ÔNG NGUYỄN TẤN DŨNG VỚI MÔ HÌNH TRỒNG BƠ MỸ ĐƯỢC ĐÁNH GIÁ THẾ NÀO?

 “Ông Nguyễn Tấn Dũng, xã Ia Dreng đã mạnh dạn chuyển đổi cây trồng, từ diện tích tiêu chết khô sang trồng bơ Mỹ, nhờ đó sau 5 năm ông đã thu về hơn 300 triệu đồng từ 400 gốc bơ cho thu bói…”, ông Nguyễn Long Khánh, Phó phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Chư Pưh (Gia Lai) đánh giá.

Ông Nguyễn Long Khánh cho biết, qua cách làm của ông Nguyễn Tấn Dũng, hiện, Phòng nông nghiệp huyện đang khuyến khích người dân trồng xen cây ăn quả trên diện tích tiêu chết để mang lại thu nhập trước mắt và cải tạo, diệt mầm bệnh trên đất…”

Trồng cây ăn quả, có phải hướng đi tốt?

Như Dân Việt đã thông tin, trong bối cảnh cây hồ tiêu nhiều địa phương ở Tây Nguyên bị chết rụi, và giá tiêu hạt thấp kỷ lục kéo dài thì việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng cho nông dân là vấn đề được nhiều người quan tâm hiện nay. Trước đó, Dân Việt cũng thông tin về cách ông Nguyễn Tấn Dũng-nông dân xã Ia Dreng mạnh dạn chuyển đổi vườn tiêu chết sang trồng bơ, đặc biệt là các giống bơ Mỹ mang lại hiệu quả kinh tế cao. Nay, Dân Việt xin thông tin về những đánh giá của đại diện lãnh đạo Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Chư Pưh về mô hình chuyển đổi của ông Nguyễn Tấn Dũng.

Chạy dọc con đường nhựa rẽ vào UBND xã Ia Dreng, chúng tôi vẫn thấy hàng nghìn trụ tiêu chết trắng, trụi trơ giữa tiết trời nắng gắt. Thế nhưng, ngay cạnh UBND xã Ia Dreng lại mọc lên 1 vườn bơ xanh ngát đang mùa ra hoa, đậu quả. Đó là khu vườn của ông Nguyễn Tấn Dũng. Vườn bơ của ông Nguyễn Tấn Dũng được phòng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn huyện Chư Pưh đánh giá rất cao vì ông Nguyễn Tấn Dũng đã mạnh dạn chuyển đổi từ vườn tiêu chết thành vườn cây ăn quả tươi tốt, cụ thể là trồng cây bơ.

ong nguyẽn tán dũng voi mo hinh trong bo my duoc danh gia the nao? hinh anh 1

Những gốc bơ thường đã được ông Dũng ghép lên chồi bơ mỹ đang phát triển rất mạnh

Trao đổi với Dân Việt, ông Nguyễn Long Khánh cho hay, những năm qua do thời tiết diễn biến thất thường, nắng hạn…nên dịch bệnh xuất hiện tràn lan trên cây hồ tiêu. Cũng chính vì vậy mà hàng nghìn ha tiêu bị chết trắng trụ, nhiều hộ nông dân trở thành con nợ, bỏ xứ đi làm ăn xa. Trước tình trạng trên,  năm 2013, thực hiện chỉ đạo của cấp trên, Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Chư Pưh đã triển khai công tác hướng dẫn, khuyến khích bà con nông dân trồng xen canh, luân canh cây ăn quả. Tuy nhiên lúc bấy giờ giá tiêu còn khá cao nên chỉ có một vài hộ dân mạnh dạn chuyển đổi sang trồng cây ăn quả. Trong đó, đặc biệt phải chú ý đến mô hình trồng bơ của ông Nguyễn Tấn Dũng. Vườn tiêu của nhà ông Nguyễn Tấn Dũng đổ bệnh rồi chết dần,ông kêu ca hay phó mặc với khu vườn hơn 4.000 trụ tiêu sống dở, chết dở mà mạnh dạn chuyển đổi tìm cây bơ để thay thế.

ong nguyẽn tán dũng voi mo hinh trong bo my duoc danh gia the nao? hinh anh 2

Năm 2018 này ngoài diện tích bơ thường, những cây bơ mỹ được ông Dũng cho xen canh cũng đã có những trái bói đầu tiên

“Sau 5 năm kiên trì chăm sóc, chấp nhận có thời gian chưa có nguồn thu nhập, năm vừa rồi (2017), gia đình ông Nguyễn Tấn Dũng đã có những tấn bơ quả thu hoạch đầu tiên, cho lãi hơn 300 triệu đồng sau khi đã trừ đi chi phí. Mạnh dạn như ông Nguyễn Tấn Dũng, trên địa bàn xã Ia Dreng còn có một số hộ đến nay cũng đã có nguồn thu nhập nhờ chuyển diện tích tiêu chết sang trồng cây ăn quả và có lợi nhuận khá. Điển hình như vườn mít Thái của hộ ông Đào Thanh Khơ (thôn Tung Blai, xã Ia Dreng) đã cho lãi 200 triệu đồng/năm…”, ông Nguyễn Long Khánh thông tin thêm.

