Và trong cái cabin cao hơn 3m này, anh đang điều khiển 2 thiết bị không người lái: 1 chiếc máy cày không người lái trên cánh đồng và 1 chiếc máy quan sát trên không.
Chiếc máy quan sát này cung cấp mọi chi tiết về lượng hóa chất, lượng nước, lượng dinh dưỡng có trong đất, tốc độ sinh trưởng và khả năng phát triển của từng cây khoai tây có trên cánh đồng.
Sản lượng của cánh đồng nhà anh Van de Borne đã chứng minh sức mạnh của nền canh tác chính xác. Trong khi năng suất trung bình của thế giới là 9 tấn trên 1 hecta khoai tây, cánh đồng nhà Van de Brone thu hoạch hơn 20 tấn trên 1 hecta.
Sản lượng thu hoạch này còn tuyệt vời hơn nếu như bạn biết được chi phí họ đã trả cho phần nguyên liệu đầu vào.
Khoảng 2 thập niên trước người Hà Lan đã đưa ra một cam kết tầm quốc gia về nông nghiệp bền vững dưới khẩu hiệu “sản xuất năng suất gấp đôi nhưng nguyên liệu giảm một nửa”.
Từ năm 2000 cho đến nay, Van de Borne và những người bạn nông dân Hà Lan đã giảm lượng nước cho mỗi vụ thu hoạch đến 90%.
Họ còn giảm lượng thuốc trừ sâu và hóa chất. Từ năm 2009 các nhà sản xuất gia cầm và gia súc Hà Lan đã cắt giảm lượng kháng sinh tới 60%.
Một điều tuyệt vời hơn nữa, Hà Lan là một nước rất nhỏ, mật độ dân số cực kì cao với hơn 130.000 người/m2, nhưng lượng xuất khẩu nông nghiệp thì có giá trị thứ hai sau Mỹ với sản lượng cao hơn 270 lần trên cùng diện tích đất.
Vậy người Hà Lan đã làm như thế nào để đạt được điều đó?
Nhìn từ trên cao, Hà Lan không giống như những nước sản xuất nông nghiệp khác. Những luống rau dày đặc trên những cánh đồng rời rạc và diện tích thì rất nhỏ so với quy mô kinh doanh nông nghiệp.
Những cánh đồng này không liền kề nhau, bị phân tán bởi những vùng ngoại ô và những thành phố đông đúc.Kể cả trong vùng chuyên canh, những luống khoai tây, nhà kính, trang trại nuôi heo vẫn luôn nằm kế bên những tòa nhà chọc trời hay các nhà máy công nghiệp.
Một nửa diện tích đất quốc gia được sử dụng cho nông nghiệp. Dọc theo những bờ sông là các tổ hợp nhà kính nhìn như những tấm gương khổng lồ trải dài xuyên suốt khắp đất nước, lấp lánh lúc Mặt trời mọc và tỏa sáng với ánh đèn mờ ảo phát ra từ bên trong khi màn đêm xuống.
Có nhiều nông trại rộng tới 175 hecta, những nông trại nhà kính này có khả năng kiểm soát môi trường bên trong, cho phép Hà Lan trở thành nhà dẫn đầu toàn cầu về xuất khẩu cà chua, một loại rau cực kỳ kén thời tiết.
Đồng thời, người Hà Lan cũng là nhà xuất khẩu đứng đầu thế giới về khoai tây và hành, xuất khẩu lớn thứ hai thế giới về các loại rau khác. Hơn 1/3 sản lượng hạt giống rau được buôn bán trên thị trường thế giới xuất phát từ Hà Lan.
Bộ não đứng đằng sau những con số tuyệt vời này là trung tâm nghiên cứu Đại học Wangeningen, nằm cách thủ đô Amsterdam 80km, được công nhận là học viện nghiên cứu nông nghiệp hàng đầu thế giới.
Đại học Wangeningen tạo ra Food Valley (Thung lung thực phẩm), một trung tâm tập trung các công ty khởi nghiệp về công nghệ nông nghiệp và những nông trại thí nghiệm.
Cái tên Food Valley “thung lũng thực phẩm” được nhái theo Sillicon Valley – “thung lũng công nghệ” của Califonia.
Vai trò của Đại học Wangeningen cũng giống như vai trò của Đại học Stanfort trong việc tạo ra sự hòa hợp giữa kinh doanh và nghiên cứu học thuật.
Ernst van den Ende – giám đốc của Trung tâm nghiên cứu khoa học cây trồng, Đại học Wangeningen – là người đưa các thành tựu trong nghiên cứu ứng dụng vào thung lũng thực phẩm.
Ông là học giả nổi tiếng thế giới về nghiên cứu bệnh lý cho cây trồng nhưng lại có tác phong rất thoải mái.
