Cây ăn quả đang vươn lên khẳng định vị thế mới ở các tỉnh miền núi phía Bắc. Tuy nhiên, sẽ là nguy cơ lớn nếu không cảnh giác với dịch bệnh, thả lỏng chất lượng giống, coi nhẹ kỹ thuật canh tác và mông lung trong quy hoạch.
Khẳng định lợi thế của nhiều loại cây ăn quả, thậm chí có thể hình thành được các vùng SX lớn để tiến lên xuất khẩu, tuy nhiên, GS.TS Nguyễn Hồng Sơn (ảnh), Phó GĐ Viện Khoa học Nông nghiệp Việt Nam cũng đưa ra nhiều cảnh báo và định hướng cho vùng cây ăn quả tại các tỉnh miền núi phía Bắc.
Một số cây ăn quả như nhãn, cam, xoài, bơ… đang cho thu nhập rất cao tại một số địa phương vùng miền núi phía Bắc. Theo ông, liệu đây có thể hình thành vùng SX cây ăn quả lớn, nhất là tiến tới XK không?
Lâu nay, vùng miền núi phía Bắc nhìn chung ít được quan tâm và để ý tới mảng cây ăn quả, vì thế đặt vấn đề phát triển thành vùng SX lớn về ngành hàng này là một vấn đề mới.
Để trả lời câu hỏi này, trước hết phải xác định được cây trồng nào có lợi thế tại vùng miền núi phía Bắc, và phục vụ cho mục tiêu gì, lợi thế cho tiêu thụ nội địa hay để XK? Bởi một số mô hình ban đầu khi diện tích còn nhỏ lẻ thì có giá trị rất cao, nhưng khi bung ra diện rộng mà không xác định được ở tầm vĩ mô, gồm cả vấn đề thị trường, quy hoạch SX thì rất nguy hiểm, chúng ta đã có quá nhiều bài học rồi.
Sau khi xác định được cây có lợi thế, mới tính đến quy hoạch. Quy hoạch lại phải xét trên tổng thể về bức tranh cây ăn quả chung của cả nước, nghĩa là cây này đã có hướng mở ra ở vùng này, địa phương này rồi thì thôi ở chỗ khác, chứ không phải thích quy hoạch cho nó bao nhiêu cũng được.
Một số địa phương miền núi hiện nay nói quy hoạch lên mấy chục nghìn nghìn hecta cây ăn quả, nhưng căn cứ, cơ sở nào để anh quy hoạch và khuyến khích cho dân trồng chừng đó diện tích?
Vậy theo ông, cây nào có lợi thế, có thể vươn ra SX lớn để XK ở vùng này?
Các loại cây ăn quả ôn đới như đào, hồng, lê, mận… rõ ràng là không có lợi thế để SX lớn, và đặt kỳ vọng XK sẽ là khó khăn. Bởi chúng ta nằm ngay cạnh Côn Minh, Vân Nam của Trung Quốc, là những vựa cây ăn quả ôn đới khổng lồ.
Một số địa phương như Lào Cai hiện cũng đang thử nghiệm phát triển một số giống lê Hàn Quốc khá tốt, nhưng tôi cho rằng các loại hoa quả ôn đới ở vùng này chỉ nên đặt mục tiêu phục vụ cho nhu cầu tiêu thụ nội địa để giảm dần XK mà thôi, cần cân nhắc phát triển ở mức nào đó thôi là vừa.
Các loại cây có múi như cam, quýt cũng có lợi thế về điều kiện phát triển ở vùng này. Các vùng như Hàm Yên (Tuyên Quang); Vị Xuyên, Quang Bình (Hà Giang); Văn Chấn (Yên Bái); Cao Phong (Hòa Bình); Mộc Châu (Sơn La); Điện Biên; Bạch Thông, Chợ Mới (Bắc Kạn); Bắc Sơn, Tràng Định (Lạng Sơn)… đều là các vùng có khả năng phát triển cây có múi với các giống địa phương rất tốt.
Tuy nhiên quan điểm của tôi đối với cây có múi ở vùng này, trước hết phải cải tạo, nâng mức đầu tư thâm canh và phát triển bền vững ở các vùng hiện có để phục vụ trước hết cho nhu cầu nội địa do dư địa thị trường trong nước đối với nhóm sản phẩm này còn quá bao la.
Cần thận trọng và có giải pháp đồng bộ cho vùng cây ăn quả ở miền núi phía Bắc
So với các vùng cam ở Nghệ An, Hòa Bình và các tỉnh ĐBSH có mức thâm canh rất cao thì vùng miền núi phía Bắc đang rất kém, nhất là kỹ thuật canh tác hiện nay nếu không cải thiện thì có nguy cơ tàn lụi đối với các vùng cam này.
Về cây nhãn, hiện Sơn La, Yên Bái, Hà Giang… cũng có tiềm năng rất lớn, nếu ghép cải tạo và đưa được giống tốt, đầu tư tốt thì hoàn toàn có thể XK, tuy nhiên cần phải thận trọng, làm tới đâu chắc tới đó.
Trước đây vùng nhãn Sơn La, Điện Biên đã từng bao nhiêu năm cho không cũng chẳng ai lấy, tất nhiên là lúc ấy do chất lượng trồng thực sinh quá kém. Khó khăn nhất của vùng này hiện nay đó là chưa hình thành được các vùng nhãn tập trung lớn, trong khi giao thông quá xa xôi nên chi phí SX lớn, chi phí vận chuyển quá cao nên cần phải cân nhắc kỹ về khả năng cạnh tranh, trước hết là ở thị trường nội địa trước khi tính tới chuyện XK.
