Phân bón giải phóng chậm làm lợi cho nhà nông

Đối với hàng tỉ người trên khắp thế giới thì gạo là nguồn lương thực chính. Cây lúa trong quá trình phát triển thì cần rất nhiều phân bón. Đáng buồn là phần lớn lượng phân bón có thể nhanh chóng phân hủy trước khi cây lúa kịp hấp thu các chất dinh dưỡng.

 

Tạp chí Sciencemag cho biết các nhà nghiên cứu đã phát triển một loại phân bón phân hủy chậm, thải từ từ ra môi trường. Khi áp dụng cho ruộng lúa ở Sri Lanka, năng suất cây trồng đã tăng lên rõ rệt dù chỉ dùng một nửa số lượng so với phân bón thông thường phổ biến.

Loại phân bón phổ biến là u rê, một hợp chất hữu cơ giàu nitrogen. U rê dễ tan trong nước và dễ bay hơi. Vì vậy nếu lượng nước trong ruộng quá nhiều hoặc ảnh hưởng của những cơn mưa gió sẽ quét nó đi trong dòng chảy bề mặt hoặc nó bị bốc hơi trước khi phân có thể được hấp thu trọn vẹn bởi cây lúa. Trang Sciencemag dẫn lời nhà khoa học Nilwala Kottegoda, tại Viện Công nghệ nano Homagama, cho biết đó là điều mà các nông dân không mong muốn, vì họ sẽ phải vừa tốn thêm tiền để bổ sung phân bón vừa gây ảnh hưởng môi trường. Phân bón bị hòa tan chảy vào sông, hồ... và có đến 70% phân u rê bị thoát vào môi trường là nguyên nhân chính cho sự nở hoa của tảo độc làm ảnh hưởng nguồn thủy sản.

Hiện tại, bà Kottegoda và nhóm nghiên cứu đã phát triển một hình thức mới của u rê hoạt động giống như cơ chế của dạng thuốc tác dụng chậm. Cụ thể, các nhà khoa học đã tạo ra u rê hydroxyapatite bằng cách pha trộn theo tỷ lệ 6:1, hợp chất này sẽ ngăn u rê phân hủy quá nhanh, kiểm soát được lượng nitrogen cây hấp thụ và hydroxyapatite cũng từ từ phân hủy giúp làm giàu phosphorus và calcium cho đất, đây cũng là những yếu tố mà cây cần để phát triển mạnh hơn.

Trong phòng thí nghiệm, Kottegoda và các đồng nghiệp đã tạo được 90 kg phân bón dưới dạng viên có đường kính 1 mm. Họ so sánh và thấy u rê tinh khiết sẽ đẩy 99% nitrogen ra môi trường chỉ trong vòng 5 phút, trong khi hợp chất mới cần đến 1 tuần.

Các nhà nghiên cứu sau đó đã thử nghiệm phân bón của họ trên một cánh đồng lúa ở miền đông Sri Lanka, chia ra 3 khu: không bón phân, bón 100 kg u rê thông thường và bón 50 kg u rê hydroxyapatite. Kết quả, cánh đồng nhận được u rê hydroxyapatite cho năng suất cao hơn 10% so với hai mẫu ruộng kia.

Kottegoda và các đồng nghiệp đang tiếp tục thử nghiệm loại phân bón tác dụng chậm kéo dài này trên cây bắp và cây chè, so sánh giữa môi trường phải và không phải thường xuyên tiếp xúc với nước như lúa.

Viết bình luận