Ông nói: “Tôi không chỉ là người lãnh đạo của trường Đại học, nửa trong tôi lãnh đạo về khoa học nghiên cứu cây trồng, và nửa còn lại điều hành những đơn vị kinh doanh liên kết với hợp đồng nghiên cứu khoa học”.
Và chỉ có sự hòa hợp giữa nghiên cứu khoa học và nhu cầu của thị trường mới có thể đáp ứng được những thách thức nằm ở phía trước.
Đó chính là: trong 40 năm tới, Trái Đất phải sản xuất thức ăn nhiều hơn tổng số lượng mà nông dân đã sản xuất trong hơn 8.000 năm qua.
Đó là bởi vì đến năm 2050, dân số Trái đất sẽ tăng lên đến 10 tỷ người. Và nếu như năng suất nông nghiệp không tăng lên gấp bội để phù hợp với sự suy giảm lượng nước và năng lượng hóa thạch, hơn một tỷ người có thể phải đối mặt với nạn đói.
Những nhà hoạch định trong tương lai đang làm việc ở Food Valley tin rằng họ đã tìm ra những giải pháp mang tính đột phá.
Ông Ernst van den Ende rất lạc quan bởi vì ông dựa trên những phản hồi cực kỳ tích cực của hàng ngàn dự án mà đại học Wangeningen đã triển khai trên hơn 140 nước, cũng như với sự kết hợp nhịp nhàng giữa đại học và các chính phủ trong việc ứng dụng những thành tựu mới nhất của khoa học vào sản xuất nông nghiệp.
Một vài ví dụ về những giải pháp nông nghiệp mà Ernst van de Ende chia sẻ như sau: Hạn hán và tình trạng đất cằn cỗi ở châu Phi có thể được giải quyết bằng cách thuần hóa các loại cây có khả năng kết hợp với các loại vi khuẩn để sản xuất phân bón cho chính nó.
Nếu thức ăn cho gia súc, gia cầm trở nên đắt đỏ, lấy châu chấu làm thức ăn thay thế. Một hecta thì có thể thu hoạch được 1 tấn đậu nành/1 năm, loại thức ăn cho gia súc và gia cầm phổ biến hiện nay.
Trong khi đó, với cùng diện tích đất có thể sản xuất 150 tấn đạm từ các loại côn trùng, cũng là nguồn thức ăn cho gia súc và gia cầm.
Ngoài ra, việc sử dụng đèn LED cho phép sản xuất nông nghiệp 24/24 trong những nhà kính, đồng thời có thể kiểm soát các điều kiện khí hậu, giúp việc sản xuất nông nghiệp bền vững hạn chế những tác hại của con người đối với môi trường.
“Chúng ta cần nhìn vào đảo Bali – trong hơn 1000 năm, những người nông dân ở đây đã nuôi vịt và cá trên cùng một cánh đồng nơi họ trồng lúa nước.
Quả là một hệ thống sản xuất thức ăn hoàn thiện và hết sức bền vững nhưng không gây ảnh hưởng nhiều đến môi trường. Đó chính là một hình mẫu của sự bền vững” – Ông nói.
Ở mỗi góc nhỏ của Hà Lan thì tương lai của ngành nông nghiệp bền vững được hình thành rất sắc nét. Không phải trong các phòng họp của công ty, tập đoàn lớn, mà là trong hàng ngàn những trang trại nhỏ.
Bạn hãy nhìn một cách kĩ lưỡng thiên đường của Duijvestijns và những người anh em. Cũng giống như những cư dân ở đảo Bali, gia đình Duijvestijns đã lập nên một hệ thống sản xuất thực phẩm gần như là cân bằng hoàn hảo giữa nhu cầu của con người và tiềm năng của thiên nhiên, tất cả gói gọn trong tổ hợp nhà kính rộng 36 hecta ở thành phố Delft.
Du khách có thể đi dạo giữa những hàng ngàn dây cà chua cao đến 6 mét. Rễ của nó không nằm trong đất mà được đặt trong các cuộn sợi làm từ đất badan và phấn, còn cây thì nặng trĩu trái. Có đến 55 loại cà chua trong một cây để đáp ứng khẩu vị khác nhau của khách hàng.
Năm 2015 nền nông nghiệp thế giới đã công nhận Duijvestijns là nhà sản xuất cà chua sáng tạo nhất thế giới.
Kể từ khi cấu trúc lại nông trại 70 năm tuổi vào năm 2004, nhà Duijvestijns hoàn toàn tự chủ về nguồn nguyên liệu sản xuất. Nông trại đã tự sản xuất được năng lượng và phân bón, thậm chí những nguyên liệu cần thiết cho bao bì cũng tự sản xuất.
