Bưởi Da xanh là 1 trong những cây trồng chủ lực của tỉnh Bến Tre. Theo thống kê, năm 2016, toàn tỉnh có khoảng 7.212 ha trồng bưởi Da xanh, trong đó có gần 5.000 ha đang cho quả. Tuy nhiên để nâng cao năng suất cũng như chất lượng trái bưởi da xanh, hiên tại sở khoa học kĩ thuật vĩnh long đã xây dựng phương pháp khai tâm tán bưởi da xanh.
Hiện nay có nhiều tiến bộ kỹ thuật được ứng dụng vào sản xuấtbưởi Da xanh, tuy nhiên năng suất bưởi vẫn còn thấp, chỉ đạt khoảng 60 - 70% so với tiềm năng năng suất của giống. Tỉ lệ quả loại I chỉ đạt khoảng 30% sản lượng. Đồng thời chất lượng chưa cao do quả thường bị dày vỏ, vị chua, quả bị khô đầu múi; quả ngoài đầu cành chính thường có dạng quả lê không đặc trưng dạng quả tròn của giống bưởi Da xanh, quả dễ bị cháy nắng; quả ở vị trí thấp, xa tán lá có xu hướng dày vỏ, mẫu mã xấu. Một trong những nguyên nhân dẫn đến năng suất và chất lượng bưởi chưa cao do kỹ thuật chăm sóc tỉa cành tạo tán của nhà vườn còn một số điểm chưa hợp lý.
Để nâng cao năng suất và chất lượng cho quả bưởi Da xanh Bến Tre, các cán bộ kỹ thuật Trung tâm Khuyến nông tỉnh Bến Tre đã nghiên cứu, cải tiến và áp dụng thành công phương pháp tạo hình khai tâm kết hợp tạo nhánh mang quả trên nhiều vườn bưởi ở thành phố Bến Tre, huyện Châu Thành và Giồng Trôm. Các vườn bưởi áp dụng phương pháp khai tâm có bộ khung cành cân đối, khỏe mạnh, tán lá tròn đều, cây cho nhiều quả to, chất lượng tốt.
Phương pháp tạo hình khai tâm kết hợp với tạo nhánh mang quả đối với những vườn bưởi mới trồng ta tiến hành trình tự các bước như sau:
Sau khi trồng bưởi da xanh cao đến khoảng 80 cm thì bấm ngọn để kích thích cành bên phát triển. Sau khi cây ra cành, chọn 3 cành khỏe, thẳng mọc từ thân chính và phát triển theo ba hướng tương đối đồng đều nhau làm cành cấp 1. Khi cành cấp 1 dài khoảng 60 - 80 cm, dùng cọc cắm xuống đất theo hướng phù hợp rồi dùng dây cột giữ cành cấp 1 vào cọc tạo với thân chính một góc 40 - 450. Sau khi cành cấp 1 trưởng thành (cành bánh tẻ), tiến hành kéo lần 2 đến khi tạo với thân chính 1 góc 60 - 700, kết hợp bấm ngọn để cây phân cành cấp 2. Khi cây ra tược non, cần tỉa bỏ sớm các cành thừa. Tỉa bớt ngọn mỗi đầu cành chính chỉ để 2 cành, phân bố cân đối với tán, mỗi cành cách nhau 20 - 30 cm; tỉa bỏ các cành vượt mọc thẳng đứng, mọc ngược vào tâm.
Cây bưởi đang tạo hình theo phương pháp khai tâm
Khi cây được khoảng 2 năm tuổi, tiếp tục áp dụng kỹ thuật khai tâm tỉa cành, tạo tán kích thích cây sinh nhiều cành mang quả. Thời gian thích hợp nhất để tỉa cành tạo tán cho cây là ngay khi bắt đầu mùa mưa, ta tiến hành bón phân và tưới nước đầy đủ để cây phục hồi sinh trưởng và phát triển. Bón phân có hàm lượng đạm và lân cao như NPK 30-20-5 hoặc NPK 25-25-5, kết hợp với phân hữu cơ giúp cây ra tược mạnh, tán cây phát triển tốt. Sau đó, dùng cọc cắm xuống đất, dùng dây mềm cột và kéo các cành khung cấp 1, cấp 2 sang vị trí còn khuyết và tạo với thân chính một góc 60 - 700; đồng thời, bấm ngọn để các mầm ngủ trên cành cấp 1 và cấp 2 phát triển thành nhiều cành quả, giúp cây có bộ tán cân đối với nhiều cành quả phân bố đều trong vòm tán cây.
Khi kéo cố định các cành cần nhẹ nhàng, kéo từ từ nhiều lần, nơi buộc dây trên cành cần lót đệm cao su cắt từ vỏ xe gắn máy để chống vỏ cành bị hư, thời gian kéo khoảng 1 - 3 tháng/lần cho đến khi cành đạt ở vị trí như mong muốn. Tránh việc kéo mạnh, đột ngột sẽ dễ làm cành bị nứt, tét, nấm bệnh dễ tấn công.
Sau khi các cành quả hình thành, việc chăm sóc và bón phân để nuôi các cành này phát triển hoàn chỉnh là rất cần thiết. Lựa chọn cành mập, cành so le đều nhau, các cành cách nhau khoảng 20 - 30 cm; loại bỏ những cành vượt, cành mọc quá dày hoặc ốm yếu. Trong thời kỳ cây đang mang quả, nhằm hạn chế việc cạnh tranh dinh dưỡng, cần cắt bỏ hết tất cả các quả ở các vị trí đầu cành hoặc quả dưới thấp hoặc có vết sâu bệnh, giữ lại các quả trên các cành quả ở vị trí từ 1/2 - 2/3 vòm tán cây phân bố đều trên tán cây với số quả phù hợp, để cây tập trung dinh dưỡng nuôi quả, giúp quả phát triển to, nặng đạt chất lượng cao.
Cây bưởi da xanh ra nhiều cành hơn khi được tạo tán theo phương pháp khai tâm
Sau khi áp dụng phương pháp tạo hình khai tâm, kết hợp với tạo nhánh mang quả thì số cành mang quả nhiều hơn và phân bố đều trên cây hơn so với cây trồng bình thường không áp dụng kỹ thuật này. Cây sinh trưởng và phát triển rất tốt có bộ khung cành cân đối, khỏe mạnh, tán lá tròn đều, cành mang quả trong thân có độ đồng đều cao, tạo khả năng lấy quả sớm, tỷ lệ quả loại I cao, chất lượng tốt hơn; tăng thời gian khai thác và đảm bảo tuổi thọ cho vườn cây.
Phương pháp tạo hình khai tâm kết hợp với tạo cành quả trên cây bưởi Da xanh đơn giản dễ làm, nó giúp người sản xuất canh tác hiệu quả hơn do tăng năng suất, tăng chất lượng và tăng hiệu quả kinh tế góp phần tăng thu nhập cho người trồng bưởi.
Viết bình luận