Nông nghiệp 'nghiện' hóa chất độc hại

Với hàng trăm ngàn tấn hóa chất bảo vệ thực vật được nhập về và sử dụng mỗi năm, nhiều chuyên gia cho rằng môi trường bị ô nhiễm, sức khỏe người dân bị ảnh hưởng.

Nhiều chuyên gia cho rằng việc người dân lạm dụng thuốc bảo vệ thực vật trong sản xuất nông nghiệp không chỉ gây ô nhiễm môi trường, đe dọa sức khỏe người dân, mà còn ảnh hưởng đến hoạt động xuất khẩu - Ảnh: Quang Định

"Vì sao tỉ lệ ung thư của Việt Nam ở vào hàng cao nhất thế giới? Thực phẩm bẩn đóng một vai trò lớn trong đó. Cần phải thay đổi cách quản lý hóa chất trong nông nghiệp, thay đổi quan điểm trong sản xuất nông nghiệp, chuyển từ sản xuất nhiều sang sản xuất sạch và giá trị cao" TS Nguyễn Đăng Nghĩa (giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và tư vấn nông nghiệp nhiệt đới)

Theo các chuyên gia, trong khi ngành nông nghiệp Việt Nam được Chính phủ hướng đến mục tiêu sản xuất sạch và an toàn nhằm phục vụ người tiêu dùng trong nước và xuất khẩu, việc cho phép nhập khẩu và sử dụng hóa chất bảo vệ thực vật vô tội vạ thời gian qua cho thấy sự mâu thuẫn, thiếu nhất quán trong điều hành của các cơ quan quản lý.

Bán tràn lan, sử dụng 
vô tội vạ

Một ngày giữa tháng 4-2017, khi thực hiện chuyến khảo sát ở một vùng chuyên canh rau theo tiêu chuẩn sạch VietGAP tại Hóc Môn, TP.HCM, chúng tôi thật sự “choáng” khi chứng kiến cách thức chăm sóc vườn rau của nhiều nông dân.

Phần lớn ruộng rau, nhiều nhất là các loại rau cải, đều được dùng thuốc bảo vệ thực vật để trị các loại bệnh sâu ăn lá, bọ nhảy, sâu rẽ lá, rầy nâu..., dù trên bao bì các vỏ thuốc đều có ghi chữ “cực độc”, “độc cao”, “nguy hiểm”...

Anh Tình (Nam Định), người đang canh tác hơn 1ha rau dền và rau cải tại đây, cho biết với thời tiết nắng nóng và mưa bất thường thời gian gần đây, ruộng rau rất dễ phát sinh dịch bệnh, đặc biệt là rầy ăn lá.

Chỉ vào các bịch và lọ thuốc bảo vệ thực vật được treo lủng lẳng ở vách nhà, chủ yếu là Anvado và Oshin, anh Tình cho biết đây từng là những “biệt dược” trị các loại sâu bệnh cho rau, nhưng nay sâu, rầy cũng bị lờn thuốc này.

Chẳng hạn, trước đây một gói thuốc (khối lượng khoảng 6,5 gram) có thể pha với nước để phun cho 10 liếp rau, nhưng hiện nay phải tăng “đô” lên 2 gói cho 10 liếp.

“Người dân mình lạ lắm, thường chọn mua loại rau đẹp, tốt xanh mơn mởn, mà những loại đó là “uống thuốc” trừ sâu khiếp lắm. Còn nếu không được phun thuốc, rau có sâu lại bị người tiêu dùng chê” - anh Tình nói.

Tương tự, chị Nguyễn Thị Thơm (Hóc Môn) cho biết gia đình chị thường sử dụng loại thuốc Pesieu và Opsin để trừ sâu, chưa kể các loại thuốc diệt cỏ để “hạ gục” những cây cỏ khó nhổ.

Dù thừa nhận thuốc trừ sâu nào cũng độc, nhưng chị Thơm cho rằng “nếu dùng đúng liều lượng chắc cũng... không sao”.

“Rau thường xuyên bị sâu, rầy tấn công nên mọi người đều mua thuốc bảo vệ thực vật để dự trữ, khi thấy rau có dấu hiệu có sâu, rầy là phải mang bình thuốc ra xịt ngay” - chị Thơm nói thêm.

Trong vai người mua thuốc về trị sâu cho ruộng rau, chúng tôi đến một cửa hàng bán thuốc bảo vệ thực vật tại xã Xuân Thới Thượng (Hóc Môn) - nơi chuyên cung cấp thuốc cho hơn 200 nông dân trồng rau trên địa bàn, bà T. - chủ cửa hàng này - giới thiệu cửa hàng đang bán hơn 100 loại thuốc phòng chống sâu bệnh cho rau.

“Em nên mua loại Topsin hoặc Carbenzim là ấu trùng cũng chết chứ nói gì đến sâu” - bà T. quảng cáo.