Môi trường sản xuất thì được giữ ở nhiệt độ thích hợp nhất quanh năm bằng máy sản xuất điện từ địa nhiệt, vốn rất dồi dào trong lòng đất.
Nguồn nguyên liệu khó khăn nhất chính là nước mưa. Nhà quản lý sản xuất cho biết: “Chúng tôi sản xuất 1kg cà chua chỉ tốn 4 galon nước so với những cây cà chua khi sản xuất ngoài cánh đồng tốn tới 16 galon”.
Sau một năm, toàn bộ vụ mùa sẽ được trồng lại từ hạt giống và những cái dây cà chua cũ được sử dụng sản xuất ra bao bì đóng gói.
Bất kì loại động vật xâm hại nào lọt vào được nhà kính của Duijvestijns thì sẽ bị tiêu diệt bởi Phytoseiulus persimilis, một loại rận ăn thịt nhưng không gây hại cho cà chua.
Nhà sản xuất Duijvestijns cho biết ông luôn tham dự các cuộc gặp gỡ giữa những nhà nông dân và những nhà nghiên cứu khoa học.
Ông nói: “Đây là cách để chúng tôi đưa ra những ý tưởng sáng tạo để cải tiến không ngừng. Tất cả mọi người trên khắp đất nước Hà Lan tập hợp lại để thảo luận những vấn đề khác nhau và vì mục tiêu chung. Không ai có thể trả lời được tất cả mọi câu hỏi cả, và đây là cách chúng tôi đưa ra những giải pháp tiên tiến nhất.”
Tìm câu trả lời cho câu hỏi liên quan đến sự sống còn là nguyên nhân cho sự trỗi dậy của một trong những công ty sáng tạo hàng đầu Hà Lan. Khoảng 50 năm trước, Jan Koppert đã sử dụng những loại hóa chất độc hại để diệt trừ sâu bệnh khi canh tác dưa leo trên nông trại của mình.
Khi một bác sĩ cho biết ông bị dị ứng nặng với thuốc trừ sâu, Koppert đã đặt ra mục tiêu tìm hiểu về kẻ thù thiên nhiên của các loại sâu bệnh. Ngày nay, công ty sinh học Koppert là nhà sản xuất hàng đầu trong việc kiểm soát sâu bệnh với hơn 1.330 nhân viên và 26 công ty phân phối sản phẩm trên 96 quốc gia.
Công ty Koppert có thể cung cấp cho bạn những túi làm bằng sợi vải, trong đó có chứa những con sâu của loài bọ cánh cứng có thể giúp tiêu diệt các loại rệp gây hại. Có những sản phẩm là những cái lọ chứa hơn 2.000 những con rận ăn thịt có thể giúp săn các loại nhện có hại cho cây trồng.
Koppert không chỉ cung cấp sản phẩm giết chóc mà còn có sản phẩm đầy yêu thương như là loài ong mật đặc biệt. Ong vốn được biết có khả năng cung cấp mật đồng thời thụ phấn cho hoa hiệu quả hơn gấp nhiều lần thụ phấn nhân tạo. Loại ong đặc biệt này hiệu quả trong việc thụ phấn, có khả năng thăm đến nửa triệu bông hoa mỗi ngày.
Những nông dân sử dụng những loại ong này thì cho biết sản lượng tăng từ 20% đến 30% và giảm nửa chi phí so với thụ phấn nhân tạo.
Công nghệ đạt được những bước tiến vượt bậc nhất ở Hà Lan chính là ngành tạo giống, nhất là trong bối cảnh trên thế giới có rất nhiều tranh cãi xung quanh việc phát triển những hạt giống biến đổi gen nhằm sản xuất ra những mùa vụ lớn hơn và kháng bệnh tốt hơn.
Đối với những người phản đối thì việc biến đổi gen có thể tạo ra những viễn cảnh giống như quái vật Frankenstein, hậu quả của việc thí nghiệm thiếu thận trọng trên những thực thể sống.
Điều tuyệt vời là rất nhiều công ty Hà Lan dẫn đầu thế giới trong việc kinh doanh hạt giống với giá trị xuất khẩu gần 1,7 tỷ đô trong năm 2016. Và họ không hề sản xuất sản phẩm biến đổi gen!Những hạt giống biến đổi gen ở châu Âu có thể tiêu tốn đến hàng trăm triệu đô la và đòi hỏi từ 12 đến 14 năm để nghiên cứu và phát triển.
Ngược lại những thành tựu nghiên cứu lớn nhất trong khoa học về việc nhân giống phân tử và không gây biến đổi gen thì có thể có kết quả chỉ trong từ 5 đến 10 năm và chi phí cho việc phát triển chỉ khoảng 100.000USD, cao nhất là khoảng 1 triệu USD.
