệ thực vật bền vững
Phát biểu tại buổi gặp mặt một số cơ quan báo chí, Tiến sĩ Tan Siang Hee - Giám đốc điều hành CropLife châu Á cho biết, trong 10 năm qua, nông nghiệp Việt Nam đã tăng gấp 2 lần giá trị, vươn lên đi đầu thế giới về sản xuất và xuất khẩu gạo ở khu vực Thái Bình Dương cũng như thế giới nhờ việc áp dụng các chính sách hiệu quả, tầm nhìn về an ninh lương thực của Chính phủ Việt Nam cũng như các giải pháp đầu tư dài hạn, thúc đẩy phát triển sản xuất từ quy mô nhỏ đến quy mô lớn.
Sản xuất nông nghiệp ở Việt Nam ngày càng tăng hàm lượng công nghệ phù hợp ở các quy mô khác nhau để phát triển bền vững, với chi phí hợp lý. Đáng chú ý, xuất khẩu nông sản của Việt Nam đã tăng 200% trong 8 năm qua, đứng đầu thế giới về xuất khẩu gạo, cà phê, cao su, nhưng Việt Nam cũng đang đứng trước những thách thức ngày càng lớn về biến đổi khí hậu, chi phí sản xuất tăng cao, diện tích sản xuất thu hẹp dần...
Ông Trần Thanh Vũ - đồng Chủ tịch Hiệp hội CropLife Việt Nam cho biết, trước bối cảnh đó, CropLife Quốc tế sẽ phối hợp với Bộ NNPTNT triển khai Khung quản lý thuốc bảo vệ thực vật bền vững (SPMF), mang tính sâu rộng hơn trong lĩnh vực thuốc bảo vệ thực vật nhằm tăng cường và đẩy nhanh nỗ lực đưa nông nghiệp Việt Nam phát triển lên một tầm cao mới, hướng tới mục tiêu đưa Việt Nam trở thành một trong những nước phát triển nông nghiệp hàng đầu thế giới vào năm 2050.
Chia sẻ thêm với báo chí về Khung quản lý thuốc bảo vệ thực vật bền vững, bà Delisa Jiang - Giám đốc Chương trình SPMF cho biết, chương trình sẽ triển khai trong nhiều năm nhằm giảm thiểu rủi ro của thuốc BVTV. Theo đó, khung chương trình dựa trên 3 trụ cột cơ bản. Một là giảm phụ thuộc vào HHP (thuốc BVTV có nguy cơ cao theo Bộ Quy tắc ứng xử của FAO) và chuyển đổi bền vững. Hai là tăng cường đổi mới: Xây dựng môi trường pháp lý phù hợp để tăng khả năng tiếp cận của nông dân với các công cụ, phương pháp và công nghệ hiện đại trong sử dụng thuốc BVTV.
Thứ ba là sử dụng có trách nhiệm: Tăng cường tập huấn, cập nhật phương pháp thực hành tốt nhất trong quản lý, sử dụng thuốc BVTV của nông dân; khuyến khích chuỗi cung ứng sử dụng và quản lý thuốc BVTV theo vòng đời một cách có trách nhiệm.
Để thực hiện các trụ cột này, ông Alexander Berkovskiy - Tổng Giám đốc Công ty Syngenta khu vực châu Á Thái Bình Dương, Chủ tịch CropLife châu Á cho rằng, cần nâng cao khả năng chống chịu với biến đổi khí hậu cho người nông dân, với các giải pháp về công nghệ sinh học như tạo ra các giống cây trồng kháng sâu bệnh, ngắn ngày hơn, có khả năng chống chịu tốt hơn với thời tiết cực đoan như lúa chịu mặn, ngô chịu hạn, và đảm bảo để người nông dân tiếp cận được những giống cây trồng, công nghệ đó.
Bà Simone Barg - đại diện Công ty Basf, Thư ký Ban điều hành CropLife châu Á cho biết, để giúp người nông dân biết cách sử dụng các sản phẩm thuốc BVTV hiệu quả, đúng cách, CropLife đã triển khai chương trình howpjt ác 5 năm với Cục Bảo vệ thực vật về quản lý và sử dụng thuốc BVTV; Hợp tác với Bộ NNPTNT triển khai dự án hướng dẫn sử dụng thuốc BVTV tại 5inhr Đồng Tháp (2021 - 2026), Sơn La (2017 - 2020)...
"Ví dụ như tại Sơn La, CropLife Việt Nam đã hướng dẫn bà con sử dụng thuốc BVTV hiệu quả trên các loại cây trồng chính như xoài, nhãn, qua đó bà con không còn lạm dụng thuốc, sản xuất theo quy trình an toàn. Đặc biệt ở các mô hình trồng xoài, nhãn được tư vấn sử dụng thuốc BVTV, đạt tiêu chuẩn xuất khẩu, lợi nhuận của nông dân đã tăng 150%" - bà Simone Barg nói.
Trả lời câu hỏi của PV báo Dân Việt về việc người nông dân thiếu thông tin về thuốc BVTV trong bối cảnh thị trường có sự trà trộn các sản phẩm thuốc BVTV giả, nhái, kém chất lượng với giá cả chênh lệch, gây thiệt hại không nhỏ cho bà con, bà Delisa Jiang cho biết, Dự án luôn cẩn trọng trong việc lựa chọn các đối tác, các cơ sở bán lẻ thuốc BVTV nhằm bảo đảm rằng tất cả những người nông dân khi mua thuốc đều được cung cấp đầy đủ về thông tin đã có sẵn trên bao bì, cách sử dụng, từ đó giảm thiểu thiệt hại tối đa.
Bà Simone Barg cho biết, CropLife sẽ tập trung đào tạo tập huấn, phối hợp với Hội Nông dân các cấp để tăng cường tuyên truyền cho bà con nông dân về việc sử dụng thuốc BVTV có trách nhiệm, hiệu quả; nâng cao nhận thức về các quy trình canh tác trên đồng ruộng, hỗ trợ đầu tư cơ giới hóa, cũng như có giải pháp nghiên cứu các sản phẩm thuốc BVTV vừa có giá cả hợp lý, vừa đảm bảo chất lượng.
"Với việc triển khai Chương trình tại Đồng Tháp thời gian qua, đã có 150.000 nông dân được hướng dẫn sử dụng thuốc BVTV có trách nhiệm; nhiều tài liệu truyền thông đã được phát tới tận tay bà con. Bên cạnh đó, chương trình cũng tổ chức được 24 ngày thu gom bao bì thuốc BVTV, kết quả đã gom được 16 tấn bao bì các loại" - bà Simone Barg thông tin.
Giám đốc Chương trình Khung quản lý thuốc BVTV bền vững - bà Delisa Jiang cho biết thêm: "Chúng tôi sẽ tăng cường đào tạo nhiều hơn cho nông dân, thiết lập các nhóm nông dân tham gia chương trình quản lý thuốc BVTV bền vững. Trong đó, chúng tôi sẽ phối hợp với Cục BVTV, các cơ quan hải quan, thậm chí cả các ứng dụng bán hàng trên nền tảng số để góp phần ngăn chặn hàng giả, hàng nhái, giúp nông dân tiếp cận dễ hơn với sản phẩm thuốc BVTV chất lượng".
Viết bình luận