ong nguyẽn tán dũng voi mo hinh trong bo my duoc danh gia the nao? hinh anh 3

Mới vụ bói năm đầu tiên, nhưng nhiều quả bơ đã có trọng lượng 1kg

Về việc Nguyễn Tấn Dũng chuyển đổi có hiệu quả từ vườn tiêu chết sang trồng bơ, Nguyễn Thị Vân, Chủ tịch Hội Nông dân xã Ia Dreng đánh giá khá cao như vườn ươm và ghép bơ. “Những năm gần đây bà con nông dân đang loay hoay với cây hồ tiêu, rất ít hộ mạnh dạn chuyển đổi sang cây trồng khác. “Trước đây chỉ có mô hình trồng mít của ông Đào Thanh Khơ, đến nay mới có thêm mô hình trồng bơ của ông Nguyễn Tấn Dũng. Cá nhân ông Nguyễn Tấn Dũng chưa phải là hộ được bình xét và công nhận nông dân sản xuất kinh doanh giỏi, nhưng những năm vừa rồi đã mạnh dạn thay đổi, thoát khỏi cây hồ tiêu hướng đến cây trồng mới có hiệu quả. Bên cạnh đó, ông Nguyễn Tấn Dũng còn tạo được vườn ươm cung cấp giống bơ và chia sẻ kiến thức, kinh nghiệm trồng bơ cho bà con áp dụng theo. Qua đó, nhiều hộ đã thoát khỏi vòng luẩn quẩn khi cứ cố tiếp tục khôi phục những vườn tiêu bệnh”, bà Vân nói.  

Từ vườn tiêu chết khô “biến” thành vườn bơ tươi tốt

Nhờ sự nhận định nhanh nhạy và lòng quyết tâm, từ vườn tiêu chết khô, ông Nguyễn Tấn Dũng đã mạnh dạn chuyển sang trồng cây bơ. Tuy mới là mùa thu bói đầu tiên, nhưng hơn 400 gốc bơ, nhất là những gốc bơ giống Mỹ của ông Nguyễn Tấn Dũng đã có lãi về 300 triệu đồng và con số này dự kiến sẽ tăng gấp 3 lần vào tháng 7– mùa thu hoạch bơ chính vụ sắp tới.

Trò chuyện với chúng tôi, ông Nguyễn Tấn Dũng phấn khởi cho biết: “Trước đây thì tôi say mê với tiêu lắm, nhưng từ ngày tiêu bệnh, tiêu chết là tôi chán rồi bỏ luôn. Thấy cây bơ dễ trồng, lại ít bệnh tật, nhất là giống bơ Mỹ, nên  tôi chủ động học hỏi kinh nghiệm từ những vườn bơ lớn ở các tỉnh Tây Nguyên rồi mua giống về trồng luôn. Gần 4 năm đầu không bón phân mà bơ phát triển nhanh lắm. Thực ra lượng phân trước đó bón cho vườn tiêu vẫn còn  rất nhiều trong đất nên bơ tự ăn phân rớt lại của tiêu luôn. Với vườn bơ, tôi chỉ cần tưới nước và làm cỏ là xong. Mới năm bói đầu tiên mà gia đình đã thu về hơn 10 tấn bơ quả rồi. Tháng 7 tới đây, dự là năng suất và sản lượng bơ quả sẽ tăng hơn vì năm nay là năm thu chính…”.

ong nguyẽn tán dũng voi mo hinh trong bo my duoc danh gia the nao? hinh anh 4

Vườn ươm các giống bơ của ông Nguyễn Tấn Dũng đã và đang là nguồn cung cấp giống các loại cây ăn quả, đặc biệt là cây bơ cho bà con nông dân trong vùng.

Không chỉ thành công với việc chuyển đổi từ vườn tiêu chết sang vườn bơ tươi tốt, ông Nguyễn Tấn Dũng còn đưa giống bơ mới (bơ Mỹ) ghép lên gốc bơ thường. Việc làm này đã giảm tối đa thời gian cho thu hoạch quả bơ từ 5 năm về còn 6-8 tháng từ khi chồi ghép phát triển. Điều mà chưa có hộ dân nào ở huyện Chư Pưh có thể mạnh dạn thử nghiệm trồng hay ghép giống. Ngược lại nhiều hộ dân nơi đây vẫn đang loay hoay chuyển đổi trồng cây gì bên vườn tiêu chết khô, trơ trụi.

ong nguyẽn tán dũng voi mo hinh trong bo my duoc danh gia the nao? hinh anh 5

Hiện tại, để tránh tình trạng đổ dồn về một loại bơ, ông Nguyễn Tấn Dũng đã ghép rất nhiều giống bơ trong đó có cả giống bơ nội và bơ ngoại 

Bên cạnh việc chăm sóc những gốc bơ của riêng mình, ông Nguyễn Tấn Dũng còn hướng dẫn nông dân cách trồng, chăm sóc và cắt ghép những mầm bơ Mỹ lên gốc bơ thường, giảm nhanh thời gian cho thu hoạch quả…

Viết bình luận