Đối với xoài, các huyện như Yên Châu, Mai Sơn, Mộc Châu, Thuận Châu… (Sơn La), có tiềm năng lớn để trồng xoài. Tuy nhiên giống xoài bản địa Yên Châu dù rất thơm ngon nhưng quả quá bé, hạt to, tiêu thụ rất khó.
Vì vậy, chủ trương trước hết là cần ghép cải tạo lại bằng các giống xoài quả to, chất lượng cao hơn để tiêu thụ trong nước. Hiện Viện Nghiên cứu Rau quả cũng đang xúc tiến đưa các giống xoài xanh Thái Lan, xoài Đài Loan lên ghép cải tạo ở đây.
Tóm lại thì ngoài cây nhãn, tôi chỉ đặc biệt đánh giá cao tiềm năng SX và XK của cây chuối theo hướng công nghiệp, bên cạnh đó còn có dứa và cây chanh leo tại vùng này.
Cây chuối phía Bắc mấy năm qua rất phập phù, có năm rẻ như cho. Vì sao ông lại đánh giá cao về chuối, dứa, chanh leo?
Vùng miền núi phía Bắc lạnh, có sương, nhưng lại ít có gió bão, cường độ ánh sáng cao như Sơn La, Điện Biên phát triển chuối rất tốt. Chuối không khắt khe về điều kiện SX, dễ trồng. Hiện nay, nhiều quả đồi dốc ở Lào Cai hiện đã có DN đầu tư trồng chuối XK, có lãi khá. Ở phía Bắc nói chung, theo tôi chỉ có chuối là cây ăn quả có tiềm năng nhất.
Tất nhiên để tính tới XK cây ăn quả nói chung thì phải có đơn đặt hàng của các nhà NK. Hiện các thị trường xung quanh chúng ta như Nhật Bản, Hàn Quốc hàng năm cần NK rất nhiều chuối, đa số họ nhập của Philippines.
Nhưng Philippines quanh năm bị bão, sản lượng rất phập phù. Chuối của chúng ta đúng là có lúc thừa ế, nhưng chủ yếu là do không tổ chức được SX. Các đối tác Nhật, Hàn Quốc hiện đang rất cần NK chuối của Việt Nam nhưng chúng ta chưa đáp ứng được yêu cầu của họ, nhất là chưa tổ chức được SX đủ lớn.
Ở phía Bắc, ngay cả vùng chuối Hưng Yên diện tích cũng chưa đâu vào đâu cả, lại rất hay bị bão. Tôi cho rằng đất đai đồng bằng như Hưng Yên thì trồng cây gì cũng tốt và còn nhiều loại giá trị hơn nhiều, không nhất thiết phải trồng chuối, mà nên quy hoạch đưa lên miền núi.
Đối với dứa hay gần đây là cây chanh leo, đây là 2 cây trồng mặc dù thu nhập và lợi nhuận/ha không quá hấp dẫn, nhưng lại là cây có sự thích hợp đặc biệt ở các tỉnh vùng miền núi phía Bắc do gần như không có bệnh, dễ làm, phù hợp với trình độ SX của nông dân miền núi, có thị trường XK cả quả tươi và cả cho chế biến rất rộng. Hiện phía Bắc mới chỉ có hai vùng dứa đáng kể là Ninh Bình và Nghệ An nhưng luôn trong tình trạng “cháy” nguyên liệu cho chế biến.
Chanh leo cũng là cây trồng tương tự, chịu hạn tốt, dư địa cho thị trường XK còn rất lớn, hiện ở phía Bắc cả 2 đơn vị chế biến là Cty Đồng Giao và Cty Cổ phần Thực phẩm Nghệ An đều đang rất khan nguyên liệu.
Xin cảm ơn ông!
+ Mặc dù chưa xuất hiện ở phía Bắc nhưng khi bung ra diện tích lớn, tập trung, cần hết sức cảnh giác với nguy cơ dịch chổi rồng trên nhãn. Bệnh greening trên cây có múi, sâu đục quả trên nhãn, xoài… cũng rất nguy hiểm nếu các địa phương chỉ chăm chăm mở rộng diện tích. Hiện một số vùng trồng chuối tập trung ở Lào Cai cũng đã bắt đầu xuất hiện bệnh héo vàng lá chuối. Đây là bệnh đang thành dịch lớn tại Trung Quốc nên nguy cơ lan sang Việt Nam rất lớn. (GS.TS Nguyễn Hồng Sơn)
+ Muốn đưa vùng miền núi phía Bắc lên SX hàng hóa về cây ăn quả, sẽ phải có một chương trình khuyến nông có tầm cỡ về kỹ thuật canh tác, đặc biệt là tạo tán. Không có ở đâu trên thế giới trồng cây ăn quả… như trồng rừng ở đây. Những cây xoài ở Yên Châu (Sơn La) cao lêu khêu như cây cổ thụ, muốn phun thuốc trừ sâu cũng chịu. Nhãn, cam, quýt thì một lúc để tới 4 - 5 đợt lộc, chẳng biết phải tập trung chăm sóc cho đợt lộc nào, đến khi thu hoạch thì quả xanh, quả chín, quả bé, quả to… Yêu cầu của hoa quả XK là phải đồng đều, trong khi SX như thế thì khó mà tính tới chuyện XK được. (GS.TS Nguyễn Hồng Sơn)
Viết bình luận