Nông nghiệp cứ manh mún, nhỏ lẻ… là thua

Việt Nam có thế mạnh về kinh tế nông nghiệp với hàng loạt các mặt hàng nông sản đứng trong top xuất khẩu hàng đầu thế giới như gạo, cà phê, thủy hải sản… Tuy nhiên, ngành nông nghiệp vẫn sản xuất theo phương thức nhỏ lẻ, manh mún. Giới chuyên gia nhận định, nếu ngành nông nghiệp không nâng cấp năng lực sản xuất, không tập trung xây dựng các chuỗi giá trị nông nghiệp chất lượng cao thì sẽ rất khó trụ vững.
Không thể phủ nhận những thành quả mà nền kinh tế nông nghiệp đã và đang mang lại cho nước nhà. Với thành tích xuất khẩu nhiều mặt hàng nông sản đứng trong top đầu thế giới, đạt kim ngạch nhiều tỷ USD mỗi năm, nông nghiệp vẫn luôn được coi là “trụ đỡ” của toàn ngành kinh tế.

Mặc dù vậy, ngành nông nghiệp Việt Nam vẫn tồn tại nhiều điểm yếu. Một trong số đó phải kể đến tình trạng sản xuất manh mún, nhỏ lẻ khiến cho ngành nông nghiệp khó có thể bứt phá, đời sống người nông dân bấp bênh, thu nhập thiếu ổn định.

Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Văn Ninh cũng thẳng thắn chỉ rõ: Sản xuất manh mún, nhỏ lẻ khiến cho nền kinh tế nông nghiệp của nước ta phát triển thiếu bền vững, tính cạnh tranh của sản phẩm với khu vực và thế giới còn thấp. Người nông dân tuy không còn đói ăn, nhưng chưa thể giàu. “Đây là thách thức lớn đối với nước ta, nhất là trong bối cảnh hội nhập kinh tế ngày càng sâu rộng” – Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh nhận định.

Theo giới chuyên gia ngành nông nghiệp, với 70% dân số làm nông nghiệp, nhưng có một thực tế cần phải thừa nhận đó là, 70% dân số đó vẫn chủ yếu là người nghèo. Nghèo vì họ chưa thể 
làm giàu bằng các sản phẩm do chính tay họ sản xuất.

Đơn cử như hạt gạo, con tôm, con cá… do người nông dân nuôi trồng được song, giá thành lại không do họ quyết định. Nhiều khi, chỉ một trận thiên tai, địch họa là nông dân rơi vào cảnh trắng tay. Hay, nếu có được mùa như mùa dưa hấu, mùa vải, mùa thanh long… song do không thể tự định giá nên người nông dân vẫn luôn chịu cảnh thua lỗ.

Ông Trần Công Thắng, Viện chính sách và Chiến lược phát triển nông nghiệp nông thôn Việt Nam thẳng thắn nêu quan điểm: Hạn chế lớn nhất của ngành nông nghiệp Việt Nam hiện nay chính là ở chuỗi giá trị phát triển nông nghiệp. Quy mô sản xuất nhỏ lẻ là nguyên nhân khiến cho nền kinh tế nông nghiệp chưa hấp thụ được vốn và công nghệ, chưa đáp ứng được đòi hỏi của các thị trường lớn. Cũng bởi sản xuất manh mún, nên người nông dân chưa có được lợi ích tương xứng với công sức bỏ ra, các hình thức cánh đồng mẫu lớn hay hợp tác xã kiểu mới chưa thực sự toàn diện...


 


Còn theo TS Võ Trí Thành, nguyên Phó Viện trưởng Viện nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM), cách thức sản xuất của nông nghiệp Việt Nam hiện nay có những điểm hạn chế cần phải thẳng thắn nhìn nhận. Hạn chế không chỉ ở việc tăng trưởng nông nghiệp của chúng ta đang chững lại mà cách làm của nông nghiệp hiện nay chưa đảm bảo được 3 yêu cầu: Một là lợi thế nhờ quy mô qua đó có thể hấp thụ được vốn và công nghệ, thứ hai là chưa đáp ứng được tiêu chuẩn, đòi hỏi mới của nông nghiệp nói chung và các thị trường nông nghiệp Việt Nam cam kết. Thứ ba là mặc dù đóng góp rất lớn vào xóa đói giảm nghèo nhưng cơ bản người nông dân vẫn thiệt thòi nhất trong quá trình cải cách và phát triển. Lợi ích của người nông dân bị thu lại chưa tương xứng với cách thức làm ăn của người nông dân.

Trong khi đó nền nông nghiệp mới phải đáp ứng được các yếu tố sau: Đầu tiên là lợi thế quy mô để hấp thụ công nghệ, thứ hai là phải gắn kết được tất cả các bên liên quan vào chuỗi sản xuất, chuỗi cung ứng của nông nghiệp, từ giống đến thị trường trong nước và nước ngoài… Thế nhưng với năng lực sản xuất hiện nay của chúng ta, tất cả các yếu tố đó đều chưa được đảm bảo. Và như vậy, những điểm yếu đó sẽ là rào cản khiến cho nền nông nghiệp của nước ta khó có thể bứt phá.

Trước những rào cản, thách thức mà ngành nông nghiệp Việt Nam đang phải đối mặt, giới chuyên gia ngành nông nghiệp cho rằng: Ứng dụng khoa học vào sản xuất nông nghiệp, đặc biệt phải tập trung phát triển chuỗi giá trị nông nghiệp theo hướng bền vững, tính cạnh tranh cao… Đó là những yêu cầu đặt ra để ngành nông nghiệp nước nhà có thể bứt phá, nếu không muốn thua ngay trên sân nhà khi các cường quốc mạnh về nông nghiệp đang có những cơ hội lớn sẵn sàng lấn át chúng ta khi cánh cửa hội nhập kinh tế đã mở rất rộng.
Minh Phương
Theo daidoanket

Viết bình luận