Quảng Trường héo úa nghề ươm

Không có người mua, các vườn ươm đầy ứ cây giống keo, bạch đàn


Nhờ nghề ươm cây giống lâm nghiệp, hàng trăm hộ dân ở xã Quảng Trường (Quảng Trạch - Quảng Bình) đã có thêm nguồn thu nhập đáng kể để cải thiện đời sống, vươn lên xoá đói giảm nghèo, thậm chí có nhiều hộ trở nên giàu có trong các năm qua. Nhưng rồi, nghề ươm đang “héo úa” dần... 


Khoảng vào năm 1994-1995, khi phong trào trồng rừng kinh tế, phủ xanh đất trống đồi núi trọc thì ở thôn Hạ Trường (Quảng Trường - Quảng Trạch) xuất hiện nghề ươm cây giống lâm nghiệp. Thấy có thu nhập khá, người dân các thôn Xuân Trường, Thu Trường, Đông Phúc cũng nhập cuộc nghề ươm cây. Có lúc, Quảng Trường đã trên 200 hộ dân tham gia ươm cây giống với nguồn xuất cây mỗi hộ từ 5-7 vạn cây bạch đàn, keo để bán ra thị trường. Có hộ “đại gia” trong nghề ươm khoảng 80 vạn cây, mang về nguồn thu khá lớn.


Cây giống xã Quảng Trường cung cấp cho các địa bàn trong tỉnh và vươn ra tận Quảng Trị, Nghệ An, Hà Tĩnh, có lúc chật ních trên xe tải vô tận Huế, Đà Nẵng... Đặc biệt, Hà Tĩnh được coi là thị trường lớn nhất với gần 70% lượng cây giống lâm nghiệp của Quảng Trường tiêu thụ ở đây. Ngoài cây giống bảo đảm tiêu chuẩn đưa về trồng ngay, các hộ ươm cây ở Quảng Trường còn bán trực tiếp loại cây mới nảy mầm cho các nơi khác ươm cấy lại.


Cứ vào khoảng tháng 6 hàng năm, các hộ ươm cây giống lâm nghiệp ở Quảng Trường lại bắt đầu vào vụ ươm. Khâu chuẩn bị đất, giống, vật tư được rốt ráo thực hiện trong tháng 7 để đến giữa tháng 8 trở đi, khi thời tiết bắt đầu chuyển mùa, có mưa thì cũng là lúc người dân Quảng Trường có cây giống keo, bạch đàn bán, kéo dài cho đến tháng 2 sang năm, phục vụ cho công tác trồng rừng ở các địa phương trong và ngoài tỉnh. Ông Phạm Thành Đồng, Chủ tịch UBND xã Quảng Trường cho biết: “Trung bình mỗi năm, các hộ ươm cây ở Quảng Trường được từ 10 - 15 triệu cây giống bán ra thị trường, lúc cao điểm lên đến 18 triệu cây. Có thể nói đây là một loại hàng hoá của xã có sức vươn mạnh nhất và được nhiều người biết đến. Qua mỗi vụ ươm, các hộ dân ở Quảng Trường sau khi trừ chi phí có lãi từ 5-7 triệu đồng. Tính bình quân trong 6 tháng vào vụ ươm cây, mỗi lao động có thu nhập từ 600 ngàn đồng đến 1 triệu đồng/tháng, có hộ thu nhập cao đạt 3 triệu đồng/tháng... Có hộ mỗi năm thu từ 60-80 triệu đồng”.


Chúng tôi trở lại Quảng Trường mùa cao điểm xuất giống cây lâm nghiệp. Thế mà trên đường, dưới ruộng, người vắng đến lạ thường, không còn cảnh sôi động kẻ bán người mua, phương tiện vận chuyển rậm rịt như trước đây. Tiếp chuyện với chúng tôi ngay tại bờ ruộng, Chủ tịch Hội Nông dân xã Phạm Đăng Khoa nói như thừa nhận việc “hết thời’ của nghề ươm cây giống của Quảng Trường: “Toàn xã chỉ còn độ 50 hộ dân theo nghề ươm cây. Suốt từ đầu vụ ươm cây năm nay, cả xã chỉ mới bán được chưa tới 5 vạn cây. Vào thời điểm này các năm trước, lượng cây bán ra phải gấp mấy chục lần và cây giống lâm nghiệp của xã đã chễm chệ trên xe tải, công nông toả đi các nơi trong, ngoài tỉnh. Nghề này xem chừng đã hết thời rồi, cây ươm ra bán khó lắm, người dân không còn mặn mà như trước nữa...”.


Trên ruộng ươm tấp nập năm nào giờ chỉ còn lác đác vài ba người dân đang làm cỏ chăm cây. Cây giống lâm nghiệp ở Quảng Trường trở nên ế ẩm, nghề ươm cây của người dân đang lụi dần đi chủ yếu là do diện tích đất trồng rừng (nhất là các loại rừng keo, bạch đàn) ở các địa phương trong tỉnh cùng như ngoài tỉnh đã giảm. Lấy ví dụ các huyện Tuyên Hoá, Minh Hoá (Quảng Bình) trước đây mỗi năm được giao 
kế hoạch trồng mới vài trăm ha rừng, nay chỉ còn vài chục ha. Nhiều địa phương không còn đất trống đồi núi trọc để trồng mới và rừng cây đã trồng chưa được khai thác nên không có diện tích để trồng cây mới. Mặt khác, cùng với phong trào áp dụng tiến bộ KHKT vào chăn nuôi, trồng trọt của người dân, nghề ươm cây lâm nghiệp cũng gần như được xã hội hoá, gần như địa phương nào cũng ươm được, nhà nhà ươm cây, hơn nữa giá thành rẻ do phục vụ nhu cầu tại chỗ, không tốn chi phí vận chuyển, vì thế nên cây giống ở Quảng Trường cùng mất đi thế mạnh. Làng nghề ươm cây nổi tiếng Quảng Trường nay chỉ còn vang bóng.


Bao Nong Nghiep Viet Nam 

Viết bình luận