Đó là câu chuyện về ông Nguyễn Duy Đô (52 tuổi), xã Kon Gang, huyện Đăk Đoa, tỉnh Gia Lai- người đầu tiên mạnh dạn đưa nhiều giống cây ăn quả vào trên vùng đất ruộng bỏ hoang. Với quan điểm 1 năm 4 mùa đều phải có quả để thu hái, ông Đô đã rủng rỉnh bỏ túi trên 400 triệu đồng/năm.
Bén duyên với vùng đất ruộng bỏ hoang
Quê gốc ở Bắc Giang, thế nhưng trong một lần vào Gia Lai thăm người nhà, ông Đô thấy đất đai rộng rãi không chật hẹp, gò bó như ở quê nhà. Năm 2012, ông quyết định đưa gia đình vào vùng đất này để lập nghiệp. Thấy vùng đất ruộng, rộng rãi mà bị bỏ hoang nên ông đã nảy ra ý tưởng đưa dòng cây có múi vào trồng thử nghiệm. Ông chạy ra tận Nghệ An mua 200 gốc cam Vinh và cam Canh đưa về thử nghiệm. Khảo sát được một thời gian thấy cây cam phù hợp với thổ nhưỡng và khí hậu ở vùng đất cát nên ông đã quyết định mở rộng diện tích ra hơn 1ha.
Vườn cam Vình giống đang được ông Đô chăm sóc cẩn thận để dời sang vườn bên cạnh
Trò chuyện cùng chúng tôi, ông Đô cho biết: “Đất đai ở đây rộng rãi chứ không như ở ngoài quê, mỗi người được mấy sào, loanh quanh rào vài cái cọc, nuôi mấy con gà là hết đất. Thấy vùng đất rộng này chưa có ai từng trồng cây cam, sẵn có kinh nghiệm từ trước về dòng cây ăn quả khi ở Bắc Giang nên khi mua được mấy ha đất tôi quyết định đưa giống cam về trồng luôn. Hồi đó, nhiều người thấy tôi mở rộng diện tích cam trên vùng đất ruộng, cằn cỗi nên đều khuyên tôi không được trồng. Ấy vậy mà sau khi thấy những quả cam căng tròn, ngọt lịm của tôi bán ra thị trường thì vùng đất Kon Gang này hiện đã trở thành vùng đất nổi tiếng từ cam rồi”.
Khu vườn của ông Đô quanh năm đều có quả thu từ cam, ổi, nhãn, bưởi…
Sau khi thử nghiệm thành công 200 gốc cam, ông Đô tiếp tục mở rộng lên hơn 1.000 gốc. Theo ông Đô, để có được vườn cam đạt chất lượng phải cẩn thận ngay từ khâu chọn giống, phải chọn những giống cây sạch bệnh, sinh trưởng và phát triển mạnh tuyệt đối không nên lựa những cây vàng lá, thân yếu…Bên cạnh đó, phải đặc biệt chú ý đến hệ thống kênh mương thoát nước, trong vườn mùa hè luôn luôn phải ẩm, còn mùa đông phải ráo nước tránh tình trạng cây bị úng…
Dù không được trồng ở vùng đất chuyên canh như ở ngoài Bắc Giang, tuy nhiên vải thiều của ông Đô trồng ở Gia Lai lại cho quả rất sai, ngọt và thơm
“Những loại bệnh mà cây cam thường mắc phải đó là sâu nhện đỏ, xì mù và vàng lá. Với những loại bệnh dịch gây hại này, chúng ta đặc biệt chú ý không nên dùng thuốc hóa học mà phải tăng cường các loại thuốc vô cơ, các sản phẩm sinh học để tránh lây lan mầm bệnh…”, ông Đô chia sẻ.
Gan góc trồng thêm nhiều loại cây “lạ” trên vùng đất hoang
Không chỉ thử nghiệm với cam, hiện tại vườn cây ăn quả của ông Đô còn có ổi, vải thiều, tre…Với 100 gốc ổi, 40 gốc vải thieeuf và 500 gốc tre cùng với hơn 1.000 gốc cam đều được ông trồng thử nghiệm thành công trên vùng đất ruộng bỏ hoang cằn cỗi. Nhờ sự kiên trì, mạnh dạn thử thách với mảnh đất lạ, ông đã rủng rỉnh đút túi hơn 400 triệu đồng/năm sau khi đã trừ hết chi phí.
Những cây cam Vinh của gia đình ông Đô trĩu quả trên vùng đất ruộng vốn trước kia bị bỏ hoang.
Bên cạnh việc đút túi hàng trăm triệu đồng nhờ cây cam, ông Đô còn khảo nghiệm cây tre – một loại cây mà không ai nghĩ rằng có thể phát triển kinh tế. Thế nhưng, bằng sự mạo hiểm đến gan góc ông vẫn quyết định lấy 500 gốc tre giống Đài Loan về trồng, năm vừa qua ông đã thu về hơn 100 triệu đồng từ cây tre.
Quan điểm của lão nông U50 là trồng cây gì hay nuôi con gì đều phải sạch, một năm 4 mùa đều phải có thu, đặc biệt không nên chạy theo phong trào. Phải chăm sóc loại quả của mình như thế nào để thị trường cần mình chứ không phải mình cần thị trường. Tuy vùng đất Kon Gang không phải là vùng đất chuyên canh các loại cây ăn quả, đặc biệt là cây cam, nhưng cam của ông Đô xuất bán ra thị trường rất ngọt và thơm.
Vườn cây cam giống của ông Đô phát triển rất đều
“Trước đây, tôi nghĩ những loại cây ăn quả này chỉ hợp với những mảnh đất màu mỡ, không ai ngờ lại hợp với dòng đất ruộng bị bỏ hoang cằn cỗi như hiện tại. Thật ra, những dòng cây ăn quả này đều có một khoảng thời gian cần hãm lại lượng chất dinh dưỡng. Chính vì vậy, những mảnh đất màu mỡ thông thường rất khó có thể hạn chế được chất dinh dưỡng, nhưng mảnh đất cằn lại rất thích hợp…”, ông Đô cho biết thêm.
Mạnh dạn đưa 500 gốc tre Đài Loan về trồng, năm 2017 vừa qua ông Đô đã thu về 150 triệu đồng
Bên cạnh việc chăm sóc, hướng dẫn kỹ thuật cho khu vườn của mình, ông Đô còn đi khắp nơi học hỏi các kinh nghiệm về truyền đạt lại cho người dân quanh vùng với mong muốn xây dựng vùng đất cây ăn quả đạt chất lượng. Hiện tại, ông cũng đang ươm khoảng 13.000 gốc bưởi để tiến hành cắt ghép giống cam Vinh đưa lên huyện Chư Prông (Gia Lai) cung cấp và hướng dẫn kỹ thuật cho người dân vùng này.
Viết bình luận