Các phương pháp nghiên cứu nhân giống ở các công ty này là sự tiếp nối những phương pháp mà nông dân của vùng Trung Đông và Ai Cập cổ đại sử dụng từ 10.000 năm trước đây.
Trong danh mục bán hàng của Rijk Zwaan – một nhà cung cấp giống của Hà Lan – có hạt của 25 nhóm rau có thể tự kháng trước rất nhiều loại sâu bọ.
Heleen Bos chịu trách nhiệm cho việc phát triển các dự án của công ty Rijk Zwaan trên thế giới, cô được mong mong đợi sẽ nói về việc sản xuất ra những hạt giống cà chua mang lại lợi nhuận cao. Nhưng ngược lại, cô ấy chỉ nói đến hàng triệu người, hầu hết là phụ nữ và trẻ em bị thiếu đói trên thế giới.
Giống như rất nhiều doanh nhân khác ở Food Valley, Bos làm việc với rất nhiều cánh đồng và thành phố ở những quốc gia nghèo đói trên thế giới.
Với lịch sử làm việc ở Mozambique, Nicaragua, và Bangladeshhơn 30 năm qua, cô biết rằng: nạn đói kém không phải là một mối đe dọa mơ hồ chung chung nào đó.
“Dĩ nhiên chúng ta không thể ngay lập tức triển khai những kĩ thuật nông nghiệp công nghệ cao mà bạn có thể thấy ở Hà Lan, nhưng chúng ta có thể giới thiệu những giải pháp công nghệ bậc trung nhưng vẫn tạo nên sự biến đổi rất lớn”, Bos nói.
Cô giới thiệu về những nhà kính làm từ nhựa với chi phí thấp nhưng có thể giúp mùa vụ tăng gấp 3 lần so với trên cánh đồng cỏ. Từ 2008, Rijk Zwaan hỗ trợ việc nhân giống ở Tanazia với cánh đồng thí nghiệm rộng khoảng 50 hecta. Hạt giống ở đây được gửi tới từ Hà Lan để kiểm tra về chất lượng nảy mầm, độ nguyên chất và khả năng kháng sâu bệnh. Sau đó những dự án hợp tác như thế này được mở rộng tới Kenya, Peru, and Guatemala.
“Chúng tôi cố gắng phát triển những loại hạt đặc biệt dành cho những môi trường sống đặc biệt” – Bos nói
Và tại thời điểm bắt đầu thì Bos nhấn mạnh: “Chúng tôi hạn chế các phương pháp theo kiểu cho từ trên xuống như những tổ chức hỗ trợ nước ngoài khác. Chúng tôi đã có những buổi trao đổi rất thẳng thắn và liên tục với những nhà nuôi trồng nông nghiệp nhỏ để tìm hiểu về những cái họ cần, tìm hiểu về thời tiết và tình trạng đất mà họ đang canh tác, từ đó họ tự trồng tự phát triển.”
Cách 4000 dặm về phía nam của Wageningen, trên một cánh đồng đậu ở Đông Phi, một thành viên từ SoilCares, một công ty công nghệ nông nghiệp Hà Lan, đang hướng dẫn cách sử dụng một thiết bị cầm tay khá nhỏ.
Phối hợp với ứng dụng trên điện thoại, thiết bị này có thể phân tích lượng pH, lượng dinh dưỡng và các yếu tốt sinh học khác có trong đất, truyền tải kết quả phân tích về trung tâm chính ở Hà Lan.
Chỉ sau 10 phút, trung tâm này sẽ đưa ra bản báo cáo chi tiết về lượng phân bón và dinh dưỡng cần thiết cho cánh đồng này. Chỉ tốn vài đô, bản báo cáo có thể giúp người nông dân, vốn chưa bao giờ tiếp cận với phòng thí nghiệm phân tích mẫu đất, có kiến thức về đất và tiết kiệm chi phí cho mùa vụ.
Dưới 5 phần trăm của lượng nông trại trên toàn thế giới được tiếp cận với phòng phân tích mẫu đất. Đó là con số mà người Hà Lan nhìn thấy thách thức và cơ hội.
“Công việc của chúng tôi có ý nghĩa gì cho các nước đang phát triển? Đó là câu hỏi luôn được đặt ra và thảo luận hàng ngày ở trung tâm này!”Martin Scholten, giám đốc của nhóm Nghiên cứu Khoa học Động Vật của đại học Wangeningen cho biết.
Có lẽ đó chính là bí quyết thành công của người Hà Lan, nước nhỏ nhưng có thể nuôi cả thế giới.
Viết bình luận