Khi chúng tôi hỏi có loại thuốc dùng riêng cho rau trồng theo tiêu chuẩn VietGAP không, bà T. cho rằng loại nào cũng có thể dùng cho tất cả các loại rau, từ rau trồng thông thường đến VietGAP.

“Nếu trồng VietGAP, em nên pha nhiều nước hơn so với hướng dẫn và chịu khó tưới nước cho rau vào buổi sáng nhiều hơn. Đảm bảo thuốc sẽ phai nhanh, sâu cũng hết, rau cũng bán được” - bà T. khẳng định.

Nhiều hậu quả nhãn tiền

Trao đổi với chúng tôi, TS Nguyễn Đăng Nghĩa - giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và tư vấn nông nghiệp nhiệt đới - cho rằng ngành nông nghiệp Việt Nam đã có nhiều thành tích đáng ghi nhận trong những năm qua, nhưng cũng gây ra nhiều hậu quả to lớn.

Việc chạy đua theo năng suất và sản lượng trong một thời gian quá dài dẫn đến việc sử dụng phân bón và hóa chất bảo vệ thực vật tràn lan và mất kiểm soát. Kinh doanh, mua bán và sử dụng hóa chất bảo vệ thực vật tại Việt Nam rất dễ dàng và tùy tiện.

Hậu quả là chất lượng nông sản của Việt Nam giảm sút, bị nhiều quốc gia trả hàng hoặc cấm nhập khẩu. Trong khi đó, thực phẩm chính là một trong những nguyên nhân quan trọng khiến sức khỏe của người Việt Nam đang có vấn đề.

“Vì sao tỉ lệ ung thư của Việt Nam ở vào hàng cao nhất thế giới? Thực phẩm bẩn đóng một vai trò lớn trong đó. Cần phải thay đổi cách quản lý hóa chất trong nông nghiệp, thay đổi quan điểm trong sản xuất nông nghiệp, chuyển từ sản xuất nhiều sang sản xuất sạch và giá trị cao” - TS Nguyễn Đăng Nghĩa nói.

Giám đốc một công ty xuất khẩu trái cây tại TP.HCM cho rằng hiếm có quốc gia nào mà kinh doanh và sử dụng hóa chất bảo vệ thực vật thoải mái như ở Việt Nam. Ở những vùng chuyên canh nông nghiệp, mỗi làng xã đều có điểm bán thuốc bảo vệ thực vật.

Khi phát hiện bất cứ vấn đề gì với cây trồng của mình, người dân đều dễ dàng đến các cửa hàng này để mua về sử dụng mà không ai kiểm soát.

“Do việc lạm dụng hóa chất độc hại trong canh tác nông nghiệp, sức khỏe cây trồng giảm sút và sâu bệnh cũng bị lờn thuốc, người dân lại phải tăng thêm liều lượng mới có thể tiêu diệt được sâu bệnh hại hoa màu” - vị này nói.

Theo các chuyên gia nông nghiệp, để phát huy thế mạnh phát triển nông nghiệp để xuất khẩu, trước hết VN cần thường xuyên cập nhật các quy định về chất cấm sử dụng trong nông nghiệp, thực phẩm của các thị trường nhằm kịp thời đưa ra lệnh cấm sử dụng tại Việt Nam.

Đặc biệt, cơ quan quản lý cần có chính sách phát triển nông nghiệp sạch, nông nghiệp hữu cơ bằng cách hạn chế sử dụng hóa chất, tăng cường sử dụng phân bón hữu cơ và các chế phẩm sinh học.

GS.TS Nguyễn Thơ, phó chủ tịch Hội Bảo vệ thực vật Việt Nam, cũng cho rằng cần sớm có những định hướng cụ thể về chiến lược phát triển nông nghiệp, kèm theo đó là những biện pháp chế tài nghiêm khắc với kinh doanh hóa chất độc hại.

“Không phải những công ty sản xuất và kinh doanh hóa chất nông nghiệp không hiểu dùng nhiều hóa chất là tàn phá môi trường, dùng nhiều chế phẩm sinh học là tốt cho môi trường, họ biết hết nhưng họ không làm bởi đơn giản buôn bán hóa chất có lời nhanh và nhiều hơn” - GS.TS Nguyễn Thơ cho biết.

3 tháng, chi hơn 4.000 tỉ đồng 
nhập hóa chất bảo vệ thực vậ

Theo Bộ NN&PTNT, chỉ trong ba tháng đầu năm nay Việt Nam đã chi hơn 4.000 tỉ đồng để nhập khẩu các loại hóa chất bảo vệ thực vật  tăng 7,5% so với cùng kỳ năm 2016, trong đó nguồn nhập khẩu chủ yếu là từ Trung Quốc (chiếm trên 50% tổng nhập khẩu).

 

Trong năm 2016, Việt Nam nhập khẩu 736 triệu USD thuốc trừ sâu và nguyên liệu, tương đương100.000 tấn để sử dụng trong nước, một phần chế biến tái xuất khẩu.

Viết bình luận